Ba đối tượng gồm: Kưnh (SN 1992), Lũp (SN 1972), Jưr (SN 1964), cùng ngụ làng Kret Krot, xã Hra, huyện Mang Yang, Gia Lai, là những người theo tà đạo Hà Mòn. Suốt 9 năm, các đối tượng sống chui rúc, vật vờ trong những cánh rừng thăm thẳm. Để có thể vào tận "hang ổ" vận động các đối tượng từ bỏ tà đạo, trở về đoàn tụ với gia đình là một hành trình vô cùng gian nan, vất vả của các chiến sĩ Công an huyện Mang Yang và nhiều lực lượng khác.
Để tìm hiểu rõ hơn những gian nan, vất vả tổ công tác đã trải qua trong suốt quãng thời gian dài, PV Người Đưa Tin Pháp Luật có cuộc trò chuyện với Đại úy Hoàng Thái Sơn, Đội trưởng đội An ninh Công an huyện Mang Yang. Vẫn còn nhớ như in những lần băng rừng, lội suối trinh sát địa bàn, Đại úy Sơn chia sẻ: "Để nắm bắt, xác định chính xác vị trí 3 đối tượng đang ẩn nấp, anh em phải trinh sát cả 6 tháng ròng rã. Bởi 3 đối tượng là người dân địa phương, sống trong rừng 9 năm trời nên rất thông thuộc các ngõ ngách trong rừng. Hơn nữa, 3 đối tượng này cũng rất tinh vi, thường xuyên thay đổi vị trí chỗ ở để tránh sự phát hiện của người lạ. Do đó, anh em trinh sát phải lặn lội từ núi cao, vực sâu, hầu như nơi đâu cũng có dấu chân anh em để lại. Sau một thời gian dài, cuối cùng anh em trinh sát cũng xác định được chính xác nơi 3 đối tượng đang ẩn nấp và lên phương án bắt giữ".
Theo Đại úy Sơn, sau khi xác định được 3 đối tượng đang ẩn nấp trong hang đá, tổ công tác lên phương án hành động. 20h ngày 18/3/2020, tổ công tác gồm cán bộ của bộ Công an, phòng An ninh đối nội Công an tỉnh, Công an huyện bắt đầu triển khai thực hiện kế hoạch vây bắt. Để tránh các đối tượng phát hiện, tổ công tác không dùng thiết bị chiếu sáng mà âm thầm băng rừng, lội suối tiếp cận. Đến 3h sáng 19/3, tổ công tác tiếp cận được hang đá nơi 3 đối tượng đang ẩn nấp nhưng tất cả đều "án binh bất động".
Hang đá nơi 3 đối tượng ẩn nấp.
"Bao quanh hang đá các đối tượng đang ẩn náu địa hình đồi núi hiểm trở, nhiều ngóc ngách chỉ cần có động tĩnh, các đối tượng rất dễ tẩu thoát thì coi như công sức của anh em "xôi hỏng bỏng không". Anh em đang chuẩn bị hành động thì xuất hiện tình huống bất ngờ, có 1 đối tượng tay cầm đèn pin lần mò trở về hang. Trước khi vào hang, đối tượng này cảnh giác cầm đèn pin rọi các hướng để quan sát nhưng anh em đã "đọc" trước được tình huống nên kịp thời ẩn mình. Sau một thời gian chờ đợi, xác định thời cơ đã chín muồi, anh em bất ngờ ập vào bắt giữ 3 đối tượng", Đại úy Sơn nói.
Nói về những khó khăn, vất vả trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Đại úy Sơn chia sẻ: "Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, anh em trong tổ công tác phải chịu nhiều gian nan, vất vả. Khó khăn, nguy hiểm nhất là đêm hôm phải đối mặt với những cơn mưa rừng. Mưa như trút nước, gió thốc liên hồi khiến cây cối nghiêng ngả đêm tối không biết thế nào mà lường được. Đường đồi núi hiểm trở, trong rừng anh em chỉ ăn uống tạm bợ lấy sức trèo đèo, lội suối. Tuy nhiên, bù lại sự nỗ lực của tổ công tác, 3 đối tượng lầm lỡ đã được cảm hóa, trở về trong sự hân hoan của gia đình, buôn làng. Vì thế, anh em cũng thấy ấm lòng".
