Một vị hiệu trưởng đại học từng chia sẻ ông cảm thấy đau lòng khi gặp sinh viên cũ trở thành xe ôm công nghệ. Nhưng bạn tôi lại từ bỏ một công việc danh giá để chọn làm người tài xế với đồng phục màu xanh.
Trong đoàn thực tập năm đó ở một trường đại học, bạn tôi là người duy nhất nhận được lời mời trở thành giảng viên của ngôi trường sau khi tốt nghiệp. Đó là một cơ hội lớn với bất kỳ sinh viên năm cuối nào vẫn còn đang loay hoay với câu hỏi: “Làm gì” trong tương lai.
Với đặc thù ngành học thiên về nghiên cứu, ít ứng dụng vào thực tế, một lời mời trở thành giảng viên đại học giữa đất Thủ đô không chỉ giúp bạn tôi có một công việc ngay lập tức, đúng ngành nghề - mà hơn cả - đó còn là công việc danh giá mà nhiều người ao ước.
Nhưng cơ duyên đó bạn tôi đã không nắm bắt. Sau 2 năm tham gia nghĩa vụ quân sự, bạn tôi gác lời mời nhiệt thành đó sang một bên. Cậu theo đuổi một số ngành nghề sau khi ra quân, rồi bất ngờ trở thành xe ôm công nghệ.
Tôi và bạn, cùng nhiều người khác vẫn gặp nhau mỗi dịp về thăm cô chủ nhiệm lớp đại học cũ. Tại đây, có không ít câu hỏi về việc tại sao cậu lựa chọn công việc này, lãng quên tấm bằng đại học 4 năm ròng rã cố gắng.
Chúng tôi tưởng cậu gặp khó khăn khi xin việc, khuyên cậu nên về quê, làm cho một cơ quan nhà nước, hay chí ít cũng là làm một công việc văn phòng nào đó để cho người đời đỡ dị nghị.
Thậm chí, không ít người bạn khá giả của chúng tôi sẵn sàng giới thiệu cho cậu những công việc có thể ngồi ghế êm, trưa được nghỉ ngơi, lương cũng khá, mà chẳng phải mưa bão cũng lao ra đường chở khách.
Cậu cười xòa, nói mình thích vậy. Trên hết nó là công việc tự do. Đúng với tính cách của cậu. Việc ngồi một chỗ trước máy tính đối với bạn tôi là cực hình, dù với nhiều người lao động chân tay, đó là thiên đường.
Nói về việc từ chối lời mời thành giảng viên năm xưa, bạn tôi bảo rằng, mình không có thời gian và sự kiên trì để phấn đấu một công việc trong môi trường nhà nước. Lời mời đó, có thể là cơ hội có một không hai, nhưng để đạt được nó cũng không hề dễ dàng.
Nếu nhận lời trở thành giảng viên trong ngôi trường đó, bạn tôi sẽ phải phấn đấu dần dần, đòi hỏi thời gian vài ba năm mới trở thành giảng viên chính thức. Thời gian như vậy là quá dài, trong khi mức lương gần như chẳng có gì.
Tiền có thể không phải là số một, nhưng nó chưa bao giờ rơi khỏi vị trí số hai hay số ba trong bảng xếp hạng những thứ cần thiết nhất trong mỗi chúng ta.
Bạn tôi không thể theo đuổi giấc mơ danh giá đó mà không có tiền để sống. Cậu không thể để vợ con nhịn đói, trong khi mình mặc chiếc sơ mi đắt tiền lên giảng đường.
Cậu cần tiền gấp cho đứa con mới ra đời.
Vì những công việc văn phòng không đúng ngành nghề làm cậu nhàm chán; lương bổng bọt bèo, mọi thứ phải học lại từ đầu – tất cả khiến cậu lựa chọn làm xe ôm công nghệ.
