Trong mắt người phương Tây, tục lệ đốt vàng mã với ngút ngàn những tập tiền, nhà, xe, điện thoại bằng giấy để gửi tới người đã mất... trong mỗi dịp giỗ, Tết hay Rằm tháng 7 của người Việt thực là một điều khó lý giải. Sự quá đà trong việc thể hiện tinh thần “trần sao âm vậy” khi cúng lễ của nhiều người thực đang gây nên những bất cập không đáng trong truyền thống tri ân ông bà, tổ tiên quý giá này.
Mùa Vu Lan đang đến gần. Những chuyến xe chở hàng mã lại ngược xuôi tấp nập. Và, trong các cửa hàng bán đồ thờ cúng lại ngập tràn những xe máy, ô tô, điện thoại thông minh, nhà lầu, biệt thự với màu sắc và hình dáng như thật... Người người sắm sanh để dâng lên cha mẹ, ông bà tổ tiên trong mùa báo hiếu.
Những hình ảnh này được nhiều tờ báo quốc tế đăng tải trong những bài phóng sự miêu tả tỉ mỉ hiện tượng được xem là lạ thường này. Với người phương Tây, người đã mất đâu còn có thể đón nhận điều gì để mà kỷ niệm. Vì vậy, họ thấy việc cúng giỗ cha mẹ, ông bà là điều thực rất khó lý giải.
Phong tục đốt vàng mã đã tồn tại lâu năm ở nước ta.
Tuy nhiên, đâu chỉ có người phương Tây, khi nhìn vào ngút ngàn những món đồ biếu tặng người đã khuất, nhiều người trong chúng ta hẳn cũng trăn trở với câu hỏi: Tiền vàng mã là tiền giả, đồ vàng mã là đồ giả, nhưng tiền mua vàng mã là tiền thật. Nên đốt vàng mã, cũng chẳng khác gì đốt tiền thật cả! Vậy nhưng sao nhiều gia đình, thậm chí gia đình còn khó khăn vẫn “đổ” tiền vào người đã khuất, vào quá khứ thay vì lo cho thực tại, cho người còn sống?
Tại sao có những người con ngày Rằm, ngày giỗ mâm cao cỗ đầy, vàng mã gánh gồng đốt mịt mù… dâng cha mẹ, tổ tiên trong khi lúc cha mẹ còn thì né tránh chăm sóc, viện cớ lo cuộc sống riêng để thoái thác trách nhiệm?
Đã biết bao lần vì hoạt động đốt vàng mã mà kẻ làm cháy nhà, người gây cháy rừng, hàng xóm bất đồng vì bụi tro, vì khói ám.... Vàng mã là giả, thiệt hại là thật. Vậy nhưng, nhiều người vẫn mê muội làm, vẫn dốc công bỏ của cho một hình bóng không còn trong thực tại mà lẽ ra chỉ cần tưởng nhớ là đủ.
Không kể đến những kẻ “trục lợi” tâm linh, bày đặt lễ lạt chỉ để xin lộc, cầu may, ngay cả những người coi trọng lễ lạt đến mù quáng, nhìn hậu quả gây ra cho môi trường từ việc đốt vàng mã quá đà hẳn cũng nên tự vấn lương tâm.
Phật giáo hoàn toàn không có kinh sách nào nhắc tới việc đốt vàng mã. Tập tục này chỉ gắn liền với các tín ngưỡng dân gian. Vậy nên hiểu về nguồn gốc để mỗi người nên tự có cách ứng xử của riêng mình.
Truyền thống uống nước nhớ nguồn, thờ cúng ông bà, cha mẹ của người Việt thực rất đáng quý. Tuy nhiên, dịp này nên chỉ là để nhớ lại cội nguồn và để anh chị em trong họ hàng có dịp quây quần, ôn lại những kỷ niệm xưa cũ thân thương đã qua. Đừng biến tướng phong tục đẹp đẽ này thành nghi lễ khếch trương tốn kém và gây phiền phức.
Thương mẹ cha, hiếu nghĩa với ông bà thì hãy thể hiện thiết thực khi các đấng sinh thành hay ông bà còn ở nơi dương thế. Một khi âm dương đã đôi ngả, mọi điều chỉ còn là hoài niệm mà thôi. Đây cũng là lý do người phương Tây rất coi trọng ngày sinh nhật của người thân, bởi khi ấy người thân còn có thể tận hưởng niềm hạnh phúc. Hiện tại luôn luôn là điều đáng trân quý!
Thu Hương
* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin Pháp Luật.