img

img

Thành công từ lĩnh vực chế biến gỗ và sản phẩm nội thất, HAGL chính thức dấn thân vào mảng bất động sản (BĐS) khi thành lập công ty con là CTCP Xây dựng và Phát triển Nhà Hoàng Anh vào năm 2002.

Đến năm 2004, HAGL đưa vào hoạt động HAGL Resort Quy Nhơn; năm 2005 khai trương hoạt động HAGL Resort Đà Lạt và năm 2006 khai trương hoạt động HAGL Hotel Pleiku, bàn giao Khu căn hộ cao cấp Lê Văn Lương tại Tp.HCM.

Thời gian sau, HAGL tiếp tục tung ra hoàng loạt dự án BĐS. Lĩnh vực này nhanh chóng trở thành mũi nhọn trong chiến lược phát triển của tập đoàn. Nhờ lợi thế quỹ đất, có công ty xây dựng lớn, có nhà máy chế biến gỗ và đá granite khép kín trong quy trình xây dựng căn hộ nên sản phẩm có giá thành cạnh tranh trên thị trường.

img

Phối cảnh chung cư Hoàng Anh Gold House Huyện Nhà Bè - một trong những dự án BĐS của Hoàng Anh Gia Lai

Chính vì vậy, HAGL đã ghi lại dấu lớn trên thị trường địa ốc Tp.HCM khi phủ sóng khắp quận 7, Nhà Bè các dự án như chung cư Hoàng Anh Gold House nằm trên mặt đường Lê Văn Lương (quận 7); khu căn hộ cao cấp Trần Xuân Soạn (quận 7) rộng trên 8ha; dự án New Sài Gòn tại huyện Nhà Bè; khu căn hộ cao cấp Lê Văn Lương (quận 7); khu căn hộ cao cấp Phú Hoàng Anh tại huyện Nhà Bè; dự án tòa nhà Hoàng Anh Safomec-số 7/1 Thành Thái, phường 14, Q.10, Tp.HCM với diện tích sàn xây dựng là 8.359 m2; dự án đất nền Minh Tuấn tại quận 9; dự án căn hộ Hoàng Anh Thanh Bình tại quận 7 và dự án Hoàng Anh Phúc Bảo Minh tại quận Tân Phú...

Giai đoạn 2006-2012, BĐS trở thành lĩnh vực chủ lực của HAGL. Đỉnh cao nhất là vào năm 2009 với 4 dự án chính đưa vào khai thác, gồm: New SaiGon, Hoang Anh River View, Phú Hoàng Anh (giai đoạn 1) và Hoàng Anh Golden House mang về doanh thu hơn 3.300 tỷ đồng, chiếm hơn 77% tổng doanh thu cả năm này.

img

Bên cạnh đó, Tập đoàn này còn có nhiều dự án ở các tỉnh Gia Lai, Quy Nhơn, Đắk Lắk, Tp. Đà Nẵng, Tp. Cần Thơ.

Không chỉ vậy, “cánh tay” BĐS của HAGL vươn ra cả nước ngoài. Năm 2013, HAGL khởi công dự án Khu phức hợp HAGL Myanmar Center. Thời điểm đó, bầu Đức cho biết: HAGL Myanmar Center là dự án có quy mô đầu tư lớn nhất, hoành tráng nhất của HAGL cho đến lúc đó. Khi dự án hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ đáp ứng được nhu cầu về khách sạn, nhà ở và văn phòng cho thuê hiện đang nóng lên từng ngày tại Tp. Yangon. Dự án cũng sẽ là trung tâm văn hóa - kinh tế của Việt Nam tại Myanmar.

Đây là dự án mang dấu ấn lớn của HAGL khi đổ vốn đầu tư ra nước ngoài nhưng cũng có thể coi là "cứ địa" cuối cùng của HAGL trong lĩnh vực bất động sản.

img

Phối cảnh Khu phức hợp HAGL Myanmar Center

Bởi, từ năm 2011, thị trường địa ốc bước vào giai đoạn khủng hoảng và suy thoái. Từ năm 2012 trở đi, bầu Đức từng bước thoái vốn khỏi BĐS, bán dần các quỹ đất vốn là thế mạnh của công ty để dốc toàn lực phát triển nông nghiệp.

