Trước đó, ngày 14/2, bộ GD&ĐT đã đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét cho học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học đến hết tháng 2. Tuy nhiên, hiện tại, vẫn còn những địa phương chưa có động thái cho học sinh nghỉ học sau ngày 22/2.
Thậm chí, có địa phương lại muốn cho học sinh nghỉ hết tháng 3. Cụ thể, UBND TP.Hồ Chí Minh báo cáo và kiến nghị Chính phủ, bộ GD&ĐT cho phép học sinh nghỉ hết tháng 3, tiếp tục học kỳ II của năm học từ tháng 4 đến tháng 7 để hoàn thành chương trình học tập. Sau đó, học sinh có thể nghỉ hè từ tháng 8. Năm học mới bắt đầu từ tháng 9/2020.
Dịch bệnh là điều không ai mong muốn, các địa phương lo lắng cho sức khỏe và tìm biện pháp để đảm bảo an toàn cho học sinh là điều cần thiết. Tuy nhiên, học sinh phổ thông trên cả nước vẫn phải theo một chương trình chung, và cần đảm bảo các mốc thời gian kế hoạch năm học chung.
Một năm học có những mốc thời gian bắt buộc phải thực hiện như thời điểm kết thúc, hoàn thành xét tốt nghiệp tiểu học, THCS, tuyển sinh vào lớp 10. Khi lùi thời gian kết thúc năm học, các mốc trên cũng phải điều chỉnh dựa trên nguyên tắc không ảnh hưởng nhiều kế hoạch năm tiếp theo. Học sinh bậc phổ thông từ lớp 1 đến 12, không phải tất cả đều giống nhau. Học sinh cuối cấp buộc phải có kỳ thi chuyển cấp, thi THPT Quốc gia, không thể lùi đến năm sau.
Và người điều chỉnh, quyết định các mốc thời gian này không ai khác chính là bộ GD&ĐT. Bộ phải xác định rõ thời điểm cần tổ chức các kỳ thi, từ đó, chỉ đạo, định hướng các địa phương thực hiện một cách đồng bộ, vì vận mệnh ngành giáo dục chung trong cả nước. Không ai có thể làm thay vai trò này của bộ GD&ĐT!
Chính vì vậy, cần có sự thống nhất trong việc quyết định lịch nghỉ của học sinh. Điều này nhằm đảm bảo tính đồng bộ của chương trình giáo dục, tránh hiện tượng có địa phương chỉ đạo cho học sinh đi học, có địa phương chỉ đạo cho học sinh nghỉ; sẽ ảnh hưởng lớn đến các kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh các cấp.
Nếu không có sự thống nhất, đồng bộ trong cả nước, sẽ có những địa phương cho học sinh nghỉ học dài hơn, thời gian chuẩn bị cho các kỳ thi sau khi trở lại trường ít hơn các địa phương khác. Đó là thiệt thòi cho học sinh!
Những học sinh đó sẽ vô tình yếu thế hơn, khi bị đặt vào thế “không công bằng”. Bởi lẽ, thời gian để học sinh giữa các địa phương ôn tập và chuẩn bị cho kỳ thi chung của cả nước là không giống nhau.
Vậy, bộ GD&ĐT có thể ngăn chặn trước “nguy cơ” thương tổn cho chính nội bộ ngành, bằng cách quyết định thống nhất thời gian cho học sinh nghỉ học, cũng như quyết định các mốc thời gian trong năm học một cách rõ ràng ngay từ bây giờ, để học sinh trên cả nước sẵn sàng tâm thế chuẩn bị.
Ngạn ngữ Ả-rập có câu: “Tốt nhất hãy thỏa thuận từ khi còn cày ruộng, đừng để cãi nhau khi mùa gặt đến”. Việc gì có thể làm được ngay thì nên quyết định, còn chần chừ sẽ chỉ khiến phần sau của câu chuyện thêm ảm đạm.
Việc học sinh nghỉ học bao lâu hoàn toàn có thể phụ thuộc ở sự tính toán, cân đối của bộ GD&ĐT, bởi thời gian học sinh nghỉ học cũng ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả học tập, thi cử, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng chung của ngành giáo dục.
Tại sao Bộ không tự mình thực hiện vai trò này, mà giao cho các địa phương tự quyết, mỗi nơi một kiểu? “Chìa khóa” trong tay mình không “mở”, đến khi “cánh cửa” mà người khác mở ra không thuận lợi, biết kêu ai...
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả