Nghiên cứu mang tầm cỡ thế giới
Chứng tự kỷ được y học mô tả lần đầu tiên vào năm 1943 nhưng dường như chưa có lời giải thích rõ ràng cho hiện tượng này. Phần nhiều các nghiên cứu chủ yếu tập trung vào sự mất cân bằng hóa chất, những khác biệt ở não, gen hay các vấn đề ở hệ miễn dịch. Dị ứng thức ăn, thừa quá mức lượng men trong hệ tiêu hóa, nhiễm chất độc từ môi trường cũng có thể gây bệnh. Tuy nhiên, những bằng chứng khoa học này vẫn chưa đủ sức thuyết phục giới y học. Căn bệnh tự kỷ bỗng dưng bùng phát tại nhiều quốc gia trên thế giới khiến các bậc cha mẹ lo lắng. Giới y khoa cũng tích cực tìm hiểu lý do khiến những đứa trẻ mắc bệnh tự kỷ ngày một nhiều.
Năm 1998, bác sỹ Wakefield bất ngờ tuyên bố trên tờ Lancet đã tìm ra nguyên nhân dẫn đến bệnh tự kỷ ở trẻ. Theo nghiên cứu của Wakefield, những vaccine ngăn ngừa bệnh sởi, quai bị, rubella tiêm cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ chính là nguồn gốc của căn bệnh tự kỷ. Tuyên bố này đã gây sốc cho giới khoa học và rất nhiều bậc làm cha, mẹ bởi việc tiêm chủng phòng ngừa các bệnh con người dễ mắc phải như bệnh sởi là điều bắt buộc. Sau đó, một số đông những người làm cha, mẹ đã "tẩy chay" thuốc chủng ngừa và yêu cầu các nhà khoa học làm rõ vấn đề này.
Chân dung vị bác sỹ lừa đảo cả giới y học thế giới.
Từ cuộc "tẩy chay" đó, các nhà khoa học chính thức bắt tay tìm hiểu nghiên cứu của Wakefield nhưng họ không tìm ra được mối liên quan của vaccine chủng ngừa với căn bệnh tự kỷ. Cuối cùng, tạp chí BMJ của Hiệp hội Y khoa Anh uy tín chỉ đích danh nghiên cứu của nhà khoa học Andrew Wakefield hoàn toàn là gian lận. Các cuộc nghiên cứu sau đó khẳng định rằng không hề có mối liên hệ nào giữa bệnh tự kỷ và vaccine phòng ngừa.
Nghiên cứu của bác sỹ Wakefield bị giới chuyên môn chê bai dữ dội sau khi các nhà giám định y khoa tại Anh cho biết, nghiên cứu này không đạt chuẩn đạo đức, không đưa ra được liên hệ và nhất là khi giới báo chí phanh phui ra việc Wakefield nhận tiền từ luật sư.
Các luật sư này đang làm việc cho các phụ huynh nghi ngờ con mình bị tự kỷ là do chủng ngừa gây ra. Nói một cách khác, việc "nhận phong bì" của bác sỹ Wakefield từ những người có ý định khởi kiện các công ty sản xuất vaccine đã làm cho nghiên cứu của ông không trung thực và mất đạo đức.
Được biết, để thực hiện nghiên cứu, bác sỹ Wakefield cùng hai đồng nghiệp khác đã lấy mẫu máu của một số trẻ nhỏ tới dự sinh nhật con mình và cho chúng 5 bảng Anh (hơn 7 USD) để giữ im lặng. Tuy nhiên, do Wakefield có tính khoe khoang, đem chuyện lấy máu trẻ nhỏ bất hợp pháp để nghiên cứu ra làm trò đùa ở các buổi tiệc nên mọi chuyện bị bại lộ. Hội đồng Y khoa Anh sau đó truất quyền hành nghề của Wakefield.
Điều tai hại là nghiên cứu của Wakefield đã làm dấy lên phong trào chống dùng vaccine kéo dài đến tận ngày nay. Các nhà nghiên cứu cho biết, rất đông các bậc phụ huynh đã sợ hãi mà ngưng tiêm phòng vaccine sởi, quai bị, rubella cho con họ, dẫn đến sự bùng phát trở lại của bệnh sởi tại nhiều nước, vốn trước đó hầu như đã diệt trừ triệt để. Kể từ khi nghiên cứu của Wakefiled công bố, hầu như năm nào ở châu Âu cũng có đợt bùng phát bệnh sởi.
Nước Mỹ cũng xuất hiện đợt phát bệnh tuy không đều đặn như ở các nước châu Âu. Không bằng lòng với sự phản đối của các nhà khoa học khác, bản thân bác sỹ Wakefield vẫn tiếp tục thông báo rộng rãi nghiên cứu tầm cỡ thế giới kéo dài 13 năm của mình cho đến khi tờ giấy phép hành nghề y của ông bị thu hồi, sau một phiên điều trần kéo dài hàng tháng và một cuộc điều tra cho thấy rằng Andrew đã cố tình giả mạo các kết quả nghiên cứu của 12 người.