Tháng 6/2013, HAGL quyết định bán 6 dự án thủy điện và 2 dự án đang xây dựng và BĐS mà công ty đã và đang đầu tư.

Trong cuộc tái cấu trúc ngành BĐS, HAGL tách các công ty con sở hữu các dự án căn hộ ra khỏi tập đoàn, chỉ giữ lại dự án tại Myanmar và một số dự án trực thuộc Công ty Phát triển nhà Hoàng Anh. Cuộc tháo chạy của bầu Đức tại thị trường BĐS Việt Nam là vì "càng làm càng lỗ".

img

Nhà máy thuỷ điện Đăk Srông 2 nằm trong số 6 dự án Thuỷ điện được chuyển nhượng.

Chính vì vậy, khi ấy, HAGL rót vốn đầu tư vào thị trường BĐS nước ngoài. Thế nhưng, dù mang nhiều kỳ vọng song cuối cùng HAGL vẫn quyết định buông tay với cả dự án HAGL Myanmar Center.

Cụ thể, sau hợp tác chiến lược giữa HAGL và CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) vào tháng 8/2018, HAGL đã nhượng lại 65% dự án này cho Công ty Đầu tư Xây dựng Đại Quang Minh - doanh nghiệp chuyên làm bất động sản của Thaco.

Đến tháng 9/2019, HAGL chuyển nhượng nốt toàn bộ 196,3 triệu cổ phần, tương ứng 47,93% vốn điều lệ HAGL Land - công ty quản lý mảng BĐS của HAG với dự án chính là khu phức hợp HAGL Myanmar Center cho Công ty Đầu tư Xây dựng Đại Quang Minh.

Như vậy với việc hoàn tất bán hết số cổ phần còn lại, công ty của bầu Đức đã rút hoàn toàn khỏi mảng BĐS.

Việc rút khỏi lĩnh vực BĐS đã được bầu Đức nhiều lần đề cập trong thư gửi cổ đông. Theo đó, HAGL sẽ tập trung phát triển để trở thành tập đoàn nông nghiệp hàng đầu châu Á vào năm 2025.

Tuy nhiên, trong Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 mới diễn ra gần đây, Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức đã nói rằng: "Năm 2008, tôi dám khẳng định Hoàng Anh Gia Lai là công ty bất động sản số 1. Nhưng mỗi người mỗi quyết sách, tôi từ bỏ lĩnh vực này năm 2012 để làm nông nghiệp. Đến bây giờ, tôi khẳng định mình đã sai".

Nhìn lại gần một thập kỷ qua, có thể hiểu tại sao bầu Đức lại thừa nhận cuộc tái cấu trúc mảng BĐS của mình là một bước đi sai lầm.

img

Đúng là thời điểm bầu Đức chuyển hướng sang nông nghiệp thì thị trường BĐS đang khó khăn. Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, thị trường BĐS thoái trào, giá nhà đất lao dốc. Tồn kho ngành BĐS năm 2012 ước tính lên tới trên 100.000 tỷ đồng. Thế nhưng, năm 2013, khi HAGL thực hiện tái cấu trúc thì cũng là lúc thị trường BĐS có dấu hiệu hồi phục và nóng dần lên.

Và giai đoạn 2018-2019, khi bầu Đức rút hẳn khỏi BĐS thì thị trường dần hồi phục. Đặc biệt, năm 2020 và năm 2021 này, dù đứng trước sự ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều ngành nghề ảnh hưởng nặng nề thì thị trường BĐS lại bật tăng mạnh mẽ và diễn ra tình trạng "sốt giá" nhiều nơi trên cả nước.

Tuy vậy, khi nhiều nhà đầu tư tại buổi đại hội đặt dấu hỏi với quỹ đất vẫn còn, liệu Bầu Đức có quay lại sân chơi mà Hoàng Anh Gia Lai từng là số một?

Bầu Đức quả quyết: "Bây giờ, HAGL sẽ không làm BĐS nữa, tôi khẳng định. Mình đã đi qua rồi không đi lại, vì rất nhiều đại gia BĐS đã đi rồi, HAGL quay lại sẽ khó cạnh tranh".

img

img

Vị thuyền trưởng của HAGL cũng cho hay, hiện nắm đấm chủ lực của công ty là nông nghiệp và chăn nuôi. Với lợi thế quỹ đất lớn ở Lào, Campuchia, doanh nghiệp có vị trí thuận lợi cho cả trồng trọt và chăn nuôi.

