img

Trăn trở của bác sĩ về những tình huống éo le khi trẻ bị chó cắn biến dạng vùng mặt

Nguyễn Lành

Tiếp nhận bệnh nhi trong tình trạng biến dạng khuôn mặt do chó cắn, các bác sĩ rất đau xót. Có trường hợp, chính người nhà các bé, nhìn vết thương “thấy sợ quá” đã bỏ khỏi xe cấp cứu trước khi làm thủ tục nhập viện cho bệnh nhi. Lúc này, các bác sĩ vừa tiếp nhận, vừa cuống cuồng tìm người nhà của bệnh nhi.

Chó cắn rách mặt, lộ xương đầu

img

Bệnh nhi đầu tiên là L.N.D (17 tháng tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang), nhập viện trong tình trạng có nhiều đường rách lớn vùng hàm mặt, vết thương thiếu hổng nhiều vùng da, lộ tổ chức cơ, mỡ, xương đầu, răng. Sau khi tiếp nhận, bác sĩ bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) tiến hành phẫu thuật trong đêm suốt 3,5 giờ đồng hồ với 7m chỉ khâu lại toàn bộ vùng mặt cho bệnh nhi này. Ngoài ra, bệnh nhi thứ 2 là Đ.Q.V. (18 tháng tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) bị chó hàng xóm cắn và nhập viện rong tình trạng có 1 đường rách lớn trên má phải. Bệnh nhi được người nhà đưa đến bệnh viện quận Thủ Đức cấp cứu, sau đó chuyển lên bệnh viện Nhi đồng 1. Người nhà cho hay, trong lúc bệnh nhi chơi đùa, chạy lại chỗ chó nằm, vấp phải chân nên bị chó táp vào mặt.

Bệnh nhi thứ 3 là bệnh nhi L.N.G.H. (19 tháng tuổi, ngụ tỉnh Tây Ninh) được cấp cứu trong tình trạng rách vùng má phải với vết thương lớn, phần da bị rách nát lộ cơ, mô mỡ. Các bác sĩ mất hơn 3 giờ đồng hồ với 5m chỉ khâu vá lại vết thương. Bệnh nhi bị cắn khi lại gần chỗ chó đang ăn. Chị H. - mẹ bệnh nhi nhớ lại: “Tôi không thể ngờ chó nhà nuôi bao nhiêu năm bỗng dưng lại hung hãn với con tôi như thế. Có lẽ, nó sợ con tôi giành đồ ăn, nên mới táp vào mặt con tôi thương tâm vậy. Lúc đó, gia đình chỉ muốn đập cho chết con chó vì phẫn nộ”.

Đại diện bệnh viện Nhi đồng 1 khẳng định, cả 3 trường hợp bệnh nhi bị chó cắn đều rất thương tâm, có đặc điểm chung là chó nhắm vào mặt các bé tấn công, gây trọng thương. Mức độ hung hãn, nguy hiểm của chó trong các tình huống trên khiến bác sĩ cũng như phụ huynh hết sức lo ngại.

Bác sĩ Nguyễn Minh Hằng, Phó khoa Răng Hàm Mặt, bệnh viện Nhi đồng 1, người trực tiếp tiếp nhận bệnh nhi ngay từ khi mới được xe cấp cứu chuyển đến bệnh viện Nhi đồng 1 không thể quên được cảnh tượng lúc đó. “Là bác sĩ tiếp nhận bệnh nhi ngay từ khi xe cấp cứu chuyển bệnh nhi từ Tiền Giang đến bệnh viện Nhi đồng 1, tôi không cầm được nước mắt khi thấy bé bị chó cắn trọng thương. Tuy nhiên, điều đáng nói hơn, người nhà bệnh nhi cũng “trốn” khỏi xe cấp cứu, không có ai trình giấy tờ cho bác sĩ. Chúng tôi đọc loa, tìm người nhà bệnh nhi mãi mới thấy. Người nhà cho biết, “nhìn vết thương con khiếp quá, sợ quá” nên không dám đưa giấy tờ cho bác sĩ cấp cứu em bé?”, bác sĩ Hằng nhớ lại.

Theo bác sĩ Hằng, với bộ mặt biến dạng, vết thương lộ cơ mặt, xương, hàm, răng của bé khiến người nhà quá đau lòng. Lúc nhập viện, họ không thể bình tĩnh nên mới bỏ khỏi xe cấp cứu. Lúc đó, các bác sĩ hết sức bình tĩnh trấn an người nhà, nhẹ nhàng giải thích người nhà hiểu rằng, nếu phẫu thuật xong, sức khỏe của bé sẽ hồi phục, cần lắm sự hợp tác của gia đình để cứu sống các bé.