Sau cuộc trò chuyện, chúng tôi theo chân các đồng chí Công an huyện Mang Yang đến làng Ket Krot gặp gỡ, trò chuyện với 3 đối tượng một thời lầm lỡ. Thấy cán bộ công an đến, người làng, đặc biệt là người thân của 3 đối tượng tỏ rõ sự biết ơn. Nhờ có các anh, nhờ có Đảng mà chồng, cha, người thân của họ đã chấm dứt được chuỗi ngày sống chui lủi, từ bỏ "bóng tối" về với cộng đồng.
Cán bộ Công an huyện Mang Yang đến nhà thăm hỏi động viên 3 công dân một thời lầm lỡ trở về với buôn làng.
Ấn tượng ban đầu khi chúng tôi gặp Kưnh là 1 chàng trai cao to, nhanh nhẹn, hoạt bát. Thế nhưng, khi mới tiếp xúc với chúng tôi, Kưnh có chút ái ngại, rụt rè. Được sự động viên, trấn an từ những người lính mặc sắc phục ngồi bên cạnh, Kưnh mạnh dạn hơn. Kưnh kể, các đối tượng FULRO (đạo Hà Mòn) đã liên hệ với Kưnh để xúi giục từ bỏ đạo truyền thống, đi theo tà đạo. Những kẻ xấu dùng lời đường mật và vẽ ra một viễn cảnh tươi đẹp để dụ dỗ lôi kéo chàng thanh niên tuổi mới lớn.
Kưnh nhớ lại: "Vì trót mê muội lời ngon ngọt của kẻ xấu, năm 2012, Kưnh và Lũp, Jưr âm thầm rời bỏ gia đình, bỏ buôn làng ra đi. Vì sợ bị người làng phát hiện, bị đuổi bắt nên cả ba cứ nhằm hướng đỉnh núi cao nhất mà đi. Khi lương thực mang đi từ nhà đã cạn kiệt, với vai trò là "thủ lĩnh", Kưnh phân công 2 thuộc cấp hái rau rừng, đặt bẫy thú, xuống suối bắt cua, bắt ếch ăn. Tối đến đốt lửa, cả ba quây quần lại ngồi đọc kinh. Theo Kưnh, để liên lạc với các đối tượng trong tổ, Kưnh đánh liều tìm về khu vực rẫy của gia đình gặp vợ tiếp tế pin con thỏ chế thành nguồn điện sạc điện thoại và nhận tiếp tế lương thực từ vợ.
Được sự vận động của lực lượng công an, sự khoan hồng của đảng, Nhà nước, Kưnh từ bỏ tà đạo về với gia đình, với buôn làng.
Chia sẻ với chúng tôi, Lũp cho biết: "Thời gian lẩn trốn trong rừng, ai cũng bị sốt rét nằm một chỗ cả tuần trời. Không có thuốc, người khỏe hơn chỉ nấu canh rau rừng và thịt chuột cho người ốm ăn tạm, nhưng may mắn đều qua khỏi. Dù mình rất nhớ vợ con, cuộc sống quá khổ muốn về nhà nhưng sợ cả làng bắt phạt nên không dám về. Bây giờ, được Đảng, Nhà nước khoan hồng, được trở về nhà sống với vợ con, người làng không ai kỳ thị gì cả, mình mừng lắm. Ở làng cuộc sống đầy đủ, đau ốm có thuốc chữa trị, được cán bộ chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện cho mình làm ăn, hòa nhập với cộng đồng không còn gì bằng nữa. Thời gian trước đây, nghe theo kẻ xấu làm điều sai trái giờ mình nhận ra được, ai có lôi kéo rủ rê thế nào mình cũng không nghe theo".
Lãnh đạo Công an tỉnh Gia Lai khen thưởng tổ công tác đã hoàn thành nhiệm vụ đưa được 3 công dân lầm lỡ trở về.
Ghi nhận thành tích xuất sắc của các tổ công tác trong việc truy bắt thành công 3 đối tượng cuối cùng theo tà đạo Hà Mòn lẩn trốn trong rừng, Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai, thường trực Huyện ủy, UBND huyện Mang Yang đã thưởng nóng, động viên tinh thần tổ công tác. Lãnh đạo Công an tỉnh Gia Lai cũng giao nhiệm vụ cho các lực lượng, trong thời gian tới tiếp tục giải quyết dứt điểm vấn đề tà đạo Hà Mòn. Trong đó, chú trọng việc phối hợp vận động quần chúng, cảm hóa, giáo dục đối tượng trên địa bàn.
Hồ Nam