Ông Đoàn Nguyên Đức chia sẻ tại ĐHĐCĐ: "Việc chăn nuôi quan trọng giá vốn, đối với HAGL, chăn nuôi heo là ngành mới nhưng có hai lợi thế mà khó có doanh nghiệp nào cạnh tranh được.

Một là quỹ đất, HAGL hiện đang có các vị trí chuồng trại rất tốt. Hai là chuối thải, hiện tỉ lệ chuối xuất khẩu khoảng 40-50%, còn lại là chuối thải”.

Năm vừa qua, công ty ông đã phân tích dinh dưỡng của cây chuối và nhận thấy rất phù hợp với việc chăn nuôi heo, là lợi thế nguyên liệu, chiếm 40% trong khẩu phần thức ăn chăn nuôi. Nhờ đó, chi phí thức ăn của công ty giảm 20% so với thị trường.

img

Để chuẩn bị cho năm 2022, HAGL đã xây xong 6 cụm chuồng trại để chuẩn bị cho 15.000 heo nái và 300.000 heo thịt. Tuy nhiên, đó chỉ là kế hoạch, còn Công ty sẽ không chỉ thực hiện như vậy mà với lợi thế hiện nay sẽ tiếp tục tăng hơn số kế hoạch.

Đối với ngành cây ăn trái, công ty duy trì đầu tư khoảng 10.000 ha trồng các loại cây, gồm chuối và các loại cây ăn trái khác. Riêng cây chuối, hiện doanh nghiệp trồng hoàn thiện được 5.000 ha tại Việt Nam, Lào và Campuchia, phấn đấu năng suất thu hoạch chuối bình quân từ năm 2022 sẽ đạt 50 tấn một ha.

Bầu Đức cho biết thêm, công ty đang nuôi thí điểm 4.000 con bò nhưng chưa đưa vào kế hoạch tài chính, nếu có hiệu quả mới đưa vào kế hoạch. Điều quan trọng để xóa lỗ lũy kế của HAG là nuôi heo và trồng chuối.

Về hành trình xử lý nợ, tại ĐHĐCĐ ông Võ Trường Sơn - Tổng giám đốc HAGL cho hay: HAGL đã thanh toán được phần lớn các khoản nợ vay và trái phiếu tồn đọng. Đồng thời cũng đã xử lý được phần lớn các khoản đầu tư không hiệu quả. HAGL cũng đã có kế hoạch thanh lý một số tài sản không tạo ra lợi nhuận và đang trong quá trình đàm phán với đối tác, tập trung thu hồi nợ từ các bên liên quan và sử dụng dòng tiền thu được từ hoạt động sản xuất kinh doanh để trả nợ, cải thiện tình hình tài chính.

img

Sau khi chuyển công ty nông nghiệp HAGL Agrico (HNG) cho ông Trần Bá Dương quản lý, bầu Đức thừa nhận: “Sau 5 năm tái cơ cấu, đến nay, tôi khẳng định là tôi rất tự tin. Tôi xin nói chính thức là HAGL cảm ơn anh Trần Bá Dương, chính vì anh Dương vào giúp mà HAGL có thể trả nợ và trở lại. HAGL giờ đã rất minh bạch so với ngày xưa và chỉ còn 4-5 công ty con nên rất gọn gàng và có thể đi rất nhanh".

Bầu Đức cũng tha thiết nói: "Nhiều cổ đông trước đây thất bại với HAGL là sự đau lòng của tôi. Tôi sẽ cày không mệt mỏi vì sự tồn tại và phát triển của HAGL, vì danh dự cá nhân tôi. Tôi đã xây dựng thương hiệu HAGL nên tôi sẽ làm đến cùng”.

Năm nay, HAGL lên kế hoạch doanh thu 2.055 tỷ đồng, giảm 35% so với thực hiện năm trước, và lãi sau thuế là 104 tỷ đồng (năm 2020 lỗ 2.383 tỷ đồng). Doanh nghiệp dự kiến không chi trả cổ tức cho cổ đông trong năm 2021.

img

NGUOIDUATIN.VN |