Tự chủ xin đừng tự tiện!

Việc các trường đại học (ĐH) tự ý tăng học phí nếu không được giám sát chặt chẽ sẽ làm mất cơ hội học tập của nhiều người, làm sai lệch ý nghĩa của chủ trương tự chủ đại học, trong khi chất lượng giáo dục chưa chắc tăng lên.

img

ĐH Y Dược TPHCM

Thuỳ Trang là một học sinh lớp 12 chuyên Sinh ở TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM). Cô bạn mới đây đã phải từ bỏ giấc mơ làm bác sĩ đa khoa, sau khi ngôi trường ĐH cô ao ước – ĐH Y Dược TPHCM – công bố biểu giá học phí mới cho năm học 2020 – 2021.

Nếu như trước đây, học phí trung bình của trường này chỉ 1,3 - 1,4 triệu đồng/tháng, tương đương 13 - 15 triệu đồng/năm thì năm học sắp tới đột nhiên tăng gấp 5-7 lần, trong đó ngành Y khoa mà Trang định thi lên tới 68 triệu đồng/năm. Trường này cũng cho biết sẽ liên tục tăng 10% học phí mỗi năm. Như vậy, để có thể theo đuổi 6 năm ĐH ở đây, gia đình Trang sẽ phải chi trả trên dưới nửa tỷ đồng học phí, chưa kể sách vở giáo trình và các chi phí khác.

Mặc dù trước chất vấn của dư luận phải chăng từ nay con nhà nghèo sẽ phải từ bỏ giấc mơ lương y…, nhà trường có giải thích rằng hàng năm sẽ dành khoảng 10% để lập quỹ học bổng cho học sinh nghèo học giỏi (khoảng 80 suất học bổng/ năm), thì Trang, cùng với nhiều học sinh khác – những người có cha mẹ chỉ có khả năng chi trả tối đa 20 – 30 triệu đồng tiền học/năm (nghĩa là chưa đủ nghèo)- hiểu rằng cơ hội đó không bao giờ dành cho mình.

img

Đồ hoạ: Đ.Chung

Dĩ nhiên là không nên tư duy theo kiểu: học phí của các trường ĐH công lập cần phải đủ thấp để mọi người nghèo đều có cơ hội học tập như nhau. Đó là câu chuyện của cảm xúc.

Ở đây tôi chỉ muốn chia sẻ một vài quan điểm mà có lẽ nhiều người đang quan tâm: Thế nào là tự chủ ĐH? Nó có mối liên quan thế nào đến vấn đề tài chính của các trường? Việc xây dựng mức học phí trong các trường ĐH công lập dựa trên nguyên tắc nào? Phải chăng các trường ĐH công được phép tự ý tăng học phí?...

Những ai quan tâm đến giáo dục hẳn đều biết, vào thập niên 90 của thế kỷ trước, Thái Lan bắt đầu thực hiện cơ chế tự chủ đại học. Trường đại học tự chủ ở Thái Lan vẫn là một cơ quan nhà nước được nhận khoản trợ cấp của quốc gia, được Bộ Giáo dục giám sát nhưng có một số quyền hành trong đó có quyền tự chủ tài chính.

Tuy nhiên mục tiêu mà Chính phủ Thái Lan hướng tới khi tổ chức các trường ĐH tự chủ là tăng chất lượng giáo dục (bao gồm tăng chi phí học tập) nhưng phải giảm học phí. Đó mới là mô hình giáo dục tự chủ bền vững và các trường ĐH muốn bền vững theo cách này đều phải sử dụng quyền tự chủ tài chính triệt để vào việc tăng nguồn thu xã hội nhiều nhất.

Còn ở Nhật Bản, sau khi thực hiện tự chủ, cơ cấu thu nhập của trường ĐH có sự thay đổi: Ngân sách hỗ trợ giảm nhẹ, tuy nhiên tổng nguồn thu của các trường vẫn tăng lên do nguồn thu khác, mà chủ yếu thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học.

Các trường ĐH tại Nhật Bản tự quyết định mức học phí, trên cơ sở mức học phí chuẩn của Chính phủ. Tuy nhiên, mức thu học phí của các trường ĐH tại Nhật Bản ít biến động sau khi thực hiện tự chủ. Lý do là khi một ĐH tăng học phí thì sẽ bị giảm hỗ trợ từ ngân sách cho kinh phí chi hoạt động thường xuyên. Do đó, các trường ĐH công lập đều giữ mức học phí theo mức chuẩn và không tăng thêm sau khi tự chủ.

