Tự tay xé bỏ nhân cách khi “ăn mừng” sau mỗi kỳ thi

Kỳ thi kết thúc cũng là lúc các sĩ tử tạm thời được nghỉ ngơi sau những chuỗi ngày ôn thi căng thẳng. Nhiều thí sinh chọn những cách “xả hơi” khác nhau, nhưng cũng có những hình ảnh xấu xí, những cách “ăn mừng” đầy phản cảm khiến dư luận ái ngại.

img
img

Vứt sách ngay tại điểm thi, cố tình “bỏ quên” những cuốn sách giữa đường, hay đốt sách vở và thậm chí… quay clip rồi tung lên mạng xã hội để “khoe chiến tích” như một cách “ăn mừng” đầy thiển cận của một bộ phận học sinh hiện nay.

Có thể hiểu, kết thúc kỳ thi đại học là một trong những cột mốc đáng nhớ, tạm khép lại 12 năm đèn sách để bước vào một ngưỡng mới của cuộc đời, nên một số học sinh có những hành động thể hiện niềm vui nhất thời.

Tuy nhiên, đó chưa bao giờ có thể xem là lý do chính đáng để biện minh cho những hành vi xốc nổi, những biểu hiện của sự lãng phí và có phần phản cảm như vậy.

Mới đây, cộng đồng mạng lại được phen phẫn nộ khi chứng kiến sách vở bị xé nát và vứt ngổn ngang trên đoạn đường cao tốc giao với tỉnh lộ. Hình ảnh xấu xí này xuất hiện ngay sau ngày thi môn Toán vào lớp 10 ở Hải Dương.

Phần đông những ý kiến đều là lên án hành vi “phá hoại” này của chủ nhân những cuốn sách, cuốn vở bị vứt tung tóe kia. Hành động này chẳng những là một sự thiếu tôn trọng với thầy cô, với những kiến thức đã học bao năm qua mà còn gián tiếp gây cản trở giao thông, ảnh hưởng đến các phương tiện di chuyển trên đoạn đường này.

Đáng buồn thay, cứ sau mỗi kỳ thi, những hình ảnh phản cảm này lại có dịp xuất hiện. Trước đó, cộng đồng mạng cũng từng xôn xao, chỉ trích khi chứng kiến một học sinh quay clip tự tay đốt sách vở sau khi thi đại học, với thái độ hả hê, vui mừng, chứng kiến đống sách vở cháy rụi thành tro…

Những học sinh này đang muốn chứng tỏ điều gì? Trong khi, hành động đó vốn dĩ chưa bao giờ được đánh giá là hay ho hoặc thể hiện cá tính. Có lẽ, nguồn cơn của hành động này chính là từ những lời thách đố của đám bạn, từ những lời thề thốt tự thân trong giai đoạn ôn tập đầy khó khăn trước kỳ thi: “Tôi thề sau khi thi xong, tôi sẽ đốt hết đám sách vở này”... Chính điều đó khiến cho những cái đầu chưa nghĩ thông suốt kia hiện thực hóa “lời thề” ngay khi vừa hoàn thành bài thi.

Nhưng bản chất của những hành động ấy chỉ là một sự ngớ ngẩn, khiến dư luận ngày một phản ứng gay gắt hơn.

Chẳng những thế, hành động ấy còn vô tình chứng tỏ những học sinh kia là những kẻ vô ơn. Chẳng phải tự nhiên mà nhiều thế kỷ qua, người ta vẫn đề cao giá trị của sách vở: “Sách là ngọn đèn sáng bất diệt của trí tuệ con người”. Mặc dù kiến thức trong sách vở không phải là toàn bộ những gì mà mỗi chúng ta cần học hỏi và dung nạp, nhưng sách vở chính là cầu nối mang chúng ta đến với thế giới tri thức, và đó sẽ là những viên gạch đầu tiên, là nền tảng, kiến tạo nên bản thân mỗi chúng ta trong tương lai.

Thế nhưng, ngay khi vừa hoàn thành một chặng đường không quá dài trên hành trình tri thức vô tận của loài người, những học sinh này đã vội vàng phủ định sự tồn tại của chúng không thương tiếc. Hành động này chỉ cho thấy học sinh đang không tôn trọng những kiến thức gặt hái được những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường, công ơn dạy dỗ của thầy cô.

Đây cũng là một biểu hiện của sự phung phí đáng trách! Không phải học sinh nào cũng có điều kiện để sở hữu một bộ sách giáo khoa đầy đủ, dù chỉ là cũ, cho riêng mình. Chuyện một vài bộ sách giáo khoa cũ nát được nhiều học sinh chuyền tay nhau sử dụng, không còn quá mới lạ ở các trường học nơi vùng sâu vùng xa. Thay vì vứt bỏ, các em nên tặng lại cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn hơn.

Đó là còn chưa bàn đến chuyện, những cuốn sách, tập vở kia có thể là một tuần, hay thậm chí một tháng âm thầm làm tăng ca của bố mẹ... Ấy vậy mà, vừa thi xong đã nghĩ ngay đến chuyện “quẳng sách vở đi mà vui sống”, có khác nào đang xem rẻ công sức và sự hy sinh của bậc sinh thành.

Nếu những trách nhiệm trên quá nặng nề và sâu xa để một học sinh bậc phổ thông có thể nhìn nhận, thì ít nhất, các bạn cũng phải nhìn thấy tác hại hiện hữu ngay trước mắt khi xé sách, vứt sách tung tóe ngay tại trường hay giữa đường, đó là xả rác bừa bãi ra môi trường. Chẳng lẽ, đến điều này mà những học sinh đó cũng không thể hiểu, còn thua xa cô bé Nguyệt Linh (lớp 6, trường Marie Curie, Hà Nội), khi mới chập chững ở ngưỡng cửa THCS, cô bé đã biết yêu môi trường, suy nghĩ và hành động để bảo vệ môi trường.

Nhìn qua nhìn lại, việc xé sách, vứt sách hay đốt sách… cũng chính là cách mà mỗi học sinh tự tay xé nát tri thức và nhân cách của mình!

Vượt qua một hành trình căng thẳng, chúng ta hoàn toàn có quyền giải tỏa áp lực, và lựa chọn thế nào là tự do của mỗi cá nhân.

Tuy nhiên, những chọn lựa tiêu cực và phản cảm thì dù có viện cớ gì đi nữa cũng không bao giờ nhận được sự cảm thông. Chỉ xin những ai đã từng đọc sách, sẽ trân trọng những trang sách. Tri thức sẽ gắn bó, giúp đỡ chúng ta trong rất nhiều lĩnh vực từ công việc đến đời sống cá nhân. Chẳng có lẽ, ta lại tự cho mình cái quyền đối xử tệ bạc với tri thức hay sao?!

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!

img