Không bị những ông sếp khó tính la mắng, hôm nào mệt thì nghỉ. Lương không phải chờ, lúc nào cũng là tiền tươi thóc thật. Thậm chí, số tiền mà bạn tôi kiếm mỗi tháng còn cao hơn những người bạn khác.
Bất chấp những vấn đề tranh cãi về chính sách còn nhiều bất cập, không quan tâm đến tài xế của các công ty xe công nghệ, bạn tôi vẫn hài lòng với những gì mình thu về trong cái nghề này.
Người ta vẫn thường nói sự bùng nổ của nền kinh tế chia sẻ ở Việt Nam mang đến những nghịch lý.
Ở nước ngoài, đối tượng tham gia vào mô hình kinh doanh như vậy thường là những người rảnh rang, muốn kiếm thêm thu nhập dựa trên những điều kiện, công cụ có sẵn.
Họ có thể trở thành tài xế công nghệ hoặc tham gia vào mạng lưới cho thuê nhà ở, homestay. Nhưng về cơ bản, họ đều có một công việc chính mang lại thu nhập đủ sống, thậm chí là dư dả.
Còn ở Việt Nam, những cử nhân, thạc sĩ, kỹ sư, lại chọn cho mình những bộ đồng phục xanh, đỏ, vàng; một tay cầm điện thoại, một tay vít ga - thay vì phấn đấu làm việc cho một ty lớn nào đó, với công việc chuyên môn có thể áp dụng kiến thức học được từ những năm tháng dùi mài kinh sử.
Mới đây, hiệu trưởng một trường đại học phải thốt lên rằng, ông cảm thấy đau lòng khi gặp lại sinh viên cũ đang làm xe ôm công nghệ. Nhưng tôi nghĩ, có lẽ bạn tôi và cả những sinh viên đó lại đang hài lòng với lựa chọn của mình.
Đứng giữa những ngã rẽ của cuộc đời muôn màu muôn vẻ, có những con đường khó khăn mà họ không thể liều mình bước đi, nhưng vẫn có những con đường vòng khác dễ dàng để tiến bước – và rồi cũng đến với cái đích mà họ mong muốn.
Nếu để có một ngành nghề gì đó gọi là “tạm”, thì xe ôm công nghệ có lẽ là sự lựa chọn “tạm” tuyệt vời nhất.
Với thời gian rảnh rang của một sinh viên, việc có một công việc làm thêm ổn định, tương tác với xã hội, cùng thu nhập khá như vậy còn hơn là đi bưng bê ở hàng quán với mức lương bèo bọt.
Với những sinh viên ra trường, trước cánh cửa công việc mà họ chưa có đủ khả năng tiến vào, xe ôm công nghệ sẽ là chiếc cần câu cơm tạm thời để họ nuôi dưỡng ước mơ.
Quan trọng hơn cả, những sinh viên đó hay người bạn của tôi đều hiểu rằng đó không phải là sự nghiệp mà họ gắn bó suốt phần đời còn lại.
Sau 2 năm chạy xe ôm công nghệ, bạn tôi có tiền duy trì gia đình nhỏ. Sóng gió ban đầu của cuộc sống hôn nhân tạm qua. Giờ đây, cậu đã có một việc làm chính thức với mức lương khá ổn, nhưng cuối tuần rảnh vẫn bật app lên tìm khách như một thói quen.
Bạn tôi chưa bao giờ cảm thấy xấu hổ vì công việc này. Cậu ấy có thể sẵn sàng mặc chiếc áo đồng phục xe ôm công nghệ bước vào một nhà hàng sang trọng để ngồi ăn uống với tôi, và cười vui vẻ mỗi khi nhân viên tưởng cậu chỉ là người đến lấy đồ ăn đi giao chứ không phải khách.
Vì rốt cuộc - như bạn tôi nói - quan trọng không phải là chúng ta làm công việc gì, mà hơn cả là chúng ta biết mình đang làm gì.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.