“Trường chị không bị ở trên ép mua thực phẩm à?”

Giữa cơn bão thông tin về nghi vấn thực phẩm bẩn tuồn vào trường học ở Bắc Ninh, tôi bâng quơ hỏi một Hiệu trưởng một trường mầm non ở Hà Nội: “Trường chị không bị ở trên ép mua thực phẩm à?”.

img
img

Tôi đứng giữa hàng trăm phụ huynh người Bắc Ninh đưa con đi xét nghiệm sán lợn tại bệnh viện Bạch Mai để lắng nghe những bức xúc. Họ - những ông bố bà mẹ với tình yêu dành cho con chỉ mong có vậy, có một nhà báo để bấu víu niềm tin, để phản ánh những chuyện đang diễn ra ở trường con họ đang học.

Dường như, những ông bố bà mẹ kia đang mất niềm tin vào nhà trường nơi con mình đang học, khi mà câu chuyện về thực phẩm được nói đi nói lại tới Ban giám hiệu nhà trường nhiều tháng nhưng không nhận được một hành động thực tế. Vẫn có những miếng thịt với đầy sán lợn, hoặc đã mục nát trong bữa cơm của con.

Quá lo sợ, hàng trăm phụ huynh đã phải bỏ ra hàng tỷ đồng để lên Hà Nội xét nghiệm xem con mình có khỏe mạnh hay không?! Và, những nỗi đau cứ thế ùa đến. Nhiều người khóc nấc lên khi cầm tờ giấy xét nghiệm “dương tính với sán lợn” của con.

Họ bấu víu niềm tin với cánh phóng viên chúng tôi, về phần mình, tôi cũng sốc, sốc về con số hàng trăm học sinh kia. Đứng giữa bệnh viện Bạch Mai, hàng trăm phụ huynh “tranh nhau” nói với tôi về câu chuyện đã diễn ra ở địa phương họ.

Thậm chí, họ còn kể rằng, chính phòng GD&ĐT đã ép trường con họ phải nhập thực phẩm kém chất lượng. Tất nhiên, để đi đến kết luận thì còn phải chờ cơ quan chức năng, nhưng chi tiết đó luôn bủa vây trong đầu.

Đây không phải lần đầu tiên báo chí và dư luận nói đến chuyện thực phẩm bẩn vào trường học, nhưng không biết là do chủ quan trong khâu quản lý hay vì lợi ích nào khác đã tiếp tay cho tội ác và gián tiếp đầu độc bọn trẻ qua con đường ăn uống?

Rời bệnh viện, tôi chạy đi ăn với một người bạn là Hiệu trưởng trường mầm non ở Hà Nội. Trong lúc ăn, chị ấy chìa điện thoại vào mặt tôi, trong đó là một bài báo với tiêu đề: “Vụ trẻ nhiễm sán lợn: Phòng Giáo dục ép mua thực phẩm của công ty?”. Chắc có lẽ vẫn bị ám ảnh bởi những câu nói của những vị phụ huynh kia, tôi liền đáp “Trường chị không bị trên ép mua thực phẩm à?”.

Chút cau có, rồi chị trả lời đầy tự hào về vị Trưởng phòng của mình: “Cậu ấy là người tử tế, em biết mà”. Tôi tin câu trả lời đó, không phải do tôi quen họ, mà tôi tin sự tử tế vẫn còn tồn tại, đặc biệt là trong môi trường giáo dục.

Trở lại với câu chuyện ở Bắc Ninh, chưa rõ rằng có ai sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật sau sự việc này không, nhưng đây sẽ là hồi chuông cảnh báo đến đạo đức của người làm kinh doanh, khi khách hàng của họ là những học sinh, là mầm non tương lai của đất nước.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

img