Khi đưa ra lý giải giản đơn và ấu trĩ về lý do tặng học trò thùng quà rỗng ấy, không biết có khi nào lãnh đạo phòng giáo dục đặt mình vào bối cảnh hàng tháng thay vì nhận được tiền lương họ chỉ nhận được các con số vô hồn trên giấy để tượng trưng.
Cứ mỗi khi tưởng tượng đến cảnh các cô bé cậu bé hớn hở mở bọc quà to, phần thưởng sau một năm nỗ lực học tập từ phòng giáo dục quận Cầu Giấy, Hà Nội nhưng lại “chết sững” khi bên trong chỉ có độc một tờ giấy trống chữ là tôi lại thấy máu nóng đổ dồn lên mặt.
Kết cục đây là “tái hiện” trò chơi khăm vốn khiến trẻ con chí chóe “choảng nhau”, trò lừa bịp hay sự lố bịch mà những người làm giáo dục nhẫn tâm gieo vào lòng con trẻ?
Thực, chuyện thật mà như đùa. Thực, một sự nhẫn tâm đến không tưởng với những người làm nghề... trồng người.
Ai cũng biết, trẻ con háo hức đợi quà đến nhường nào. Đặc biệt, món quà này không giản đơn là chuyện cho tặng mà là sự ghi nhận thành tích sau một năm nỗ lực học tập nên trẻ tự hào, hãnh diện muốn được khoe với gia đình, bạn bè lắm chứ.
Ấy thế mà thực tế món quà lại khiến các em tẽn tò, xấu hổ khi trước mắt chỉ là một tờ giấy vô hồn. Đã có em bật khóc, có em co rụt người trước sự vô cảm mà dù vô tình hay cố ý những người làm giáo dục đã gây nên. Một sự vô cảm đáng sợ. Một sự thiếu tôn trọng học trò không thể chấp nhận.
“Trầu đẹp là bởi tay bưng”, “Của cho không bằng cách cho”... Có bao nhiêu lần, bao nhiêu dịp học sinh đã được dạy, được nghe những câu này. Ấy thế mà sao nay đứng trước thực tế, những người từng rao giảng điều này lại không thực hiện, lại đi ngược với một cách hành xử căn bản này? Hóa những bài học chỉ sáo rỗng vậy thôi sao?
Thầy cô vẫn dạy các học trò phải thật thà. Bài học làm người đầu tiên mà học sinh nào hẳn cũng được nhận từ trường. Ấy thế mà sao nay một vài lãnh đạo ngành giáo dục lị tặng quà mà không có quà. Thùng to đẹp vậy nhưng rỗng ruột... Vô hình trung, họ đang dạy cho trẻ một bài học về sự không trung thực.
Sự không trung thực ở đâu cũng đáng buồn, với những người làm giáo dục, không chỉ đáng buồn mà còn đáng sợ!
Lý giải cho “sáng kiến” có một không hai này, lãnh đạo phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy cho rằng việc trao thưởng cho học sinh là một tờ giấy tượng trưng vì sợ học sinh làm mất tiền thưởng.
Chao ôi, càng ngẫm lại càng nản. Chẳng nhẽ những người làm nghề trồng người, ngày ngày tiếp xúc với con trẻ lại không hiểu rằng có bao nhiêu loại quà mà tiền mặt có thể quy đổi ra để khiến học trò thích thú. Hộp bút, cặp sách, vở, truyện hay vật dụng có ý nghĩa nào đó... đều tốt hơn tiền chứ?
Sự nghèo nàn về ý tưởng quà hay đơn giản là không muốn mất công mất sức nhưng lại vẫn “đẹp mặt” khi có lãnh đạo đến thăm rồi quay phim, chụp ảnh?
Khi đưa ra lý giải giản đơn và ấu trĩ về lý do tặng trẻ thùng rỗng ấy, không biết có khi nào vị lãnh đạo phòng giáo dục đặt mình vào bối cảnh hàng tháng thay vì nhận được tiền lương họ chỉ nhận được các con số trên giấy.
Họ có vui khi ngày lương về mà chỉ nhận được một thứ tượng trưng thay cho tiền? Hãy để họ thử một lần, chắc hẳn họ sẽ hiểu cảm giác tệ hại mà những đứa trẻ phải mang.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.