Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, chưa thể xác định thời điểm học sinh có thể trở lại trường, bộ GD&ĐT cũng đã trình Chính phủ hai “kịch bản” đối với kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020. Trong đó, có tình huống không tổ chức kỳ thi này.
Trước tình hình này, các trường đại học cũng nhanh chóng chủ động điều chỉnh đề án tuyển sinh cho phù hợp, không quá phụ thuộc vào kỳ thi THPT Quốc gia, đồng thời, vẫn đảm bảo cân đối giữa số lượng và chất lượng.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, PGS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng trường đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: “Để phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo quyền lợi của thí sinh cũng như mục tiêu tuyển sinh, nhà trường xác định sẵn sàng các phương án tuyển sinh đại học hệ chính quy như sau.
Nếu bộ GD&ĐT vẫn tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020, trường sẽ giữ nguyên phương án tuyển sinh dự kiến như đã công bố, trong đó, xét tuyển chủ yếu bằng kết quả thi THPT Quốc gia.
Tuy nhiên, trong trường hợp bộ GD&ĐT không thể tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia 2020, mặc dù khả năng xảy ra trường hợp này là rất thấp, nhưng nhà trường vẫn chủ động với phương án dự trữ: Nhà trường sẽ tổ chức một kỳ thi tuyển sinh đại học riêng”.
“Đối với phương án tổ chức kỳ thi riêng, nhà trường có 3 điểm chính như sau: Trước hết, trường đại học Kinh tế Quốc dân sẵn sàng phối hợp với các trường khác tổ chức thi tuyển sinh đại học chung nhằm giảm tốn kém, đồng thời nhắm đến mục tiêu đảm đảm bảo chất lượng và không gây xáo trộn và bảo vệ quyền lợi cao nhất của thí sinh.
Thứ hai, về dạng thức thi, sẽ được tổ chức giống như trong kỳ thi THPT Quốc gia, để các thí sinh đã học và ôn tập như thế nào thì được thi đúng như thế, để các em yên tâm và bình tĩnh, nhà trường không tạo “cú sốc” cho các thí sinh.
Thứ ba, trong đề án tuyển sinh của nhà trường, có 8 môn tương ứng với 9 tổ hợp xét tuyển gồm: A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh), D01 (Toán, Văn, Anh), D07 (Toán, Hóa, Anh), D09 (Toán, Sử, Anh), D10 (Toán, Địa, Anh), B00 (Toán, Hóa, Sinh), C03 (Toán, Văn, Sử), C04 (Toán, Văn, Địa). Mục tiêu cuối cùng là đảm bảo cho các thí sinh một kỳ thi giống như kỳ thi THPT Quốc gia”, PGS.TS Phạm Hồng Chương nhấn mạnh.
Cũng theo đề án tuyển sinh của trường, thí sinh sẽ được tự chọn môn thi cần thiết, đảm bảo cho việc đăng ký xét tuyển của mình. Các thí sinh sẽ tham gia thi tự luận với môn Ngữ văn; các môn còn lại sẽ thi trắc nghiệm, định dạng và nội dung tương tự/y hệt như đề thi tham khảo kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020 mà Bộ đã công bố.
Trường sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, an ninh trong tất cả các khâu và thực hiện nghiêm túc quy chế thi hiện hành của Bộ.
Tuy nhiên, về thời gian dự kiến tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng này, Hiệu trường trường đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, thời điểm hiện tại chưa xác định cụ thể, chờ bộ GD&ĐT có thông báo cuối cùng về kỳ thi THPT Quốc gia, trường sẽ công bố sau.
Tương tự, thông tin từ đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, đã lên phương án chuẩn bị mọi “kịch bản” ứng phó riêng trong trường hợp kỳ thi THPT Quốc gia 2020 không thể tổ chức.
