Phương thức xét tuyển là một trong những nội dung được các trường đại học quan tâm và thí sinh quan tâm. Theo số liệu Bộ GD&ĐT công bố, trước đó, năm 2022 việc đa dạng các phương thức xét tuyển giúp trao thêm nhiều cơ hội cho thí sinh, tuy nhiên việc “nở rộ” các hình thức khác nhau cũng khiến cho nhiều em khó chọn lựa.
Ngoài xét tuyển bằng hình thức lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT (chiếm 47,98%), xét tuyển kết quả học tập THPT (học bạ) là phương thức có tỉ lệ thí sinh nhập học cao trên toàn quốc chiếm hơn 37%.
Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm, đến nay các trường đại học top đầu lại có xu hướng không lựa chọn xét học bạ cho phương án tuyển sinh của nhà trường.
Lý giải về điều này, trao đổi với Người Đưa Tin, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN đánh giá việc xét tuyển bằng kết học tập THPT có sự lo ngại liên quan đến chất lượng đầu vào.
Bởi mặc dù, căn cứ vào học bạ có thể tạo thuận lợi hơn cho quá trình tuyển sinh nhưng khó đảm bảo công bằng. “Chất lượng dạy học, đánh giá của các trường khác nhau, chưa kể là sự khác nhau ở mỗi địa phương, cùng với đó là chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất, trình độ đào tạo nên việc đánh giá theo học bạ sẽ không tương đương nhau”, ông Đức bày tỏ.
Ở đây chuyên gia đưa ví dụ: “Học lực giỏi của trường này nhưng không có nghĩa tương đương với học lực giỏi ở một trường khác. Hiện nay tỉ lệ học sinh khá, giỏi theo học bạ hiện nay lên tới 90%. Như vậy, học bạ không còn là thước đo chuẩn xác đánh giá năng lực học sinh”.
Chính vì điều này khiến cho nhiều trường e ngại xét tuyển sinh đại học theo học bạ sẽ có khả năng thiếu chính xác, khách quan và công bằng về học lực, đặc biệt với các ngành được nhiều sự quan tâm như: Công nghệ thông tin, Kinh doanh, Y dược,…
Ngoài ra, ông Nguyễn Đình Đức cũng lo ngại các trường THPT cũng phần nào tạo điều kiện cho học sinh được có học bạ đẹp, và ngay cả khi các em có trúng tuyển nhưng vẫn rất khó theo học vì không đúng khả năng bản thân.
“Với các ngành khó như Toán học, Cơ điện tử, Hoá học việc chán nản, thậm chí phải bỏ học giữa chừng rất dễ xảy ra, điều này sẽ gây mất thời gian và tài chính cho các em và nhà trường”, chuyên gia phân tích.
Chính vì vậy, việc đánh giá năng lực học sinh của từng phương thức xét tuyển là rất quan trọng, từ đó giúp các trường chủ động lựa chọn cách thức tuyển sinh, tìm được người học phù hợp, đáp ứng yêu cầu đào tạo.
Đồng quan điểm, TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng vụ Giáo dục Chuyên nghiệp cũng nhận thấy khi xét tuyển bằng học bạ dễ dẫn đến tiêu cực.
“Chỉ nên xem điểm học bạ là một trong các căn cứ hồ sơ đánh giá năng lực thí sinh. Nếu học bạ thể hiện sự đánh giá khách quan, tin cậy có thể ưu tiên sử dụng thay vì đánh giá thông qua một kỳ thi. Tuy nhiên, sự cảm tính và bệnh thành tích khiến học bạ ở Việt Nam mất đi giá trị và ý nghĩa của nó. Do đó, trong bối cảnh hiện nay, một số trường đại học lựa chọn cách làm bỏ xét tuyển sinh đại học bằng học bạ là phù hợp và cũng là cách thể hiện đẳng cấp chất lượng của nhà trường”, ông Hoàng Ngọc Vinh đánh giá.
Theo đề án tuyển sinh vừa công bố, năm 2024, Trường Đại học Kinh tế quốc dân tuyển sinh theo ba phương thức: xét tuyển thẳng 2% chỉ tiêu, 18% chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (giảm 7% so với năm 2023), 80% chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của nhà trường. Cơ sở giáo dục này không còn tuyển sinh bằng học bạ. Các năm trước, nhóm thí sinh này chiếm khoảng 10% chỉ tiêu.
Lý giải về điểm mới này nhà trường cho biết, qua kết quả tuyển sinh các năm cho thấy nhóm thí sinh trường chuyên xét tuyển bằng học bạ có lực rất giỏi, gần như đều đáp ứng các điều kiện khác về điểm thi đánh giá năng lực, điểm thi tốt nghiệp THPT, chứng chỉ quốc tế… tỉ lệ trùng lặp giữa nhóm thí sinh này khá cao, dẫn đến tỉ lệ ảo tăng.
Ngoài ra, Trường Đại học Y Hà Nội cũng thông báo không xét tuyển bằng điểm học bạ. Đại học Bách khoa Hà Nội cũng bỏ yêu cầu điểm học bạ đạt 7 trở lên với các môn trong tổ hợp, khi xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và đánh giá tư duy năm nay.