Trong mỗi chúng ta, chắc hẳn ai cũng có khoảng thời thơ ấu của riêng mình. Với trẻ con có gì vui sướng hơn khi mỗi độ Trung thu về được cầm trên tay chiếc đèn ông sao năm cánh tung tăng khoe với bè bạn.
Sinh ra, lớn lên ở một miền quê, thời thơ ấu của tôi cũng có những niềm vui nhỏ bé thơ ngây khi được chen chúc phá cỗ trung thu nơi hội quán của thôn.
Đêm Rằm tháng 8, khi ánh trăng thu tràn ngập làng quê, tiếng trống thùng thình vang lên, đám con nít vui sướng nhảy múa khắp nơi, í ới gọi nhau ra hội quán để đón Trung thu cùng nhau phá cỗ, nhận quà.
Cỗ Trung thu của đám trẻ làng tôi ngày ấy chỉ là vài trái bưởi còn xanh, trái ổi, trái thị, thậm chí có cả bánh đa, kẹo củi đầm đà hương vị làng quê... do các anh chị thanh niên đi quyên góp hoặc chung tiền mua về bày mâm cỗ làm món quà nhỏ cho các em.
Chỉ có thế mà đám con nít thèm thuồng nuốt nước miếng từ khi bày cỗ cho đến lúc phá cỗ.
Mâm cỗ thì nhỏ mà bọn trẻ lại đông, thành thử thể nào cũng có vài đứa không có phần, tủi thân đứng khóc thút thít.
Không những vậy, bác trưởng thôn cũng đã tập hợp danh sách các em có thành tích tốt đạt giấy khen trong năm học để có món quà nho nhỏ động viên các em học tập tốt hơn.
Món quà ấy chỉ là vài quyển vở, cây bút thôi nhưng nhận được phần thưởng đám trẻ cũng đã cười tít cả mắt và cảm thấy tự hào.
Chiếc đèn lồng ngày ấy cũng thật đơn giản, chỉ cần mười nan tre đan chéo vào nhau rồi đem giấy dán kín, thòng sợi dây thép buộc vào nan tre dài nhất, phết phẩm màu lên, thế là đã có không khí Trung thu rồi.
Tôi còn nhớ thời đó, đám trẻ con chúng tôi còn tự lấy giấy vở tô kín màu mình thích, gấp dọc lại rồi cắt ngang theo đường gấp dán lại để làm đèn lồng đi chơi đêm Trung thu.
Những chiếc mặt nạ cũng được chính tay những “nghệ nhân” nhí lấy giấy bìa vẽ rồi buộc giây để đeo đi rước đèn đêm Rằm.
Chỉ là những chiếc đèn lồng, mặt nạ handmade đơn giản ấy thôi nhưng cũng đã làm đám trẻ con chúng tôi thấy vui quá chừng rồi.
Đời sống ngày càng phát triển, nhu cầu của con người ngày càng đa dạng. Bây giờ, Trung thu không còn là Tết riêng của trẻ con nữa mà là của tất cả mọi người và đã có quá nhiều thay đổi.
Hình ảnh người cha vót nan tre làm lồng đèn hay những đứa trẻ tự làm cho mình những chiếc đèn lồng nhỏ xinh, trẻ con háo hức nghe bà kể chuyện chú Cuội, chị Hằng vốn quen thuộc với trẻ em xưa thì nay trở thành xa lạ.
Bây giờ không thể tìm đâu ra những chiếc đèn ông sao giản dị mà người cha tự làm cho con, những chiếc đèn lồng, mặt nạ bằng giấy vở được tô vẽ từ chính tay đám trẻ.
Bởi, chỉ cần bỏ ra vài chục ngàn đồng là đã có thể mua được chiếc mặt nạ, lồng đèn đa dạng màu sắc, có các chức năng phát sáng, phát nhạc... bày ngập trong các cửa hàng.
Từ thành thị đến nông thôn, mỗi dịp Trung thu đều ngập tràn đủ loại đồ chơi hiện đại.
Những cây gậy phát sáng đủ màu, mặt nạ đầy đủ hình thù những nhân vật hoạt hình trẻ em yêu thích, đèn lồng gắn pin phát nhạc với nhiều màu sắc, kiểu dáng.
Cuộc sống tất bật nên ông bà, cha mẹ không còn thời gian kể cho con, cháu nghe những câu chuyện về nguồn gốc và phong tục Trung thu xưa nữa.
Không chỉ ở thành phố, bây giờ vùng nông thôn cũng san sát nhà cao tầng và đèn điện sáng choang.
Vì thế, trẻ em phải đón trung thu giữa phố xá đông nghẹt người, ồn ào và náo nhiệt để rồi từng ngày, chúng dần quên đi những câu chuyện về chị Hằng, chú Cuội trong đêm Trung thu.
Một Trung thu, tết đoàn viên nữa lại về. Giờ đây, không còn thấy cảnh trẻ con háo hức chờ đón Tết Trung thu, bởi bánh kẹo, trong đó có cả bánh nướng, bánh dẻo không còn hiếm như những năm ngày xưa.
Chợt nhớ những mùa Trung thu đã qua...