Theo GS.TS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo đại học và sau đại học, đại học Quốc gia Hà Nội, chất lượng tuyển sinh phải là tiêu chí hàng đầu, vì vậy, phương án lý tưởng vẫn là tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài hết tháng 6, các trường đại học đành phải chấp nhận giải pháp tình thế, sử dụng phương án xét học bạ. Dù vậy, các trường chỉ nên coi đây sơ tuyển và cần chủ động có phương án tổ chức các kỳ thi tuyển riêng trên giấy hoặc máy tính.
GS.TS Nguyễn Đình Đức cũng phân tích, với điều kiện cơ sở vật chất hiện tại thì bài thi giấy sẽ thuận lợi hơn (khi hết dịch Covid-19) để đảm bảo chất lượng đầu vào phù hợp với từng ngành trong trường (ngoài hai môn cơ bản là Toán và Ngữ văn, có thể thi thêm môn thi thứ ba, chẳng hạn, với ngành y dược có thể có bài thi môn Sinh học hoặc Hóa học, hoặc có thể là các môn Ngoại ngữ với các ngành Ngoại ngữ,…). Đối với các trường nhỏ hơn và chưa có điều kiện tổ chức kỳ thi riêng thì có thể hợp tác và lấy điểm thi đầu vào làm căn cứ xét tuyển đại học.
Tuy nhiên, vị Trưởng ban Đào tạo đại học và sau đại học cũng cho biết, thời điểm hiện tại, đại học Quốc gia Hà Nội vẫn chưa công bố phương thức tuyển sinh cụ thể, sẽ thông báo sớm nhất tùy thuộc diễn biến dịch Covid-19 và quyết định của bộ GD&ĐT.
Trước đó, trường đại học Bách khoa Hà Nội cũng đã “nổ phát súng” mở màn trong việc chủ động kế hoạch tuyển sinh năm nay.
Cụ thể, ngoài những phương thức tuyển sinh như các năm trước, năm nay trường sẽ tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng, thực hiện song song và độc lập với các phương thức còn lại. Kỳ thi riêng này sẽ tuyển sinh khoảng 70% chỉ tiêu hệ đại học chính quy của từng khối ngành (không quá 80%). Tỷ lệ này có thể thay đổi trong trường hợp có sự biến động lớn về kỳ thi THPT Quốc gia 2020.
Theo đó, thí sinh là học sinh THPT trên toàn quốc dự vòng sơ tuyển theo kết quả học tập tại bậc THPT, sau đó, làm bài thi được thiết kế phù hợp trình độ THPT, có tính phân loại. Mục tiêu bài thi nhằm kiểm tra kiến thức, năng lực của học sinh.
Trong đó nêu rõ, các thí sinh sẽ thực hiện làm 3 môn/bài thi trong 1 buổi duy nhất, vào chiều 25/7, tại trường đại học Bách khoa Hà Nội.
Đối với khối Kỹ thuật, Kinh tế: thi một buổi trên giấy với 3 môn Toán (85-90 phút), Đọc-hiểu (30-35 phút) và Môn thứ ba (60 phút). Tổng thời lượng bài thi 180 phút.
Đối với ngành Ngôn ngữ Anh: thi một buổi với bài thi trên giấy 2 môn Toán (85-90 phút) và Đọc-hiểu (30-35 phút), tổng thời lượng bài thi trên giấy 120 phút; Môn thứ ba là tiếng Anh (90 phút) thi trên máy tính.
Tất cả các môn thi theo hình thức trắc nghiệm, riêng môn Toán có 2/3 trắc nghiệm và 1/3 tự luận (tự luận ngắn làm trực tiếp lên bài thi có đề và ô trống).
Trao đổi về phương thức tuyển sinh mới này, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng trường đại học Bách khoa Hà Nội khẳng dịnh: “Qua kỳ thi sát hạch riêng, nhà trường sẽ mở ra cơ hội cho các thí sinh có nguyện vọng và năng lực phù hợp với môi trường đào tạo tại trường đại học Bách khoa Hà Nội. Từ đó, chất lượng đầu vào cũng như công tác giảng dạy tại nhà trường sẽ được nâng lên.
