Lâu nay, chuyện người chuyển giới kết hôn không còn là vấn đề xa lạ, thế nhưng, việc người chuyển giới mang bầu, kết hôn lại hiếm thấy tại Việt Nam.
Mới đây, cặp đôi chuyển giới nổi tiếng nhất Việt Nam Minh Anh và Minh Khang đã đón nhận thành viên mới trong gia đình, cô con gái do chính người bố Minh Khang (SN 1996, Cần Thơ) từ nữ chuyển thành nam đã sinh ra vào tối ngày 16/5. Minh Khang cũng trở thành “người đàn ông” mang bầu đầu tiên ở Việt Nam. Còn người vợ Minh Anh thì chuyển giới từ nam thành nữ.
Minh Khang cho hay, từ khi cưới nhau năm 2017 cặp đôi luôn khát khao có tiếng trẻ thơ trong tổ ấm của chính mình. Vì thế, Minh Khang quyết định anh sẽ là người sinh con cho vợ. Nói về quá trình mang thai, Minh Khang cho biết, trước đó Minh Khang đã tiêm hormone nam giới được 2,5 năm, cơ thể đã có nhiều biến đổi còn Minh Anh tiêm hormone nữ được vài tháng. Hơn nữa, cả hai đều lo lắng vì đã từng trải qua quá trình phẫu thuật dùng nhiều thuốc gây tê, gây mê, kháng sinh.
Tuy nhiên, vì quá ao ước một thiên thần bé nhỏ nên Minh Khang quyết định dừng tiêm hormone để có kinh nguyệt trở lại, cộng với việc ăn uống bồi bổ, học các kiến thức về sức khỏe sinh sản nên sau 3 tháng, Minh Khang có thai, trở thành “người đàn ông” đầu tiên ở Việt Nam mang bầu.
“Khi phát hiện ra có bầu chồng tôi không dám nói với gia đình vì bác sĩ khoa sản có chia sẻ sẽ rất khó giữ con vì chúng tôi đã làm phẫu thuật và dùng nhiều loại thuốc vì thế cần phải theo dõi thật kỹ, đi khám thường xuyên”, Minh Anh tâm sự.
Niềm vui có thai nhưng xen lẫn sự lo lắng sẽ không có chuyện “bố tròn con vuông” khiến cặp đôi mất ăn mất ngủ và nghĩ ra rất nhiều kế hoạch để giữ thai như quyết định ngủ riêng, 2 tuần đi khám bác sĩ một lần... cho đến đúng ngày sinh nở. Và sau 9 tháng họ đã có trái ngọt khi Minh Khang có thể sinh thường tại bệnh viện, một bé gái nặng 2,3kg khỏe mạnh ra đời.
“Dù nguy hiểm nhưng chồng tôi vẫn quyết định sinh thường, anh ấy dặn khi nào khó khăn quá mới quyết định sinh mổ. Chồng tôi đã vượt cạn thành công và đó là giây phút đáng nhớ nhất đối với chúng tôi. Chúng tôi đã khóc cạn nước mắt khi nhìn thấy con, đây là món quà quý giá mà ông trời ban tặng, không gì có thể đánh đổi được”, vợ Minh Anh bày tỏ.
Câu chuyện tưởng rằng chỉ hi hữu ở Việt Nam khi có đàn ông mang bầu, nhưng trên thế giới, cũng không ít “người đàn ông mang bầu”. Trường hợp đáng chú ý nhất vào năm 2008, Thomas Beatie (sinh năm 1974, sống tại thành phố Phoenix, bang Arizona, Mỹ) trở thành hiện tượng toàn cầu khi trở thành người đàn ông đầu tiên mang bầu.
Thomas Beatie chuyển giới từ nữ thành nam, tuy nhiên anh vẫn giữ lại bộ phận sinh dục nữ và tử cung nên khi vợ anh được chẩn đoán vô sinh anh đã mang thai thay vợ. Thomas Beatie đã mang thai nhiều lần và sinh ra những người con khỏe mạnh, đáng yêu.
Sau khi chuyện về “người đàn ông đầu tiên” ở Việt Nam mang thai và sinh con được lan truyền khắp nơi, không ít người đã đặt ra câu hỏi vậy người chuyển giới có dễ dàng sinh con và để sinh con họ sẽ phải trải qua những giai đoạn như thế nào? Để trả lời câu hỏi này, PV đã có cuộc trò chuyện với bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung (bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp).
Bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung cho hay: “Trước hết chúng ta có thể hiểu, với những người chuyển giới nếu như không trải qua phẫu thuật chuyển đổi giới tínhsẽ không ảnh hưởng mấy đến vấn đề sinh sản. Nhưng, điều đó cũng tùy thuộc vào từng trường hợp khác nhau. Đối với cặp đôi chuyển giới vừa sinh con Minh Anh – Minh Khang do độ tuổi của họ còn rất trẻ, mới ngoài 20 nên đang trong lứa tuổi sinh sản tốt. Khi họ tiêm hormone chuyển giới nhưng biết thời gian dừng lại thì buồng trứng sẽ phục hồi rất nhanh và có thể mang thai như ý muốn”.
Cũng theo bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, đối với những người chuyển giới từ nữ thành nam, đồng nghĩa với việc họ phải mất một thời kỳ để tiêm hormone chuyển giới của nam để tăng cơ bắp và ức chế nội tiết tố nữ đi. Khi tiêm như vậy họ phải chấp nhận làm cho buồng trứng bị suy giảm đi rất nhiều. Từ việc tiêm hormone, phẫu thuật... nếu muốn sinh con họ phải dừng thuốc một thời gian, khi thuốc trong cơ thể giảm đi, buồng trứng phục hồi thì họ mới có thể mang thai được.
Nhưng với những người sử dụng hormone quá lâu sẽ ức gây ức chế và không thể trở lại bình thường được, đó là yếu tố đáng ngại nhất đối với người chuyển giới muốn sinh con.
Còn với nam giới chuyển thành nữ, việc tái xuất tinh trùng sẽ phức tạp hơn nên phải mất thời gian lâu hơn để tinh trùng được sản xuất trở lại. Cũng có thể, vì dùng quá nhiều thuốc mà không sản xuất tinh trùng được nữa.
Vì thế, khi người chuyển giới muốn có con cần nắm rõ các thông tin về nhiều phương pháp. Hơn nữa, người chuyển giới cần biết thời điểm dừng thuốc thì có thể phục hồi buồn trứng, quá trình mang thai lại phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố thì đứa bé mới có thể ra đời- Bác sĩ Kim Dung cho biết.
M.T