img

Trao nhầm con: Nỗi đau và cuộc chiến cảm xúc trong lòng mẹ

Cho đến tận bây giờ, đã bốn tháng trôi qua kể từ khi biết tin bệnh viện trao nhầm con, chị Vũ Thu H. (Phú Sơn – Ba Vì - Hà Nội) vẫn chưa dám nhìn vào tờ kết quả xét nghiệm. Lần đầu tiên nghe tin về sự nhầm lẫn, chị đứng hình và không tin nổi sự thật. Nhưng rồi, chị đã cố gắng vực dậy. Bởi một lẽ đơn giản: Tình mẫu tử. “Tôi không cần gì cả, chỉ muốn các con được vui vẻ”, chị nói.

img

Từ Hà Nội trở về quê vào ngày cuối tuần, chị H. không giấu nổi sự mệt mỏi, vẻ ngoài tiều tụy cùng những muộn phiền. Đã mấy tháng qua, tuần nào chị cũng phải liên tục đi đi về về để giải quyết vụ việc, cũng là để tạo điều kiện cho hai gia đình có thời gian bên cạnh các con. Chỉ riêng những cuộc điện thoại từ bệnh viện, từ tòa án đã đủ tạo áp lực mệt mỏi đối với một người phụ nữ như chị. Nhưng chị cũng hiểu, đó là điều mình phải đối diện.

img

Dù chẳng phải giọt máu đào, dù không có sự gắn kết mang tên “huyết thống” nhưng sáu năm nuôi nấng chăm sóc con, người mẹ ấy đã từng có phút giây vỡ òa hạnh phúc khi lần đầu tiên nghe con trai gọi: “Mẹ”. Là người nâng những bước chân đầu tiên của con, tình cảm ấy đã trở thành máu thịt, là nhịp tim, hơi thở với biển tình yêu thương. Việc bệnh viện trao nhầm con giống như một trò đùa trớ trêu gieo vào cuộc đời chị.

img

Ngày 1/11/2012, vợ chồng chị H. hạnh phúc đón chào con trai đầu lòng. Nhưng từ lúc mới sinh, con chị đã gặp nhiều vấn đề về sức khỏe. Nghĩ lại những tháng ngày chăm sóc con, chị không kìm được dòng nước mắt. Chị nhớ rõ, ngày 23/12/2012, chị phải đưa con đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương vì con bị viêm phổi, viêm phế quản co thắt. Vừa về quê ngoại ở Ba Vì đón tết, chị lại phải đưa con nhập viện tại bệnh viện Quảng Tây, rồi chuyển lên bệnh viện Nhi. Chị nghẹn ngào kể: “Sức khỏe bé M. trước đây rất yếu, nhiều tháng trời ròng rã tôi phải ở viện chăm con, phải đến lúc M. lên năm, con mới đỡ hơn và tôi cũng đỡ vất vả phần nào”.

Nhưng bi kịch cuộc đời chị bắt đầu từ năm 2015, khi con trai thứ hai của chị được khoảng 8 tháng tuổi. Càng lớn, cậu em càng giống bố mẹ trong khi M. khác biệt hoàn toàn. Chính điều này khiến chị bị chồng nghi ngờ về phẩm hạnh. Cũng từ đó, chồng chị thường xuyên nhậu say, chửi mắng và hành hạ chị. Tại thời điểm ấy, chị mở trường tư thục ở Hà Nội, chồng chị ghen tuông mỗi khi chị tiếp xúc với phụ huynh. Thậm chí, vì nghi ngờ, người chồng tìm đến tận trường đập phá, quấy rối. Chị đành bỏ dở công việc lên nhà anh rể chị gái ở Cao Bằng để tránh bị làm phiền và chạy trốn sự đối xử tàn nhẫn từ người chồng. Cuối cùng, khi những mâu thuẫn không thể hàn gắn, hạnh phúc gia đình không thể giữ trọn, năm 2015, hai vợ chồng chị đường ai nấy đi.

img

Nhớ lại những tháng ngày một mình làm việc nuôi con, chị xúc động: “Tôi đi dạy thuê cho một cơ sở mầm non ở Hà Nội, đành phải gửi bé thứ hai nhờ anh trai chăm sóc. Còn bé M. theo mẹ. Có những ngày tôi phải gửi con để dạy thêm vào buổi tối, có lúc phải mang con theo cùng. Vất vả mà có con trai bên cạnh, tôi cũng vui vẻ và mạnh mẽ hơn”.

Nhưng giống như trò đùa của số phận, đến lúc con lớn khôn, cuộc sống dần ổn định sau những sóng gió thì chị lại nhận được tin rằng đó không phải con ruột mình. Và rằng con trai chị đang được một gia đình khác nuôi do sự cố trao nhầm của bệnh viện. Tưởng như chẳng còn sức để mà khóc nhưng nước mắt chị vẫn không ngừng rơi.

img

Chuyện trao nhầm con đến với chị quá đột ngột. Là một giáo viên mầm non, hơn ai hết chị hiểu tâm lý con trẻ. Đó chính là lý do chị yêu cầu thêm thời gian để con được làm quen với những thay đổi. Không ít lần chị phải nghe những lời lẽ không hay về mình, nhiều người cho rằng chị ích kỷ không muốn trao trả con. Thậm chí, chị còn bị vu oan rằng đang đòi khoản bồi thường lớn. Nói đến đây, chị lại nghẹn ngào: “Tôi không cần tiền, chỉ cần các con tôi không phải chịu cú sốc tâm lý và được bù đắp yêu thương”.

Còn nhớ cách đây 2 năm, vụ việc trao nhầm con tại tỉnh Bình Phước khiến nhiều người không khỏi xót xa. Dù mới ba tuổi, cô bé đã nói một câu trách móc đầy ám ảnh: “Con thương ba mẹ, sao ba mẹ bỏ con!”. Trẻ con thơ ngây trong sáng, cảm xúc của con cũng giản đơn và sáng trong vô ngần.

img

Sáu tuổi, độ tuổi đủ để các con có những nhận thức về yêu thương, về tình cảm gia đình. Chẳng thể nào đột ngột xoay chuyển cảm xúc, tư tưởng của con. Hằng ngày, chị H. dạy con đánh vần tên bố Sơn mẹ Hiền, nhẹ nhàng ân cần rằng: “Bố Sơn, mẹ Hiền mới chính là bố mẹ ruột của con, còn mẹ chỉ là người nuôi dưỡng con”. M. là một cậu bé cá tính, hiếu động, ban đầu, bé nhất quyết không nghe những gì chị nói. Lâu dần bé không tỏ thái độ chống đối, nhưng nếu mẹ nói quá nhiều, cậu bé dễ nổi cáu. Cách đây một tuần, chị sửng sốt khi bắt gặp con ngồi một mình lẩm nhẩm một câu nói: “Con là con của mẹ H.”.

img

Chị hiểu những nỗi sợ trong con. Những ngày đầu tiên khi đối diện với sự thật này, M. một bước không chịu rời mẹ. Chị đã làm đủ mọi việc vì con, dù bận công việc, chị vẫn tranh thủ về quê để hai bé được gặp gỡ chơi cùng nhau nhiều hơn, chị cũng mong con có thời gian bên bố mẹ ruột.

Ngày 15/7, trên đường về quê, chị cho bé M. ghé qua nhà anh Sơn. Sau bữa cơm trưa, cả hai gia đình lại đưa hai bé về nhà chị. Tại khoảng sân nhỏ nhà bà ngoại, hai bé đã chơi đùa cùng nhau, gọi nhau là anh em. Nhìn các con chơi đùa, chị vơi đi một phần những gánh nặng trong lòng.

Thế nhưng hai bên gia đình khó để thuyết phục M. ở lại bên nhà bố mẹ đẻ. Mỗi khi thấy chị H. ôm bé Hải vào lòng thủ thỉ nói chuyện, M. lại chạy nhanh đến ngồi cạnh. Những lúc chơi đùa xảy ra tranh cãi, M. sẵn sàng đuổi bạn về nhà. Lo sợ con tổn thương, chị lại ôm các con vào lòng trấn tĩnh: “Cả hai con đều là con của mẹ, hai con là hai anh em!”. Mỗi lần như vậy, có thể dễ thấy sự rối bời, lo lắng trong ánh mắt người mẹ.

Nước mắt đã rơi, sự việc xảy ra ít nhiều đã gây tổn thương đến con trẻ, tổn thương trái tim những người làm cha, làm mẹ. Dù sớm hay muộn, hai bé sẽ được trao lại. Đó là câu chuyện pháp luật, mọi thủ tục hành chính sẽ phải tiến hành nhưng với chị H., trong trái tim người mẹ chỉ có tình yêu thương, chị chỉ làm mọi việc tốt nhất cho con, hạn chế tối đa nhất những tổn thương cho những đứa trẻ tội nghiệp này.

img

Nếu một ngày số phận đến bên một người mẹ và nói rằng: “Ngàn lần xin lỗi nhưng đứa trẻ bạn đang nuôi dưỡng là con của người khác, chúng ta cần có một sự trao đổi” thì người mẹ ấy sẽ đón nhận câu chuyện như thế nào? Sự nhầm lẫn của sáu năm về trước đã làm đảo lộn bao số phận và làm vỡ nát bao trái tim. Riêng chị H., ai sẽ trả lại chị một mái ấm gia đình khi xưa, cả quãng thời gian vất vả cay đắng nuôi con một mình? Việc trao lại con không giống như trao đổi một món đồ, chị vẫn chưa hết lo sợ, sợ rằng ngày mai nước mắt vẫn chẳng ngừng rơi.

img

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Thưởng – Chánh án Toàn án Nhân dân huyện Ba Vì khẳng định: Việc trao lại con sẽ tiến hành theo đúng pháp luật. Tuy nhiên, với những vụ án dân sự, điều quan trọng là sự thỏa thuận giữa hai bên gia đình.