Việc xây dựng một kỳ thi xét tuyển vào đại học riêng chính là thể hiện tính chủ động trong công tác đào tạo và giảm tính phụ thuộc quá nhiều vào kỳ thi THPT Quốc gia... Và để giúp các học sinh chủ động hơn trong việc chọn trường, chọn lớp và tập trung ôn tập, chúng tôi xây dựng kỳ thi riêng và thông báo sớm, rộng rãi.
Đồng thời, đây cũng chính là một “bước đệm” cho sang năm hoặc năm sau nữa, khi Luật Giáo dục có hiệu lực từ 1/7/2020, sẽ cho phép các trường đại học tự chủ tuyển sinh, trường đại học Bách khoa Hà Nội đã làm quen với công tác này sớm một bước”.
Trường đại học Hàng hải Việt Nam cũng đã và đang xây dựng các phương án tuyển sinh khác nhau cho năm 2020. Cụ thể, trong trường hợp do ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà bộ GD&ĐT không tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020, trường dự kiến sẽ tổ chức kỳ thi riêng để thay thế, với hai lựa chọn sau:
Lựa chọn 1: sử dụng 1 bài thi tổ hợp chung các môn học và thi trên máy tính (với chuyên ngành Tiếng Anh sẽ có thêm bài thi Tiếng Anh riêng ngoài bài thi tổ hợp chung).
Dự kiến sẽ tổ chức thi nhiều đợt thi trên máy tính, tổ chức thi vào tháng 7-8/2020 tại trường. Kết quả bài thi tổ hợp sẽ được sử dụng là phương thức xét tuyển chính vào các ngành đào tạo (cùng các phương thức xét tuyển khác như học bạ, chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế…).
Lựa chọn 2: tổ chức thi các môn thi tương tự như kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 (với 8 môn thi). Sử dụng kết quả bài thi từng môn để xét tuyển theo tổ hợp môn thi phù hợp từng ngành đào tạo sẽ là phương thức xét tuyển chính (cùng với các phương thức khác như học bạ, chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế…). Dự kiến tổ chức 1 đợt thi trong tháng 8/2020, kéo dài 3-4 ngày tại trường.
Bên cạnh đó, trường cũng dự tính phương án kết hợp cả hai lựa chọn trên, sẽ tổ chức một trong hai kỳ thi trên, đồng thời, công nhận toàn bộ kết quả thi của thí sinh đã tham gia các kỳ thi dạng tương tự do các đại học, trường đại học tổ chức trong cả nước.
Một số trường đại học dự trù thêm phương thức tuyển sinh dựa vào kết quả bài thi đánh giá năng lực. Đặc biệt, những trường đại học chưa thể tự tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, sẽ phối hợp với các trường đại học lớn, với đại học để có thực hiện phương án tuyển sinh này.
Theo kế hoạch, kỳ thi đánh giá năng lực của đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh được tổ chức ngày 31/5 (đợt 1) và ngày 9/8 (đợt 2). Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, học sinh tiếp tục nghỉ học nên đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh sẽ lại điều chỉnh ngày tổ chức kỳ thi.
Về hình thức, bài thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan đa lựa chọn với thời gian làm bài 150 phút. Về nội dung, bài thi cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản nhằm đánh giá khả năng suy luận và giải quyết vấn đề, không đánh giá khả năng học thuộc. Bài thi được xây dựng cùng cách tiếp cận như bài thi SAT (Scholastic Assessment Test) của Hoa Kỳ và TSA (Thinking Skills Assessment) của Anh. Cấu trúc bài thi đánh giá năng lực gồm 3 phần: Phần 1 - Sử dụng ngôn ngữ (40 câu); Phần 2 - Toán học, tư duy logic và phân tích số liệu (30 câu); và Phần 3 - Giải quyết vấn đề (50 câu).
