Chỉ vì tiện sang đường, người ta bất chấp pháp luật gỡ bỏ tấm lưới chống lóa ở dải phân cách. Nhưng, chữ Tiện của người Việt còn nhiều dẫn chứng hơn thế…
Hơn 300 tấm lưới chống lóa trên dải phân cách quốc lộ 18A, đoạn đường dài gần 40km từ Hạ Long đi Cẩm Phả, đã bị người dân tháo dỡ để làm lối sang đường. Câu chuyện thật như đùa này đã diễn ra và không phải là cá biệt.
Dải phân cách được lập ra để phân làn, giúp giao thông an toàn hơn, đặc biệt ở các tuyến đường quốc lộ giao thông đông đúc và nhiều xe tải trọng lớn, tốc độ cao. Dải phân cách giúp hạn chế người và phương tiện cắt ngang qua đường, giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông. Nhưng chỉ vì tiện, không ít nơi người dân làm sai lệch hiện trạng dải phân cách như: Dịch chuyển các khối bê tông để tạo khoảng trống cho xe máy lách qua; kê gạch sát các dải phân cách, rồi phát cây cho quang để mở lối tắt. Thế nên, chuyện gỡ tấm lưới chống lóa để dễ bề trèo qua cũng không có gì đáng ngạc nhiên.
Những người gỡ tấm lưới chống lóa trên dải phân cách ấy có thể biết mình đã vi phạm pháp luật. Nhưng hẳn là họ nghĩ, đang làm một việc đúng cho bản thân và nhiều người khác. Tấm lưới rõ ràng gây ra sự bất tiện trong sinh hoạt thường ngày của người dân hai bên đường. Trước đó, họ chỉ cần “vắt chân” là sang được đường… giờ đây phải đi vòng, có khi dài tới cả vài trăm mét. Rõ ràng không tiện!
Thế là, để tiết kiệm đôi ba phút, người ta chọn “đi tắt” và “đón đầu”. Một người đi xe máy có thể vì sự xuất hiện bất thình lình của họ mà mất tính mạng. Một tài xế ô tô có thể vì sự tiện lợi của họ mà rơi vào cảnh tù tội, tiền mất tật mang. Vì chữ tiện ấy mà họ chẳng màng đến an nguy của bản thân, của người khác. Giả dụ có chuyện không may xảy ra, lỗi chắc chắn nằm ở… số mệnh. Vậy là họ cứ vô tư phá hoại của công để tiện!
Có thể với ai đó, tháo một vài tầm chống lóa có gì mà là to chuyện? Không! Chuyện không hề nhỏ. Họ đang sống cuộc đời vô nhiệm. Họ hoài phí món quà cuộc sống được trao. Họ hoài phí công sức, tiền bạc dưỡng dục của mẹ cha. Họ vô trách nhiệm với vợ/chồng, khi bỏ lại gánh nặng mưu sinh. Họ không xứng đáng là cha, là mẹ khi bỏ rơi những đứa trẻ, để chúng tự đối mặt với cuộc sống khắc nghiệt. Và, hơn cả, họ hại những người “vô tội”. Vì chữ tiện, họ vô thức trở thành kẻ ác tâm. Hệ lụy để lại đâu có nhỏ… Thế nên, đừng nói là chuyện nhỏ. Đây là chuyện lớn, để hệ lụy lớn.
Một bộ phận người Việt vẫn có thói xấu hay vì cái lợi của bản thân mà gây ra bất lợi cho người khác, vì sự tiện của bản thân mà chẳng quan tâm sự bất tiện của người khác. Kết quả là, không chỉ người vô tội bị tai bay vạ gió mà chính họ phải gánh chịu hệ lụy khôn lường cho cái thói nghĩ ngắn, khôn vặt, chỉ rắp ranh “đi tắt” “đón đầu” của mình.
Đâu chỉ là chuyện nhanh 1 phút chậm 1 đời trên những cung đường. Trong học tập cũng vậy, trong làm việc cũng vậy, trong nuôi dạy con cái cũng vậy. Tồn tại thứ tư duy “Thánh Gióng”, làm sao chỉ vươn vai 1 cái là từ cậu bé 3 tuổi thành tráng sĩ, không phải nhọc công chăm bón, không phải đổ mồ hôi sôi nước mắt, không cần mài sắt nên kim. Cọng rau trồng 1 tháng đã thu hái. Lợn nuôi 3 tháng là xuất chuồng. Học sinh chưa vào tiểu học đã biết đọc. Người lớn chưa chuẩn bị tri thức, tâm lý đã lấy vợ lấy chồng sinh con đẻ cái. Thanh niên thích tham gia hoạt động đa cấp để giàu nhanh mà không phải bôn ba bươn trải. Phụ nữ uống thuốc, hút mỡ để giảm cân cho chóng thay vì luyện tập, ăn kiêng. Xã hội cứ thế, lớp nọ gối lớp kia, thế hệ nọ gối thế hệ kia mất dần tính nhẫn nại, không chấp nhận vất vả, coi thường khổ luyện, ích kỷ bo bo cho bản thân nên thiếu trách nhiệm với cộng đồng, ngại đường dài nên chẳng thể đi xa, quanh quẩn mãi trong đáy giếng, ao làng.
Nhưng cũng phải thôi. Đến vài trăm mét đi bộ tới lối sang đường mà họ còn lười nhấc chân, thì cả cuộc đời chẳng thể đi xa hơn cái đoạn đường cắt ngang dải phân cách, vắt từ bên này sang bên kia. *Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.