Trượt đại học có khi lại là cơ hội lớn...

Đại học không phải là cánh cửa vạn năng duy nhất mở ra tương lai sáng lạn cho những đứa trẻ. Đặc biệt, trong bối cảnh thừa thầy thiếu thợ như hiện trạng thị trường lao động nước ta lúc này, việc học nghề xem ra là một lựa chọn thức thời và sáng suốt.

img
img

Mấy ngày qua khi cáo trạng truy tố những cán bộ giáo dục trong vụ sửa điểm thi ở Sơn La được công bố, dư luận đã không khỏi bàng hoàng khi có những cha mẹ đã bỏ ra tới cả nửa tỉ đồng để con có được tấm vé vào đại học. Những phụ huynh này hẳn nhiên trở thành mục tiêu của vô vàn những lời trách cứ, thóa mạ.

Về phần mình tôi chỉ đơn giản nghĩ, đành là yêu con nhưng cố kiệt cho con vào đại học như vậy là cha mẹ đang vô tình lấy mất đi của con một cơ hội: Cơ hội được sống, đượchọc và làm việc bằng đôi chân vững chãi và tự do của chính bản thân những đứa trẻ.

Khi trình độ học thức chỉ ở mức 1, 2 điểm nhưng phải học chương trình dành cho những học sinh giỏi tới hơn 20 điểm, vui gì đâu,... địa ngục là đằng khác! Thậm chí cả khi mướt mải đuổi theo được các bạn, ra trường và cầm tấm bằng trong tay rồi, lúc này có khi những đứa trẻ lại rơi vào bi kịch khác.

Khi bạn đồng khóa ung dung, tự tại trong các vị trí công việc có chuyên môn cao, còn những đứa trẻ mua điểm năm xưa năm lần bảy lượt trượt vòng thi tuyển dụng, hoặc có khi vào làm việc rồi lại bị đánh bật ra ngoài vì đuối sức. Cái gì vốn không thuộc của mình sẽ mãi mãi không về mình là vậy.

Quan trọng hơn, đại học không phải là cánh cửa vạn năng duy nhất mở ra tương lai sáng lạn cho những đứa trẻ. Đặc biệt, trong bối cảnh thừa thầy thiếu thợ như hiện trạng thị trường lao động nước ta lúc này, việc học nghề xem ra là một lựa chọn thức thời và sáng suốt.

Theo các báo cáo được công bố mới đây, khi số sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng ra trường ngày một nhiều, vị trí công việc cho đối tượng này trở nên ít đi nếu không muốn nói là thừa thì lực lượng công nhân có tay nghề từ các trường trung cấp, trường nghề lại luôn trong tình trạng thiếu. Công nhân có tay nghề bởi vậy được các công ty săn lùng.

Đã có biết bao người tốt nghiệp đại học rồi mà không xin được việc nên đành cắn răng giết thời gian bằng việc học tiếp lên. Thậm chí, khi không thể chờ thêm, biết bao cử nhân, thạc sĩ đành phải lén giấu bằng cấp để nộp đơn xin làm công nhân trong các khu công nghiệp, chế xuất. Một sự lãng phí thời gian và tiền bạc cho cả gia đình và xã hội.

Cũng đã qua rồi thời cứ tuần tự học xongmới đi làm, học ngành gì làm đúng nghề ấy. Giờ, những người trẻ năng động đi làm, khởi nghiệp ngay từ khi còn chưa rời ghế nhà trường, thậm chí gác lại các buổi lên giảng đường để lo công việc. Họ vào nghề sớm và coi trọng kinh nghiệm thực tế.

Thế giới có bao nhiêu doanh nhân thành đạt dù tấm bằng cao nhất trong học hành mà họ có được chỉ là tấm bằng tốt nghiệp phổ thông. Có biết bao những tỷ phú giàu nhất hành tinh chưa có bằng đại học.

Bao nhiêu công trình, mô hình làm ăn lớn bắt nguồn từ bàn tay, khối óc của những người chưa qua giảng đường đại học.Rõ ràng, đại học chưa bao giờ được xem là điều phải có để dẫn tới những thành công.

Thực tế, ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới, người ta phân loại và định hướng nghề nghiệp cho học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế phổ thông dựa theo năng lực, sở trường của đứa trẻ.

Trẻ nào có tố chất, có khả năng phát triển học hàm học vị sẽ được khuyến khích học cao, vào đại học và sau đại học. Còn nhiều đứa trẻ thậm chí được khuyên đi học nghề ngay khi rời trường phổ thông.

Bởi theo mục tiêu của nhiều nền giáo dục hướng đến sự hạnh phúc của người học, đứa trẻ chỉ có thể hạnh phúc và phát triển tối đa tố chất của mình khi được học và làm theo đúng sở trường, khả năng của mình.

Người học bởi vậy sau khi tốt nghiệp sẽ ít phải đối diện với tình trạng thất nghiệp và hạnh phúc vì được làm việc đúng sở trường. Còn thị trường lao động bởi thế cũng không bị mất cân bằng theo kiểu thừa thầy thiếu thợ. Lợi cho cả đôi đằng.

Hôm nay, ngày mai và cả những ngày sau nữa, có thể sẽ rất nhiều giọt nước mắt tuôn rơi trên khuôn mặt của các bạn trẻ khi kết quả kỳ thi vào đại học được công bố. Họ khóc vì trượt đại học, vì không đỗ vào trường mình mong muốn.

Cứ khóc đi nhưng liền sau đó hãy nở nụ cười, cười để đón nhận một cơ hội khác, một cơ hội mà rất có thể nếu suôn sẻ trong thi cử biết đâu bạn lại không nắm được may mắn trong sự nghiệp thành công sau này.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

img