Wakefield và nhiều cha mẹ trong một buổi biểu tình chống lại vaccine.
Do ảnh hưởng của vụ việc, dư luận tại Anh và Mỹ đã lên tiếng phản đối nghiên cứu giả mạo của bác sỹ Wakefield và kêu gọi người dân quay trở lại chủng ngừa cho trẻ nhỏ. Một bài báo trên tờ Ann Pharmacother năm 2011 gọi nghiên cứu của Andrew Wakefield là "trò lừa đảo y học gây tổn hại nặng nề nhất trong 100 năm qua".
Thậm chí, hãng tin AP dẫn lời bác sỹ trưởng phụ trách bệnh truyền nhiễm ở bệnh viện nhi Philadelphia (Mỹ), bác sỹ Paul Offit: "Di sản để đời của Andrew Wakefield chính là việc trẻ em phải nhập viện và tử vong vì bệnh sởi, căn bệnh vốn có thể dễ dàng tránh được". Theo bác sỹ Offit, tác hại của cuộc nghiên cứu kể trên còn nguy hiểm hơn nhiều bởi nó khiến nhiều người lầm tưởng tất cả các vaccine nói chung đều có thể gây ra bệnh tự kỷ.
Vị bác sỹ giả dối mang danh "Chúa trời"
Dù bị cả giới y khoa quay lưng lại và đã bị tước giấy phép hành nghề nhưng Wakefield vẫn nhận được sự ủng hộ của những người làm cha, mẹ có con bị tự kỷ. Năm 2004, Wakefield chuyển sang sống ở Mỹ và thành lập một trung tâm nghiên cứu về bệnh tự kỷ ở bang Texas.
Trong số những người ủng hộ ông, có cả những nhân vật nổi tiếng như diễn viên Jim Carrey và cô Jenny McCarthy, tác giả của quyển sách bán chạy nhất thế giới mang tựa đề Mạnh hơn lời nói, viết về quá trình tìm kiếm phương pháp chữa trị cho đứa con trai bị tự kỷ của cô. Tác giả McCarthy phát biểu trước giới truyền thông: "Tôi tin rằng bác sỹ Wakefield và các bậc phụ huynh có con tự kỷ trên khắp thế giới đã trở thành nạn nhân của một chiến dịch truyền thông ầm ĩ do các nhà sản xuất vaccine lèo lái".
Tất nhiên, đó chỉ là ý kiến một phía của tác giả McCarthy, đại diện cho toàn bộ những người làm cha, mẹ tin rằng đứa con bị tự kỷ có thể chữa khỏi nhờ bác sỹ Wakefield. Còn bác sỹ Offit thì cho rằng, việc tước thẻ hành nghề của ông Wakefield cũng không thể thuyết phục được các phụ huynh vaccine là an toàn. Bác sỹ Offit nói: "Ông ấy gần như là Chúa trời và dù khoa học đã chứng minh là ông ấy sai nhưng ông ấy vẫn là một anh hùng đối với những bậc cha, mẹ luôn nghĩ rằng không có ai lắng nghe tâm tư và những đau khổ của họ".
Một trong những lý do dẫn đến sự bất tin của các bậc cha, mẹ vào vaccine bởi tự kỷ vẫn là một ẩn số với y học trong khi những người làm cha mẹ có con mắc bệnh tự kỷ đang phải từng ngày vật lộn chống chọi lại căn bệnh chưa có thuốc chữa này. Những đứa con đáng yêu của họ bị bệnh tự kỷ biến thành những người xa lạ với xã hội như những người ngoài hành tinh. Riêng bác sỹ Wakefield thì cho rằng, quyết định tước thẻ hành nghề của ông là một tổn thất lớn cho nền y học của nước Anh.
Ông nói: "Tất cả những điều này không thể thay đổi sự thật rằng vaccine có thể gây bệnh tự kỷ". Đồng thời, ông cũng cho biết sẽ phản đối quyết định "vô lý" này và nhất định sẽ kháng án. Ông cho rằng, có người dàn xếp hạ bệ ông vì ông đã nói lên sự thật, nhằm mục đích "bịt miệng ông để che đậy scandal vụ chủng ngừa vô nhân tính".
Từ vụ việc của Wakefield, năm 2009, Giáo sư Daniele Fanelli đến từ trường đại học Edinburgh (Anh) đã mở một cuộc điều tra chính thức về tính trung thực trong nghiên cứu của các nhà khoa học. Kết quả sau đó được công bố trên tạp chí PLoS One. Kết quả cuộc điều tra cho thấy, trung bình khoảng 1,97% các nhà khoa học thừa nhận đã "hư cấu, làm giả hoặc thay đổi dữ liệu, kết quả nghiên cứu ít nhất một lần và 33,7% số người khác thừa nhận nghiên cứu của họ có vấn đề.
H.N