TS. Xã hội học Phạm Thị Thúy (Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia TP.HCM) là người đã tham gia nhiều khóa tập huấn về bạo lực gia đình, tham vấn cho phụ nữ kỹ năng chống bạo lực gia đình. Và đặc biệt hơn, chị giống như bác sĩ trị liệu tâm lý, giúp những nạn nhân đã từng bị xâm hại tình dục (XHTD) mở lòng mình, quên đi quá khứ đau thương, hướng tới một tương lai tươi sáng hơn.
Chị luôn tâm niệm rằng, với chị, hạnh phúc là được sống trọn vẹn từng giây, từng phút và trân quý những gì mình đang có. Vì vậy, chị luôn cố gắng mang lại hạnh phúc, niềm tin cho những người xung quanh.
Nhiều năm làm tham vấn tâm lý chị cũng đã được lắng nghe không ít những câu chuyện từ nạn nhân bị xâm hại tình dục.
Chị kể rằng, cách đây không lâu có một cô bé đã từng nói với chị “Mẹ em bảo đừng kể với ai chuyện bị xâm hại tình dục. Em thực sự cần được chia sẻ với ai đó chuyện này. Em giữ nó trong lòng như muốn nổ tung ra đến nơi. Chị ơi em đã từng bị lạm dụng tình dục bởi chính những người thân quen, gồm anh con bác họ nội, anh con bác họ ngoại và một chú thuê nhà em.
Duy nhất có một lần cái chú kia mò vào phòng em khi em đang ngủ, lúc đó em lớn rồi, nên em hét to lắm. Bố mẹ em phi lên và sau đó đuổi hắn đi. Bao nhiêu năm nay những ký ức xấu xa ấy vẫn cứ theo em. Chị có biết không, em không dám kể với ai. Sau đó khi có người từng xâm hại tình dục bị tố cáo, em nói đích danh những người kia, nhưng mẹ em bảo: “Con đừng kể ra! Người ta sẽ bảo mình dựng chuyện”.
Dù bây giờ hai người anh từng XHTD em đã lấy vợ, sinh con, nhưng thú thật, lần nào em gặp lại họ cũng thấy ớn lạnh.
Hồi em học lớp 11, đi học xa nhà, em bị ám ảnh quá nặng nề đến nỗi không thể ngủ nổi trong suốt 21 ngày đêm, thức trắng hoàn toàn. Em uống thuốc ngủ nhưng vẫn không ngủ được. Bố mẹ em sợ em bị làm sao nên lên với em ngay trong đêm em báo tin tình trạng sức khỏe của mình”.
Hay như câu chuyện khiến chính chị cũng day dứt cùng “bệnh nhân” của mình khi hôn nhân của họ tan vỡ vì từng bị xâm hại tình dục. “Bệnh nhân” của chị kể lại: “Ngày nhỏ, em đã bị chú họ xa của em XHTD. Lúc ấy hình như em học lớp 1 hay lớp 2. Em không nhớ rõ lắm. Từ đó, em xa lánh chú.
Ngày xưa em không dám kể với ai chuyện này. Em bị hoảng loạn một thời gian rồi bị bệnh thần kinh luôn. Bố mẹ em không hề biết gì. Bố mẹ bận rộn làm nông nên không hiểu biết gì vấn đề của em. Em đã bị tổn thương và tự điều trị cho mình.
Giờ em hiểu biết thì em lại không muốn nhắc đến chuyện đó nữa. Đến khi em lấy chồng, em kể chuyện em bị XHTD lúc nhỏ cho chồng nghe, chồng em không tin. Đau đớn nhất là chồng em đay nghiến em, nói em không còn này nọ. Cuộc hôn nhân của em không được hạnh phúc. Em rất tự tin và em thể hiện sự nỗ lực, tình cảm với chồng. Nhưng không hiểu sao chồng cứ say rượu về lại lôi chuyện ấy ra nói. Anh ấy nói em bịa ra, làm gì có chuyện hoang đường ấy.
Em mệt mỏi và sắp ly hôn rồi. Em không thay đổi được gì. Em đã phải chữa bệnh về thần kinh từ năm lớp 6 tới giờ. Em rất mệt mỏi và không dám nói với ai. Em không muốn ai biết điều này. Em đã cố gắng làm vợ tốt, làm mẹ tốt. Em học yoga, em tự giải tỏa tất cả. Em thấy hậu quả của việc bị XHTD thật khủng khiếp”.
Được nghe những câu chuyện từ chính những người đã từng bị xâm hại tình dục, TS. Xã hội học Phạm Thị Thúy cho hay, những cháu nhỏ thường dễ bị xâm hại tình dục vì khả năng chống lại kẻ xấu không cao. Vì vậy, ngay từ khi trẻ còn nhỏ thì việc phòng quan trọng hơn chống. Con cái được cha mẹ quan tâm chu đáo sẽ giảm thiểu được rất nhiều rủi ro trong cuộc sống.
Việc đầu tiên cha mẹ cần làm chính là dành thời gian giáo dục giới tính và kỹ năng phòng vệ cho con càng sớm càng tốt. Không ai dạy con cách sống, cách bảo vệ chính mình tốt hơn cha mẹ. Bởi, kỹ năng phòng vệ là kỹ năng sống còn của mỗi con nhỏ. Đừng để đến lúc “mất bò mới lo làm chuồng”, như vậy con sẽ ám ảnh cả đời và thực tế đã có rất nhiều câu chuyện chứng minh cho việc này.
Thứ 2, cha mẹ hãy dạy con tìm hiểu về chính cơ thể của mình. Đừng ngại nói với con những chuyện nhạy cảm trên cơ thể. Cần phải cho con biết cách tôn trọng giá trị bản thân, cơ thể con là bất khả xâm phạm, bất kỳ ai đụng vào con cũng cần kiên quyết nói không, tránh xa, thậm chí có thể chạy khỏi kẻ đó, đồng thời nói cho bố mẹ hoặc thầy cô biết những đối tượng xấu để có thể cảnh giác cao độ.
Ngoài ra, cha mẹ cần chú ý những mối quan hệ xung quanh con, từ bạn bè cho đến hàng xóm, cha mẹ nên tạo cho con môi trường sống an toàn, đủ tin cậy để con có thể vui chơi. Chỉ cần cha mẹ dành thời gian trò chuyện, chơi vui cùng con mỗi ngày, chúng ta sẽ ngăn ngừa các rủi ro có thể đến với trẻ.
M.T