img

Từ nỗi ám ảnh bị gọi là “quái thai” đến nghị lực phi thường của cô gái nặng 12kg

Mai Thu

Trong 32 năm, chị Hòa thu mình ở căn phòng chật hẹp, không giao tiếp bên ngoài và làm bạn với chú mèo. Những lời dè bỉu, xì xào về ngoại hình khác biệt khiến chị buồn, chị đau và sợ mọi người. Nhưng, khi phải đối diện với tận cùng của sự khổ đau vì mất mát, chị đã tìm được ánh sáng và chọn cho mình lối đi riêng. Sau tất cả, chị trở thành bông hoa mọc từ sỏi đá, vươn lên giữa cuộc sống khắc nghiệt.

32 năm giam mình trong câm lặng

Người viết đã không ít lần gặp gỡ và trò chuyện với những mảnh đời, số phận bất hạnh hay những người phụ nữ khuyết tật với nghị lực sống phi thường. Nhưng có lẽ, câu chuyện về chị Nguyễn Thị Hòa nặng 12kg và cao 70cm (SN 1980, tại xã Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) là nhân vật để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu sắc.

“Đầu chị to tại người chị nhỏ, nhưng chị thông minh cực”, đó là cách chị bắt đầu cuộc trò chuyện với tôi một cách đầy tự tin. Với sự dí dỏm ấy, chị đưa tôi vào câu chuyện của mình. Căn phòng nhỏ trở thành không gian đầy ắp kỷ niệm. Chị kể, đã nhiều lần hỏi bố mẹ, “tại sao con lại như thế? sao con không được đến trường, không đi lại được như các bạn?”. Đáp lại câu hỏi ấy chỉ là những cái lắc đầu và sự im lặng đến đáng sợ.

Sự khác biệt khiến chị chìm trong nỗi buồn, tủi hổ và thu mình lại. Chị sống tách biệt với thế giới bên ngoài. Thấy nhà có khách, chị lăn vào gầm giường hoặc cuộn tròn trong chăn không để ai tìm thấy. Những ánh mắt tò mò, những lời xì xào khiến chị sợ. Thế giới bên ngoài dường như quá khắc nghiệt và chị chọn cách tránh xa để “an toàn”.

img

Chị Hoà mạnh mẽ, kiên cường vượt qua số phận.

“32 năm, tôi tự giam mình, nhưng cũng thật may mắn khi có bà nội bên cạnh. Bà hy sinh mọi thứ vì tôi. Người tôi nhỏ bé, mềm như sợi bún và phải chống chọi với nhiều loại bệnh hiểm nghèo. Người ta xì xào, bàn tán về tôi. Họ nói, tôi là “quái thai”,“đồ bỏ đi”. Tôi buồn, tôi đau và đã khóc không biết bao lần khi nghe như thế. Tôi không được lựa chọn cơ thể cho mình, nhưng tôi cũng giống như bất cứ ai, biết vui, biết buồn và biết đau khi người khác xì xào về mình”, chị Hòa chia sẻ.

Với chị Hòa, bà nội là cả thế giới. Bà là tay, là chân, là thế giới tri thức và là nguồn sống của chị. Tình yêu của bà đã giúp chị Hòa vượt qua nỗi buồn về vẻ ngoài khác biệt và những lời ác tâm từ những người xung quanh. Chính vì vậy, chị rất sốc, đau khổ tột cùng khi bà qua đời. Chị như hóa điên hóa dại, suốt ngày tha thẩn gọi tên bà. Nhưng, ông trời chẳng tiệt đường sống của ai.

“Đúng lúc tôi quẫn trí, đau khổ nhất, một bác thương binh đã nói, “bà qua đời rồi, từ nay phải tự lực, cơ thể không lành lặn nhưng cái đầu phải thật lý trí”. Nhìn bác, tôi tự nhìn lại bản thân và tự thấy mình thật kém cỏi. Bác mất cả 2 chân nhưng nỗi buồn dường như không vương trên gương mặt. Đôi mắt của bác chẳng chút u sầu mà ánh lên niềm tin. Nhìn người đàn ông nghị lực ấy, tôi biết mình phải kiên cường hơn.