Bác sĩ Hằng tiết lộ, điều khó khăn nhất trong quá trình phẫu thuật những vết thương lớn vùng mặt là các bác sĩ phải thật chuyên nghiệp, tận tình, làm sao từng đường may đạt thẩm mỹ nhất cho các bé. Nếu bị nhiễm trùng vết thương, sẽ gây khó khăn trong quá trình điều trị. Các bác sĩ thậm chí phải thực hiện phẫu thuật lại từ đầu sau nhiều ngày bệnh nhi nằm viện. Nếu bị nhiễm trùng, phải phẫu thuật lại, chắc chắn mức độ thẩm mỹ không bao giờ chuẩn như lần phẫu thuật ban đầu. Như thế sẽ thiệt thòi cho bệnh nhi.

Phải bình tĩnh để biết nên tiêm phòng dại hay không

Chia sẻ với PV tạp chí Đời Sống và Pháp Luật, bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng khoa Răng Hàm Mặt, bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, việc trẻ bị chó cắn, bệnh viện từng cấp cứu rất nhiều bệnh nhi. Đây chỉ là 3 trường hợp mới nhất đơn vị này tiếp nhận liên quan đến chó cắn.

img

“Thực ra, các bé bị trọng thương do chó cắn từ địa phương nào chuyển đến bệnh viện Nhi đồng 1 đều trải qua 1 thời gian dài khó khăn. Khi bị chó cắn, việc đầu tiên gia đình cần làm là cách ly em bé, đưa bé đến chỗ có nước sạch, hoặc nước đun sôi, dùng xà bông rửa vết thương dưới vòi nước, loại khỏi mầm bệnh có từ răng, móng vuốt của chó. Chuyển em bé đến cơ sở y tế gần nhất để rửa lại vết thương bằng dung dịch y tế chuyên khoa, sát trùng và chuyển đến bệnh viện chuyên khoa”, bác sĩ Đẩu chia sẻ.

“Việc xử lý con chó cũng không kém phần quan trọng. Nhiều trường hợp chó gây tai nạn cho các bé, người nhà tức giận đập chết con chó. Nhưng, việc cần làm là người nhà phải biết nhốt chó lại, giữ sống để biết chó có triệu chứng của chó dại hay không. Thông tin này cực kỳ quan trọng. Nếu chó bị dại thì bệnh nhi bị cắn phải chích ngừa vắc xin phòng chó dại. Địa phương cần tuyên truyền cho người dân biết về những lưu ý này, để phòng ngừa tốt hơn cho các bé khi bị chó cắn”, bác sĩ Đẩu cho biết thêm.

Bác sĩ Đẩu nhận định, khi nhìn những trẻ thơ bị trọng thương vì chó cắn, bác sĩ điều trị rất xót xa. Khi các em lớn lên, sẽ đối diện với những vết sẹo trên mặt như thế nào? “Chúng tôi là những bác sĩ có trình độ chuyên môn, bàn tay phẫu thuật khéo léo nhưng vẫn cảm thấy khó khăn trong việc khôi phục vết thương cho các con, thử hỏi nhiều địa phương khác nhất là những tỉnh vùng sâu vùng xa sẽ còn khó khăn gấp bội. Do đó, để người dân hiểu rõ hơn quy trình xử lý chó cắn, áp dụng cho trẻ khi chẳng may sự cố xảy ra là nỗi trăn trở của nhiều bác sĩ bệnh viện Nhi đồng 1. Người dân cần hiểu rõ quy trình này để việc sơ cấp cứu cho bé được tốt nhất”, bác sĩ Đẩu chia sẻ thêm.

Không nên nuôi chó trong nhà khi có trẻ nhỏ

Bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu khuyến cáo: “Theo quan điểm cá nhân của tôi, hiện tình trạng các bé nhỏ bị chó cắn trọng thương rất nhiều. Việc đó sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, tương lai, thẩm mỹ các bé sau này. Do đó, tôi khuyến cáo người dân không nên nuôi chó khi có trẻ con trong nhà. Nếu thực sự yêu thích chó, người nuôi hết sức cẩn thận, phải cách ly hoàn toàn với khu vực vui chơi sinh hoạt của bé, phải bịt mõm chó khi ra ngoài cộng đồng, dắt chó đi chơi... Một điều quan trọng nữa là sau khi bị chó cắn, người dân phải cho trẻ chích ngừa kịp thời”.

NGUYỄN LÀNH

img