Chiếc tủ lạnh trên đường phố New York và ATM gạo ở Hà Nội giúp chúng ta nhận ra tình người chưa bao giờ phai mờ trong những giờ phút khó khăn nhất.
Trên vỉa hè khu phố Bronx, có một chiếc tủ lạnh nằm trơ trọi như thể ai đó vứt đi không còn dùng đến. Nhưng với nhiều người sống dân tại đây, đó là chiếc tủ lạnh “thần kỳ”, bên trong chứa đầy thực phẩm tươi ngon mà bất cứ ai cũng có thể đến lấy về chế biến những món ăn đầy đủ dinh dưỡng cho gia đình.
Có 14 tủ lạnh thân thiện như vậy được đặt trên khắp đường phố New York từ tháng 2 cho đến nay. Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Mỹ, nhiều người lâm vào cảnh khốn khó vì thất nghiệp. Họ thiếu thốn thực phẩm nhưng không thể xin trợ giúp từ bất kỳ ai. Những chiếc tủ với dòng chữ "thực phẩm miễn phí" xuất hiện như một người bạn thân tình, chào đón mọi người đến lấy mà không cần phải đánh đổi điều kiện gì.
Phong trào tủ lạnh thân thiện do Thadeaus Umpster từ nhóm tình nguyện Our Hearts NYC khởi xướng, tạo tiếng vang trên mạng xã hội và thu hút nhiều người cùng tham gia. Không chỉ có những người tới lấy, nhiều cá nhân và cửa hàng địa phương còn quyên góp thêm đồ cho các tủ lạnh thân thiện, từ bánh mì kẹp, đồ hộp tới rau củ quả tươi.
Ngoài mục đích giúp đỡ những người cần thực phẩm, tủ lạnh thân thiện còn giúp giảm tình trạng lãng phí thức ăn từ các cửa hàng. Bộ Nông nghiệp Mỹ ước tính khoảng 30% thực phẩm ở nước này bị vứt đi. Tỷ lệ đó hoàn toàn có thể được chuyển đổi thành những mặt hàng cho người nghèo, người vô gia cư.
Thậm chí, ngay cả trước khi Covid-19 hoành hành, có 1,2 triệu người - tương đương 14,4% - dân số thành phố không thể xoay sở đủ các bữa ăn hàng ngày, theo ngân hàng Thực phẩm New York ước tính. Một trong những thành viên phong trào cho biết, những người tham gia muốn lan tỏa ý nghĩa của dự án để mọi người có thói quen trao đi, bởi một chút thực phẩm thừa của bạn có thể trở thành bữa tối no bụng của ai đó.
Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. Trước đó vào tháng 6, Mỹ đã cho mở cửa nhiều khu vực trên cả nước nhưng tình hình dịch chuyển biến tiêu cực buộc chính quyền nhiều bang phải ngừng triển khai các kế hoạch mở cửa nền kinh tế.
Với diễn biến khó khăn như vậy, những chương trình ý nghĩa như tủ lạnh thân thiện đã phần nào mang lại cảm giác ấm áp cho người dân nước Mỹ, đặc biệt khi cuộc chiến chống dịch bệnh sẽ không thể kết thúc trong một sớm một chiều.
May mắn hơn quốc gia ở bên kia bờ đại dương, Việt Nam cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh, đảm bảo nền kinh tế tiếp tục vận động, cuộc sống người dân cơ bản trở về với nhịp sống bình thường.
Nhưng cũng trong khoảng thời gian khó khăn cách đây vài tháng, những chương trình chứa chan tình người như ATM gạo của Việt Nam cũng đã gây tiếng vang trên thế giới, thu hút sự quan tâm của nhiều tờ báo, hãng thông tấn quốc tế.
Cụm từ “Rice ATM” (ATM gạo) xuất hiện trên tiêu đề các bài viết đăng trên các tờ báo, hãng thông tấn quốc tế như Reuters, CNN, NHK, EFE… lan tỏa những thông điệp yêu thương của con người Việt Nam vốn giàu lòng nhân ái.
“Việt Nam không phải đất nước phát triển nhất thế giới nhưng chắc chắn là một trong những quốc gia tử tế nhất”, đã có những độc giả người nước ngoài cảm thán như vậy về những cây ATM gạo giúp những hoàn cảnh khó khăn có lương thực cứu trợ trong mùa dịch.
Điều đặc biệt hơn, sự tương thân tương ái này không phải theo chỉ đạo của bất cứ cơ quan nhà nước nào mà xuất phát từ tấm lòng của các cá nhân. Câu chuyện về những cây ATM gạo ở Việt Nam có thể đã tiếp thêm sức mạnh cho những người bạn phương xa đang chống chọi trong cuộc chiến không cân sức với dịch bệnh.
Ngoài ATM gạo, trên đường phố Việt Nam cũng không thiếu những điểm phân phát đồ dùng, thực phẩm miễn phí vời lời mời gọi thân tình: “Nếu khó khăn cứ lấy một phần”. Không chỉ là trong mùa Covid-19, những địa điểm đó luôn túc trực trong bất cứ thời điểm nào, khi những người thiếu thốn cần một tấm lòng thơm thảo giữa cuộc đời.
Tủ lạnh thân thiện ở nước Mỹ hay ATM gạo ở Việt Nam cho thấy, trong những giờ phút khó khăn nhất, ánh sáng của hy vọng chưa bao giờ bị dập tắt. Tình người luôn hiện hữu ở bất cứ nơi đâu và tử tế chính là sự cho đi.
* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.