Bài học rút ra từ kinh nghiệm của các nước nêu trên là tự chủ tài chính thường đi kèm với việc tiết giảm ngân sách, các trường phải bù đắp bằng việc lựa chọn tăng học phí và/hoặc tăng các khoản thu nhập khác. Tuy nhiên, để có thể phát triển bền vững, không làm giảm sinh viên thì giải pháp mở rộng các nguồn thu từ xã hội của trường ĐH (trong đó chủ yếu từ nghiên cứu khoa học) được chú trọng hơn cả.

Nhìn lại những động thái ban đầu trong tự chủ ĐH của một số trường ĐH công lập Việt Nam vừa qua, mà ĐH Y Dược TPHCM là một điển hình, thì thấy rằng dường như vừa được trao cơ chế tự chủ ĐH, các trường này đã vội vã tuỳ tiện tăng học phí như “đánh đố” người học, trong khi chưa trả lời được câu hỏi “Chất lượng giáo dục sau tự chủ có tăng cao tương xứng hay không?”, “Các trường sẽ tự chủ tài chính bằng những nguồn thu nào ngoài nguồn tăng học phí?”…

Ở đây tôi nói chữ “tuỳ tiện” vì hai lý do: Trường ĐH Y dược TPHCM đã tăng học phí cao hơn mức trần học phí ĐH được quy định hiện nay và không hề báo cáo cơ quan chủ quản là Bộ Y tế.

Cụ thể, mức học phí mà trường này đưa ra còn cao hơn cả mức trần học phí được quy định tại Nghị định 86/2015 đối với các trường tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên (áp dụng với khối ngành Y dược là 5.050.000 đồng/tháng/sinh viên).

Điều đáng nói, khi dư luận phản ánh việc tăng học phí “phi mã” của ĐH Y Dược TPHCM đến cơ quan chủ quản là Bộ Y tế thì đơn vị này cho biết chưa nhận được báo cáo của trường, đồng thời yêu cầu trường này phải giải trình. Đại diện ĐH Y Dược TPHCM cũng thừa nhận chưa báo cáo Bộ Y tế về việc tăng học phí, và rằng mức học phí này được xây dựng và thông qua bởi Hội đồng nhà trường, trên cơ sở tính toán chi phí đào tạo trên mỗi sinh viên, sau khi ngừng nhận ngân sách Nhà nước (từ tháng 1.2020).

Lại nói chuyện ngừng nhận ngân sách Nhà nước thì ở đây có một vấn đề cần làm rõ: Ngân sách Nhà nước (thông qua đại diện là Bộ Y tế) chủ động cắt “bầu sữa” bao cấp đối với ĐH Y Dược TPHCM hay là trường này chủ động ngừng nhận để được tự chủ tài chính, trong đó có tự chủ (hay nói cách khác là “tự tiện”) tăng học phí?

Thậm chí, không chỉ riêng ĐH Y Dược TPHCM mà theo lộ trình thì sau năm 2020, 100% các trường ĐH đều hoạt động tự chủ trên cơ sở ngừng nhận ngân sách Nhà nước.

Điều này khá là khó hiểu bởi vì theo tôi được biết, Luật Giáo dục đại học 2012 (sửa đổi năm 2018) không có dòng nào quy định tự chủ ĐH có nghĩa là cắt ngân sách chi cho giáo dục đối với các trường ĐH.

TS Đặng Quang Việt - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng từng khẳng định trên báo chí rằng, “… không phải giao tự chủ là Nhà nước sẽ bỏ rơi”, mà chỉ là thay đổi cách thức phân bổ ngân sách theo đơn đặt hàng.

…..

Xét đến cùng, tự chủ đại học thực chất bao gồm 3 vấn đề: Tự chủ về nhân sự, tự chủ học thuật và tự chủ tài chính. Trong đó, tự chủ tài chính không có nghĩa là tuỳ tiện tăng học phí mà nó bao gồm cả tự chủ chi phí lẫn giám sát tài chính. Nghĩa là, các trường chủ động xây dựng mức học phí (trong khuôn khổ pháp luật hiện hành) và chịu trách nhiệm giải trình trước cơ quan quản lý và người học.

Chính vì vậy, tự chủ đại học gắn với trách nhiệm giải trình trở thành một nội dung quan trọng của Luật sửa đổi một số điều của Luật Giáo dục đại học 2012 (ban hành 2018).

Lẽ đương nhiên, theo xu thế phát triển của xã hội hoá học tập thì học phí cần xây dựng trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo, nhưng cũng phải căn cứ trên mức sống và thu nhập của người dân chứ không phải các trường có quyền tuỳ tiện tăng học phí lên cao.

Nói cách khác, đảm bảo kinh phí đào tạo ĐH phải là trách nhiệm chung của cả Nhà nước, trường học và người học chứ không phải trách nhiệm riêng của người học thông qua công cụ học phí. Như thế mới có một nền giáo dục tốt đảm bảo 3 tiêu chí: Công bằng, hiệu quả và chất lượng.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

img