Nếu Yeah1 - một thương hiệu Việt phát triển từ con số 0 còn chẳng nhận được sự chia sẻ, đồng cảm của người Việt, để rồi phải quy phục trước các hãng công nghệ phương Tây và thất bại ngay trên sân nhà, thì những start-up sau này liệu còn cơ hội nào với tham vọng vươn mình ra tầm thế giới?
Đầu giờ phiên giao dịch ngày 12/3, cổ phiếu YEG của CTCP Tập đoàn Yeah1 tiếp tục giảm kịch sàn xuống mức 147.600 đồng/ CP và tái diễn tình trạng bán tháo, trắng bên mua. Đây đã là phiên nằm "sàn" thứ 7 liên tiếp của mã công nghệ này, cuốn bay 43% giá trị vốn hoá, tương đương hơn 3.000 tỷ đồng.
Giá cổ phiếu YEG bắt đầu lao dốc từ đầu tuần trước, với thông tin bị YouTube cắt thoả thuận lưu trữ nội dung. Chỉ số chứng khoán giảm mạnh phản ánh góc nhìn quan ngại của nhà đầu tư đối với Yeah1.
Khoảng hai năm trở lại, YouTube là mảng kinh doanh gắn liền với danh tiếng của Yeah1. Tập đoàn của Chủ tịch Nguyễn Ảnh Nhượng Tống hiện đang quản lý cho hơn 3.400 kênh nội dung, tạo ra 94 tỷ lượt view trong năm 2018. Trung bình có 400 giờ nội dung được bổ sung mỗi ngày.
Do vậy, nguy cơ bị YouTube dừng hợp tác đã tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư. Tâm lý này chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi hàng loạt thông tin bất lợi đến từ các quỹ đầu tư, các công ty chứng khoán và những "tay chơi" chứng khoán phân tích thì ít, la ó thì nhiều về thực trạng kinh doanh của Yeah1 với gam màu tối.
Thực tế, thiệt hại của Yeah1 ra sao, nếu trong trường hợp bất lợi nhất là không đạt được thoả thuận với YouTube?
Đối với nhà đầu tư, để đánh giá tác động của một sự việc cần hiểu rõ bản chất sự việc đó, đồng thời đặt trong bối cảnh chung của cả doanh nghiệp, thậm chí cả ngành kinh doanh.
Mảng YouTube đang muốn "nghỉ chơi" với Yeah1 là YouTube Adsense, hiểu nôm na là Yeah1 là trung gian quảng cáo, thông qua các MCN để quản lý các kênh nội dung có lượng theo dõi, lượt xem cao, và ăn hoa hồng từ YouTube. Phần lớn các kênh nội dung vẫn lượt xem của Yeah1 là thông qua các MCN. Tuy nhiên mảng này có yếu điểm là biên lợi nhuận thấp (5%), trong khi rủi ro cao khi không thể kiểm duyệt được toàn bộ các kênh nội dung.
Hiện vẫn chưa có kết quả đàm phán cuối cùng, tuy nhiên trong trường hợp YouTube quyết định chấm dứt hợp tác mảng Adsense với Yeah1, thì hãy nhìn vào những mảng kinh doanh còn lại để đánh giá tác động của quyết định này.
Về YouTube, một mảng kinh doanh quan trọng khác của Yeah1 là phát triển các kênh nội dung của riêng mình. Dù tiêu tốn thời gian và nhân lực hơn, song đây mới là "miếng bánh" mà Yeah1 đang nhắm tới bởi hoàn toàn có thể kiểm duyệt được và biên lợi nhuận lên tới 50%.
Trong Bản cáo bạch niêm yết năm 2018, đối với mảng kinh doanh phi truyền thống, Yeah1 cho biết đang từng bước giảm phụ thuộc vào mảng Adsense, không những của YouTube mà cả của Google và Facebook. Đổi lại, họ sẽ tự phát triển các kênh/website/page của riêng mình. Đó mới là nền tảng cho sự phát triển bền vững của Yeah1.
Với mảng truyền thống, Yeah1 vẫn còn đó kênh truyền hình, môi giới quảng cáo truyền hình và làm phim - là những lĩnh vực đều đặn mang về "tiền tươi" hằng năm.
Mảng YouTube Adsense, theo số liệu từ Yeah1, chỉ mang về 1 triệu USD, tương đương 13% lợi nhuận cả tập đoàn trong năm ngoái. Nếu bị YouTube dừng hợp tác, đây rõ ràng là tổn thất rất lớn, tuy nhiên những mảng miếng còn lại là đủ để Yeah1 phân tán rủi ro.
Nhìn ở góc độ tích cực, lượng nhân sự ở mảng YouTube Adsense sẽ được chuyển sang phát triển các lĩnh vực mang tính nền tảng hơn như đã đề cập ở trên. Kết quả kinh doanh của Yeah1 theo đó có thể đi xuống trong ngắn hạn, song sẽ nhanh chóng phục hồi.
Với công chúng, khủng hoảng của Yeah1 được nhiều đối tượng "bồi" các thông tin tự "vẽ" ra viễn cảnh kinh doanh u ám của doanh nghiệp này, dù phần nhiều trong số đó là phán đoán, thậm chí suy diễn, chưa có được những đánh giá thực sự sâu sắc; rồi Yeah1 kiếm tiền trên nội dung xấu, nhảm ra sao.
Lùm xùm Yeah1 - YouTube thời gian qua là chưa có tiền lệ, bởi doanh nghiệp của ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống là người đi tiên phong. Thời gian tới, khi nhiều start-up công nghệ tương tự mọc lên, một bài toán khó là họ sẽ đứng ở vị thế nào nếu phải đối đầu với những gã khổng lồ như YouTube, Google hay Facebook?
Điều đáng chú ý, YouTube thông báo chấm dứt thoả thuận lưu trữ nội dung với Spring Me Pte. Ltd. – một doanh nghiệp có trụ sở tại Thái Lan do Yeah1 sở hữu gián tiếp chưa tới 17% cổ phần từ năm 2018 - tức đây chỉ là một khoản đầu tư dài hạn, chưa đủ thành công ty liên doanh - liên kết (mức chi phối từ 25% trở lên). Nguyên nhân vì Spring Me có hoạt động tuyển chọn kênh chưa phù hợp với quy trình của YouTube. Điều này dẫn tới việc YouTube áp dụng "luật chơi của mình" với tất cả các công ty khác liên quan tới YouTube Adsense trực thuộc Tập đoàn Yeah1.
Nếu Yeah1 - một thương hiệu Việt phát triển từ con số 0 còn chẳng nhận được sự chia sẻ, đồng cảm của người Việt, để rồi phải quy phục trước các hãng công nghệ phương Tây và thất bại ngay trên sân nhà, thì những start-up sau này liệu còn cơ hội nào với tham vọng vươn mình ra tầm thế giới?