Vừa qua, những hình ảnh hàng trăm, hàng nghìn người đổ về bãi biển Nha Trang để tắm biển, vui chơi, trong đó, nhiều người không mang khẩu trang khiến cả cộng đồng phải hoang mang đến giật mình, vì sự hồn nhiên được ví như “điếc không sợ súng” này.
Cụ thể, trong vài ngày qua, bãi biển Nha Trang vẫn đông nghịt người tắm, tập thể dục, đá bóng, chạy bộ..., trong đó có không ít trẻ em, nhiều người không mang khẩu trang, mặc dù chính quyền địa phương đã khuyến cáo không tập trung đông người để phòng chống dịch Covid-19.
Thậm chí, khi được hỏi, có những người dân còn bày tỏ: “Tranh thủ lúc chưa cấm tắm biển, tôi đưa vợ con ra đây hóng mát, chứ ở nhà mãi chúng chán”.
Quán xá dọc bãi biển đã ngừng hoạt động, song, nhiều người bán hàng rong như mực nướng, bánh tráng, dừa... vẫn mời chào khách. Một số bãi giữ xe khách tắm biển vẫn mở cửa, lấy với giá 5.000 đồng/lượt.
Trong khi đó, hệ thống loa phát thanh liên tục thông báo “khuyến cáo không tập trung để phòng chống Covid-19”, nhưng người dân dường như vẫn bất chấp.
Nhìn những hình ảnh đầy bức xúc này lan truyền trên mạng xã hội, nhiều người cũng tiết lộ, thực trạng đáng trách kia vẫn còn xuất hiện ở một số nơi khác: “Tôi ở Long Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu), người dân địa phương vẫn tắm vào sáng sớm vì cho rằng sẽ tăng cường được sức khỏe trong mùa dịch”; hay “Bãi tắm Đồi Dương (Phan Thiết, Bình Thuận) sáng chiều ngày nào cũng đông người tắm biển, thả diều”...
Thật đáng trách!
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị người dân ở nhà, không ra đường nếu không có việc thật sự cần thiết, thực hiện nghiêm túc việc không tập trung trên 20 người.
Tuy nhiên, có lẽ, với một bộ phận những con người đang “điếc không sợ súng” kia, họ cố thể hiện mình theo một trạng thái hồn nhiên đáng trách.
Giữa lúc Chính phủ, các cơ quan ban, ngành, đoàn thể đang quyết liệt chống dịch, dập dịch, trong khi biết bao giọt mồ hôi thấm đẫm lưng áo, biết bao giọt nước mắt cay sè nơi khóe mắt của các chiến sĩ, các nhân viên y tế nơi tuyến đầu nóng bỏng; có những cá nhân thực sự ích kỷ “gắn mác” hồn nhiên, đang phá vỡ mọi nỗ lực của cả cộng đồng.
Nhìn lại bài học lớn từ nước Mỹ, chỉ cách đây chưa đầy nửa tháng, khi truyền thông đăng tải những bức ảnh chụp các bãi biển ở bang Florida đông nghẹt người, bất chấp trung tâm Phòng chống và Ngăn ngừa Bệnh dịch Mỹ phát đi khuyến cáo tránh tụ tập đông người giữa mùa dịch Covid-19, chưa ai nghĩ đến hậu quả phía sau.
Nhưng tính đến sáng nay (ngày 31/3), Mỹ đang là nước dẫn đầu thế giới với 163.479 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, tăng 19.988 ca so với một ngày trước, trong đó 3.148 ca tử vong, tăng 565 ca.
Hoặc ở Anh, khi nhiều người dân bất chấp lệnh phong tỏa toàn quốc được Thủ tướng ban hành để ra ngoài, thậm chí, đi du lịch, tham quan giữa nhiều nguy cơ dịch bệnh. Và theo CNN, số liệu chính thức được công bố ngày 30/3 cho thấy, ở Anh có tổng cộng 22.141 ca nhiễm, trong đó 1.408 người đã tử vong.
Đó thực sự là những con số “biết nói”, nếu như bạn quan tâm đến tình hình dịch bệnh đang diễn biến vô cùng phức tạp hiện nay.
Chẳng lẽ, những con người đang thoải mái thả mình thư giãn trên các bãi biển kia cho rằng, “dịch bệnh có thể ở bất cứ đâu, chứ không ở đây; dịch bệnh có thể lây nhiễm với bất cứ ai, chứ không phải mình”?! Đó chắc chắn là sự chủ quan “khinh dịch” đến đáng sợ: “Chắc Covid-19 chừa mình ra”...
Hoặc, phần ích kỷ trong họ cho rằng, công tác chống dịch là nhiệm vụ của Chính phủ, nhiệm vụ của những người trực chiến nơi tuyến đầu nguy hiểm chăng? Một bộ phận người dân đang thể hiện mình thiếu ý thức, vô trách nhiệm, thậm chí, tư duy “chậm tiến” đang kéo lùi lại sự cố gắng, nỗ lực của cả một cộng đồng.
Chính ý thức phòng dịch kém, sự ích kỷ khiến họ chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân, của gia đình mình chứ không chịu để tâm đến cộng đồng. Họ biết bản thân và gia đình có thể bức bối vì “sắp tới cấm tắm biển sẽ không còn được thư giãn”, vậy còn hàng triệu người dân Việt Nam khác đang tuân thủ, ở nhà phòng dịch thì sao? Họ cũng đâu có thoải mái gì, nhưng họ chấp nhận để có một tương lai tốt nhất cho cả cộng đồng.
Một lần nữa, cũng cần nhìn lại trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương, khi chỉ khuyến cáo mà chưa đưa ra lệnh cấm triệt để, đó có thể coi là “câu chuyện nhân văn dư thừa” trước bối cảnh này. Cần có những biện pháp cứng rắn hơn, quyết liệt hơn, thay vì chỉ phát loa tuyên truyền, cần nhanh chóng thiết lập rào chắn, nếu người dân vẫn tiếp tục tụ tập, hãy xử phạt để có thể thực hiện nghiêm túc, nhất là trong giai đoạn nhạy cảm này.
Tôi đọc được, một vị lãnh đạo địa phương tại Khánh Hòa còn cho rằng, bờ biển là nơi người dân tận hưởng sự ưu ái của thiên nhiên kết hợp chữa bệnh. Hơn nữa bờ biển từ đường Trần Phú kéo đến Phạm Văn Đồng dài hơn 10 km, nếu cứ hạn chế trong nhà mà không thể dục thì cũng sinh bệnh. Do vậy, chính quyền thành phố đang bàn bạc lại việc này. Thậm chí, vị lãnh đạo cũng dẫn chứng, sau ca khỏi bệnh và xuất viện hôm 4/2, đến nay Khánh Hòa chưa ghi nhận thêm trường hợp dương tính nào.
Đó thực sự là sự nhân nhượng sai lầm! Chẳng có cơ sở khoa học nào đảm bảo cho việc địa phương này đã được “miễn dịch” với Covid-19. Hành động vô tình “mắt nhắm mắt mở” của những người làm lãnh đạo, có thể sẽ dẫn đến những sai lầm vô cùng nghiêm trọng, nếu không thay đổi ngay lúc này.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả