img

Triệt phá đường dây "khủng" sản xuất, phân phối phụ tùng xe máy liên tỉnh

HOÀNG VIỆT

Ngày 8/9, cục Cảnh sát điều tra Tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (C03) bộ Công an vừa phối hợp Công an TP.HCM triệt phá thành công đường dây làm giả phụ tùng xe máy trên địa bàn TP.HCM. Đây là đường dây làm giả phụ tùng xe máy lớn nhất trong vòng 3 năm gần đây xét về quy mô sản xuất, đóng gói, kho lưu trữ hàng và nơi phân phối ra thị trường.

Nhiều địa điểm sản xuất, phân phối phụ tùng xe mày giả

Bước đầu, lực lượng chức năng bắt giữ khẩn cấp các đối tượng Vũ Duy Khánh, SN 1983, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM; Nguyễn Thành Công, SN 1978, quê tỉnh Tiền Giang. Riêng Lê Thị Mỹ Xương (vợ Khánh) được xác định cùng chồng thực hiện hành vi phạm tội nói trên nhưng do mới sinh con, nên cơ quan điều tra tiếp tục củng cố hồ sơ, tài liệu để xử lý theo quy định.

img

Lực lượng chức năng khám xét điểm sản xuất, chứa hàng giả của Khánh.

Sau nhiều tháng mật phục, theo dõi, sáng 5/9, lực lượng trinh sát C03 cùng Công an TP.HCM bắt quả tang Lâm Tường Duy (24 tuổi) đang chở số lượng lớn phụ tùng xe máy gồm: 200 bát phuốc (chén cổ) hiệu Honda, 18 cây dên (thanh truyền, nối liền giữa pít-tông và cốt máy) nhãn hiệu Gangyang Grank Shaft, 200 cốt (code) xe Dream không có nhãn hiệu, không có hóa đơn, chứng từ. Tất cả số hàng hóa này, Duy khai được Lê Thị Mỹ Xương phân công chở từ nhà của Khánh ở quận Tân Phú mang đi tiêu thụ.

Khám xét ngôi nhà của Khánh tại hẻm 352 Thoại Ngọc Hầu, quận Tân Phú, lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ một số lượng lớn nhông, sên, dĩa (xích, líp) lấy nhãn hiệu D.I.D, máy ép túi ni lông, nhông, sên, dĩa không nhãn hiệu và sổ sách ghi chép việc mua bán hàng hóa.

Đường dây quy mô khủng

Làm việc với Công an, Khánh khai nhận, từ cuối năm 2018, đối tượng đặt in tem nhãn, bao bì, vỏ hộp chứa phụ tùng xe máy giả nhãn hiệu D.I.D, Yamaha của 1 người đàn ông tên Bảo (không rõ lai lịch) để tổ chức sản xuất. Phụ tùng xe máy như: Nhông, sên, dĩa, xích, chén cổ, cây dên…, Khánh đặt từ người đàn ông tên Nghĩa (không rõ lai lịch, ở Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) và 1 người tên Tuấn (không rõ lai lịch, ngụ quận Bình Tân).

Hàng hóa được tập trung tại nhà Khánh. Sau đó, Khánh cùng Xương tháo rời các phụ tùng không tem nhãn ép vào vỉ nhựa đã dán tem nhãn các thương hiệu muốn làm giả thành sản phẩm hoàn chỉnh.

Do số lượng hàng giả lớn, Khánh và vợ thuê thêm 2 sạp hàng ở chợ Tân Thành (quận 5) cùng 4 địa điểm khác để cất giữ hàng hóa gom được. Ngoài ra, để trông coi, mang hàng đi tiêu thụ, Khánh thuê và trả công 5 triệu đồng/tháng cho Lâm Tường Duy phụ dán tem nhãn, đóng hộp, chở hàng đi giao cho khách và sạp ngoài chợ Tân Thành để Khánh, Xương bán. Khánh giao cho Nguyễn Thành Công trông coi điểm chứa hàng tại quận 11 và giao hàng cho khách theo yêu cầu với tiền công 2 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, để kiếm thêm thu nhập, Công còn mua phụ tùng giả các loại của Khánh với giá sỉ để bán kiếm lời.

img

Bên trong kho chứa phụ tùng, linh kiện xe máy giả.

Từ lời khai của Khánh, cơ quan công an ập vào 7 địa điểm liên quan tại các quận 5, Tân Phú, Bình Tân..., phát hiện, thu giữ số lượng lớn phụ tùng xe gắn máy các loại nghi là giả cùng các phương tiện, máy móc dùng để sản xuất hàng giả. Cơ quan công an cho biết, ước tính tổng trị giá hàng giả bị phát hiện, bắt giữ lần này tương đương với số lượng hàng thật có giá nhiều tỷ đồng. Số hàng giả này, nếu không bị bắt giữ sẽ được tuồn ra thị trường TP.HCM và các tỉnh phía Nam tiêu thụ.

Cảnh báo phụ tùng, linh kiện xe máy giả tiềm ẩn nguy cơ tai nạn

Hầu hết phụ tùng làm giả như xích, líp, nhông, sên, phanh, đĩa, khung xe, lốp, hệ thống truyền động, bộ lọc dầu, nòng, cốt, chế hòa khí... là những bộ phận liên quan trực tiếp việc vận hành, lưu thông của 1 chiếc xe và an toàn của người điều khiển phương tiện.

Thực tế, đã có không ít các vụ tai nạn do xe sử dụng phụ tùng gây ra. Điển hình là những vụ cháy, nổ xe máy (liên quan đến pit tông, hệ thống điện), gãy khung, trục xe, nổ lốp, đứt xích… gây nguy hại đến tính mạng con người và kinh tế. Ngoài ra, những công ty, hãng xe uy tín cũng ảnh hưởng về mặt uy tín thương hiệu khi sản phẩm của họ bị làm nhái, làm giả.

img

Phụ tùng, linh kiện giả bị công an phát hiện, thu giữ.

Phụ từng giả được các đối tượng làm ra không đảm bảo về mặt nguyên liệu, vật liệu chưa nói đến là các chi tiết thiết kế đảm bảo nguyên tắc vật lý và các chỉ số khoa học. Nói đơn giản, phụ tùng giả được sản xuất bằng công nghệ thủ công với chất liệu không đạt chuẩn, pha trộn hợp chất kém chất lượng nên nhanh hỏng. Sử dụng phụ tùng giả sẽ gây hư hại cho phương tiện và không an toàn cho người sử dụng.

Do phụ tùng, linh kiện xe giả được sản xuất ngày càng tinh vi, giống với hàng thật nên rất khó phân biệt. Hơn nữa, giá thành bán ra cũng rẻ hơn hàng thật nên nhiều cửa hàng, đại lý nhập vào vì lợi nhuận. Khi sản phẩm đến tay người dùng, đa số chủ xe máy không có kiến thức chuyên môn để phân biệt hàng giả, hàng thật và phụ tùng, linh kiện thay thế đều do thợ sửa quyết định.

Chủ một tiệm sửa xe máy uy tín tại quận 5, TP.HCM khuyến cáo, để đảm bảo an toàn cho bản thân, người sử dụng phương tiện nên đến các đại lý chính hãng như Honda, Yamaha để bảo hành, sửa chữa khi có nhu cầu. Cũng có thể chọn những cửa hàng uy tín, có bảo hành để tránh mua phải hàng giả. Trong trường hợp bị động, bất khả kháng phải vào 1 cửa hàng, tiệm sửa chữa không quen, không rõ, chủ xe nên tập trung quan sát, kiểm tra kỹ linh kiện của mình, cái nào đáng thay thì mới thay và yêu cầu có phiếu bảo hành. Ngoài ra, chủ xe cần đánh dấu phụ tùng của mình, tránh trường hợp bị đánh tráo.

H.V

img