Năm nay, nhiều trường đại học phía Nam cũng lựa chọn kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh tổ chức làm phương thức tuyển sinh. Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2020 do đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh tổ chức thu hút hơn 50 trường đại học, cao đẳng phía Nam.
Theo đó, các đơn vị sử dụng kết quả của kỳ thi này gồm 10 đơn vị của đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, bao gồm: trường đại học Bách khoa, trường đại học Khoa học Tự nhiên, trường đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, trường đại học Kinh tế - Luật, trường đại học Công nghệ thông tin, trường đại học Quốc Tế, khoa Y đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, phân hiệu đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh tại tỉnh Bến Tre, viện Đào tạo Quốc tế và trường đại học An Giang.
Bên cạnh đó là các đơn vị ngoài hệ thống đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh gồm: đại học Đà Nẵng (9 trường thành viên), trường đại học Kinh Tế TP.Hồ Chí Minh, trường đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.Hồ Chí Minh, trường đại học Kinh tế - Tài chính, trường đại học Nha Trang, trường đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, trường đại học Kiến trúc Đà Nẵng, trường đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long, trường đại học Nguyễn Tất Thành, trường đại học Lạc Hồng, trường đại học Thủ Dầu Một, trường đại học Bình Dương, trường đại học Hùng Vương TP. Hồ Chí Minh; trường đại học Bà Rịa - Vũng Tàu, trường đại học Kinh tế Công nghiệp Long An, trường đại học Yersin Đà Lạt, trường đại học Văn Hiến, trường đại học Tây Đô, trường đại học Nam Cần Thơ, trường đại học Công nghệ Miền Đông, trường đại học Quốc tế Sài Gòn, trường đại học Công nghệ Sài Gòn, trường đại học Văn Lang, trường đại học Phan Chu Trinh, trường đại học Công nghệ - Kỹ thuật Cần Thơ, trường ctao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, trường cao đẳng Quốc tế TP.Hồ Chí Minh, trường cao đẳng Viễn Đông, trường cao đẳng Sài Gòn Gia Định, trường đại học Ngoại ngữ Tin học; trường đại học Giao thông vận tải (CS2); trường đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh; trường đại học Quốc tế Hồng Bàng.
Trước tình hình diễn biến của dịch bệnh, các trường đại học đã sẵn sàng chuẩn bị phương án dự trù, mặc dù công bố phương án ở thời điểm này thì “hơi sớm”.
Năm nay, trường đại học Mỏ - Địa chất vẫn sẵn sàng 4 phương thức tuyển sinh, trong đó, nếu không thể tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia, trường vẫn có thể tuyển sinh theo 3 phương thức còn lại. Đặc biệt, ngoài 3 phương án trên, sinh viên vào trường sẽ được làm một bài test nhanh về ngoại ngữ và kiến thức khoa học tự nhiên để phân lớp và phân biệt trình độ. Ngoài ra, còn phỏng vấn ngành và chuyên ngành mà thí sinh đăng ký, tìm hiểu kiến thức xã hội của sinh viên khi đăng ký chọn ngành, chọn nghề.
Tương tự, trường đại học Lâm nghiệp đã sẵn sàng điều chỉnh các phương án tuyển sinh đã được thực hiện từ những năm trước, nếu bộ GD&ĐT không thể tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia thì trường. Theo đó, đối với phương thức xét tuyển dựa vào học bạ, trường sẽ sử dụng kết quả của 5 kỳ học (lớp 10, lớp 11 và học kỳ I năm lớp 12) thay vì dùng kết quả học tập của 6 học kỳ như các năm trước. Ngoài ra, trường sẽ bổ sung phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực của các trường, nhóm trường có tổ chức kỳ thi riêng.
Tuy nhiên, các trường đại học vẫn hy vọng kỳ thi THPT Quốc gia được diễn ra bình thường để không có sự xáo trộn trong công tác tuyển sinh của một số trường.
C.M