Bác cho tôi một quyển thơ ngụ ngôn Việt Nam và tôi đã đọc nó ngấu nghiến. Sau cuốn thơ ấy, tôi mượn thêm rất nhiều sách để đọc. Tôi nhờ các em mua hộ sách, vở, bút để tự học viết chữ. “Có công mài sắt có ngày nên kim”, từ chỗ không biết gì, tôi đã học viết, học được máy tính và giờ, tôi thành thạo hơn nhiều người khác”, chị Hòa kể.

Bông hoa mọc từ sỏi đá

Sau những ngày sống trong “bóng tối”, chị Hòa bước ra thế giới, hướng ánh mắt về phía trước với suy nghĩ: Tương lai đang rộng mở đối với chị. Chị không ngại giao tiếp với mọi người xung quanh, chị tự tin hơn khi kể về cuộc đời cũng như số phận của chính mình.

Phá bỏ lớp vỏ tự ti, chị bước vào cuộc sống với công việc kinh doanh online. Chị tự mày mò cách làm hoa giấy, các món đồ lưu niệm xinh xắn và các sản phẩm từ đôi bàn tay nhỏ nhắn của chị được nhiều người yêu thích. Sau khi tạo được thương hiệu riêng, chị muốn giúp đỡ những người có cùng hoàn cảnh như mình. Thời điểm lăn lộn với giấc mơ giúp đỡ người khác, chị phải đón nhận sự ái ngại của những người xung quanh. Nhưng, giờ đây, những nghi ngại, sự xì xào từ không thể khiến chị chùn bước.

“Tôi muốn lập ra nhóm khuyết tật làm hoa giấy để không lãng phí thời gian và cho mọi người thấy, tàn nhưng không phế. Sự kiên trì của tôi đã thành công. Hiện giờ, tôi giúp đỡ được nhiều bạn có chung hoàn cảnh. Hơn nữa, tôi đã mở được triển lãm về những sản phẩm đầu tiên dưới sự hỗ trợ của nhiều nhà hảo tâm”, chị Hòa bày tỏ.

img

Chị Hòa đã vươn mình đứng dậy sau nhiều năm sống trong bóng tối.

Đam mê làm hoa giấy đã mở ra cho chị Hòa một thế giới đầy màu sắc. Chị đã có thể nuôi sống bản thân, giúp đỡ được người khác và giờ đây, giống như bao người phụ nữ khác, chị khao khát được yêu. “Tôi luôn mơ ước có một người đàn ông hiểu được hoàn cảnh, những tâm tư tình cảm của tôi. Sự yêu thương đến từ trái tim chứ không phải hình dáng bên ngoài. Nếu tình yêu đủ lớn mọi định kiến sẽ được vượt qua. Ai cũng có quyền tìm một nửa của cuộc đời họ, tôi cũng vậy”, chị Hòa bộc bạch.

Cuộc sống phải có mơ ước, có tình yêu mới thú vị. Tất cả những người khuyết tật hãy mạnh dạn bày tỏ nguyện vọng và tự khẳng định bản thân. Hãy như bông hoa mọc từ sỏi đá, vươn lên giữa thời tiết khắc nghiệt.

Trao đổi với PV về hoàn cảnh cũng như nghị lực sống của chị Nguyễn Thị Hòa, đại diện hội Phụ nữ xã Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy cho biết: “Chị Hòa là một tấm gương biết vươn lên mặc dù hoàn cảnh khá đặc biệt. Hội Phụ nữ xã cũng có thăm hỏi và động viên chị. Chị Hòa đã viết tiếp giấc mơ của cô gái khuyết tật và giúp đỡ được nhiều người cùng số phận”.

M.T

img