img

Tranh cãi trái chiều về căn cứ 1/8.145 hồ sơ để đánh giá thái độ sở Công thương Đà Nẵng

Nhâm Thân

Ngay khi bị đánh giá “100% người dân không hài lòng với thái độ bộ phận một cửa", sở Công thương lập tức "phản pháo" ban Pháp chế HĐND rằng, số liệu không khách quan. Về phần mình, ban Pháp chế khẳng định, đây là ý kiến không riêng cá nhân nào, việc đưa ra số liệu chỉ là tham khảo để các ngành phục vụ người dân tốt hơn.

"Nóng" chuyện 100% không hài lòng

Ngày 8/7, trong khuôn khổ kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng, câu chuyện "100% người dân không hài lòng về thái độ tổ một cửa sở Công Thương" đã làm nóng cả kỳ họp. Theo ghi nhận của PV Người Đưa Tin Pháp luật, trước đó, trong báo cáo của mình tại kỳ họp HĐND này, ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng đưa ra số liệu Báo cáo thẩm tra số 629/BC-HĐND.

Báo cáo có đoạn thể hiện, qua khảo sát mức độ hài lòng đối với dịch vụ hành chính công cho thấy, tỉ lệ công dân, tổ chức không hài lòng do thái độ phục vụ, hướng dẫn của công chức tại bộ phận tiếp nhận sở Công Thương là 100%...

img

Sở Công thương "phản pháo" kết quả báo cáo của ban Pháp chế HĐND TP. Đà Nẵng.

Thông tin đặc biệt này khiến dư luận TP Đà Nẵng bất ngờ, xen lẫn thất vọng. Bởi với một đơn vị Nhà nước bị đánh giá "100% người dân không hài lòng" thì khó có thể chấp nhận, cần phải xem lại. Ngay khi số liệu trên được công bố, ông Nguyễn Hà Bắc - Giám đốc sở Công Thương TP Đà Nẵng ký Báo cáo số 1197/SCT-VP gửi ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng "phản pháo" lại thông tin trên. Theo sở Công Thương, việc ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng sử dụng kết quả tại phần mềm khảo sát trực tuyến www.cchc.danang.gov.vn từ ngày 1/1 - 25/6 để làm kết quả là không đúng bản chất. Trong giai đoạn này, sở Công Thương chỉ có 1 công dân tiến hành đánh giá mức độ hài lòng vào ngày 3/3 và đánh giá kết quả là "chưa hài lòng". Cũng theo báo cáo, trong khi 6 tháng đầu năm 2020, sở Công Thương tiếp nhận tới 8.145 hồ sơ, tương ứng với 8.145 lượt làm việc. Việc chỉ căn cứ vào 1/8.145 đánh giá của người dân trên phần mềm khảo sát để xác định tỉ lệ 100% "không hài lòng" là không đảm bảo yêu cầu về tính khoa học, không khách quan... Ông Nguyễn Hà Bắc cho rằng, theo quy định phải xác định kết quả khảo sát tối thiểu 500/8.145 hồ sơ của sở Công thương mới đảm bảo tính khoa học, tính đại diện của kết quả khảo sát. Sở Công Thương đã đề nghị ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng có sự điều chỉnh, cải chính tài liệu và phản hồi thông tin.
img

Bộ phận 1 cửa sở Công thương. Ảnh: BCT

Cần làm rõ, tránh chỉ trích?!

Trước những phản ứng của sở Công thương liên quan đến báo cáo của Ban mình quản lý, ông Phan Thanh Long - Trưởng ban Pháp chế HNĐND TP Đà Nẵng - được yêu cầu giải thích ngay trong khuôn khổ kỳ họp.

Theo ông Long, Ban đã tiến hành họp, thảo luận, xây dựng dự thảo, gửi ý kiến đến các thành viên của Ban. Trên cơ sở ý kiến đa số đã đi đến thống nhất về nhận định đánh giá nội dung liên quan đến báo cáo trình HĐND thành phố trong kỳ họp lần này. Báo cáo thẩm tra của Ban là ý kiến tập thể không phải là ý kiến của một cá nhân nào. Sau đó, báo cáo này cũng được công khai trên Cổng thông tin điện tử HĐND TP Đà Nẵng.

Về số liệu khiến sở Công Thương phản ứng, vị Trưởng ban Pháp chế cho rằng, trong trang 3 của báo cáo thẩm tra chỉ nêu tỉ lệ không hài lòng diễn đạt theo con số phần trăm chứ không ghi con số cụ thể bao nhiêu lượt ý kiến. Còn cơ sở tham chiếu trong báo cáo có dẫn 3 nguồn. Gồm: Báo cáo của UBND TP Đà Nẵng; báo cáo các Sở, ngành qua hoạt động giám sát của Ban và tham chiếu từ các nguồn tham khảo. Ở đây, Ban tham khảo trên chuyên mục về mức độ hài lòng của tổ chức công dân, việc thực hiện hành chính công của các Sở, ngành được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử TP Đà Nẵng.

"Việc sử dụng có giá trị tham khảo để các ngành có được thông tin. Nêu ra các bất cập để từ đó đề ra các giải pháp. Mục tiêu là để phục vụ tổ chức công dân được tốt hơn", ông Long nói.

Ông Võ Ngọc Đồng - Giám đốc sở Nội vụ TP Đà Nẵng - bày tỏ quan điểm, nếu lấy một phương pháp khảo sát trực tuyến thì không thể đánh giá khách quan, khoa học về mức độ hài lòng của người dân. Do đó, ban Pháp chế nên trao đổi kinh nghiệm nghiệp vụ chuyên môn để có những đánh giá khách quan hơn. Cũng theo ông Đồng, ở TP Đà Nẵng, việc đánh giá có 3 phương pháp: Khảo sát qua điều tra, phỏng vấn sâu qua tổng đài 1022 và khảo sát trực tuyến. Kết quả, khảo sát phải tổng hợp lấy cả ba phương pháp.

img

Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng Nguyễn Nho Trung cho rằng, cần khắc phục bất cập, tránh chỉ trích lẫn nhau liên quan đến câu chuyện.

Trước những ý kiến của nhiều bên trong kỳ họp HĐND xoay quanh câu chuyện, ông Nguyễn Nho Trung - Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng - nhìn nhận, đây là vấn đề cần làm rõ chứ không phải là chỉ trích nhau. Theo ông Trung, nếu nội dung đánh giá mức độ hài lòng trên Cổng thông tin điện tử TP Đà Nẵng bất cập, thì đây là lúc cần kiểm tra lại. Qua vấn đề này, vị Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cho rằng, các Sở ngành thấy đây là lòng tự trọng và văn hóa xấu hổ thì chắc chắc sẽ khắc phục. Trong tương lai, những câu nói như "một bộ phận hiện nay chưa tâm huyết, chưa hoàn thành, còn đùn đẩy trách nhiệm"... sẽ giảm dần đi.

"Chắc chắn, những nội dung thảo luận tại kỳ họp các Sở, ngành sẽ triển khai nghiêm túc, nhất là những vấn đề bức xúc, đang phải tập trung giải quyết để đáp ứng lại niềm tin nguyện vọng của cử tri”, ông Trung nói.

N.T