Bước vào tuổi 56, Su Min bỏ lại tất cả những áp lực gia đình đè nặng trên vai để bước vào hành trình khám phá bản thân. Ở cái tuổi đã lên chức bà ngoại, Su chọn một cuộc sống mới mẻ hơn bằng cách tự mình lái xe đi xuyên Trung Quốc.
Đi “phượt” khắp đất nước bằng ô tô có lẽ không phải điều gì quá to tát, nhưng đối với một phụ nữ gần 60 tuổi, cả đời chỉ biết nội trợ như Su thì lại là câu chuyện đầy thú vị.
Đối với Su Min, chuyến đi không phải là để thỏa mãn nhu cầu khám phá của bản thân mà chỉ đơn giản là giải thoát sự đè nén suốt 30 năm chung sống không êm ấm với người chồng khó chịu. Đã đến lúc bà muốn được là chính mình.
Vào tháng 9 năm ngoái, Su bắt đầu chuyến hành trình trên chiếc Volkswagen Polo màu trắng mà bà mua bằng số tiền tiết kiệm được từ những công việc lặt vặt. Không cần biết điểm đến hay ngày về, bà lái xe ra khỏi nhà ở Trịnh Châu và tận hưởng cái gọi là niềm hạnh phúc đầu tiên của mình.
“Khi tôi rời khỏi cửa thu phí Trịnh Châu, lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy tự do”, Su nói. Cuộc phiêu lưu của Su - được phát trực tiếp trên mạng xã hội Douyin trong vài tháng qua - đã thu hút sự ngưỡng mộ từ phụ nữ ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là các bà nội trợ lớn tuổi ở Trung Quốc.
Đối với Su, gia đình không phải là chốn bình yên vì cuộc hôn nhân không hạnh phúc, cùng những áp lực đè nặng trên vai khiến tâm trí bà mệt mỏi. Trong 5 thập kỷ qua, Su đã phải miễn cưỡng sống theo những kỳ vọng, khuôn phép của xã hội Trung Quốc áp đặt lên người phụ nữ. Bà kết hôn với chồng năm 23 tuổi và thường phải phục tùng người chồng gia trưởng, thậm chí là bị bạo hành nhưng không được phép vùng lên.
Su cố gắng làm mọi thứ tốt hơn cho bản thân bằng cách độc lập về tài chính. Với 20.000 nhân dân tệ (3.060 USD) tiền tiết kiệm và lương hưu hàng tháng hơn 2.000 nhân dân tệ, Su bắt đầu hành trình rời nhà tìm kiếm tự do của riêng mình. Để tiết kiệm tiền, bà tránh các trạm thu phí đường cao tốc bất cứ khi nào có thể và ngủ trong lều đặt trên nóc ô tô vào ban đêm.
Bất chấp sự can ngăn của gia đình, Su sẽ đi du lịch khắp Trung Quốc và chưa hẹn ngày trở về nhà, ít nhất là trong vài năm tới. Nhiều phụ nữ trên mạng đã nói với Su rằng họ ghen tị với bà vì đã tự giải thoát cho mình theo cách mà không phải người phụ nữ trung niên nào cũng dám làm.
Nói đến chủ nghĩa xê dịch, người ta thường nhắc về người trẻ, lứa tuổi có sức khỏe, thời gian, tiền bạc và máu phiêu lưu trong mình. Những ngày Tết cận kề, có một bộ phận người trẻ Việt Nam đã chọn đi du lịch khám phá thay vì về nhà thăm gia đình, đón năm mới bên người thân.
Họ quan niệm tuổi trẻ là thời gian đẹp nhất để đi, tranh thủ khi còn đôi mươi, sức khỏe và đam mê nhiều, những miền đất tươi đẹp đầy hứa hẹn đang chờ in dấu chân. Nhưng cũng có không ít người chọn cách đi để trốn tránh “thực tại” giống câu chuyện của bà Su.
Lý giải về nguyên nhân ngày càng nhiều người lựa chọn đón Tết ở một nơi xa thay vì trở về nhà, một số người trẻ cho biết họ bị áp lực bởi chính gia đình. Họ sợ phải đối diện với những bi kịch của người thân, câu hỏi về lương bổng, khi nào kết hôn, thậm chí là ngán ngẩm cái cảnh ngày Tết về nhà tất bật chuyện dọn dẹp, bếp núc, nhiều thủ tục, không được nghỉ ngơi…
Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là liệu ngày Tết có phải là thời điểm chúng ta nên trốn tránh thực tại như vậy? Có nhiều người vì không muốn đối mặt với áp lực, chuyện buồn gia đình, mà không về nhà cả năm trời. Có chàng trai vì cha mẹ không hạnh phúc mà quyết định ở lại nơi đất khách làm việc. Có cô gái vì không muốn lấy chồng sớm như gia đinh mong muốn mà lên đường du học vài năm dài đằng đẵng.
Nhưng Tết là đoàn viên. Chúng ta có thể trốn chạy mãi, nhưng thực tại sẽ không phải vì chúng ta không đối mặt với nó mà nó sẽ tự động thay đổi. Rốt cuộc, chúng ta sẽ vẫn phải tự mình tìm lời giải cho những biến cố của bản thân.
Bà Su có thể được ca ngợi vì can đảm lao ra khỏi vũng bùn khổ sở suốt hàng chục năm để được một lần được sống là chính mình. Nhưng dù có thể đi 1 năm, 5 năm, bà cũng sẽ vẫn phải trở về để đối diện thực tại một lần nữa và tìm cách để kết thúc nó.
Chúng ta thường tự cho phép bản thân được “vượt rào” về cảm xúc, về giới hạn bản thân chưa từng làm, để phần nào đó an ủi tổn thương tâm hồn. Đó có lẽ là cách tốt để nguôi ngoai phần nào đó, nhưng chúng ta sẽ phải có giải pháp cuối cùng của riêng mình thay vì lạm dụng sự trốn chạy như một thứ gây nghiện.
* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.