Khi người lớn thiếu quan tâm thì những đứa trẻ vô tội vẫn chỉ là những con cừu tội nghiệp đáng thương và cô độc trong chính nơi chúng đang sống.
Tôi nhớ có một câu nói của C’line Li: “Cần cả một ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ” nhưng cũng phải mất một ngôi làng khi đứa trẻ đó gặp điều bất trắc.
Một thực tế đáng buồn, chúng ta đang sống trong một xã hội văn minh đã chiến thắng sự dã man, thế nhưng, những đứa trẻ của chúng ta lại co rúm sợ sệt vì cái bóng của sự dã man vẫn còn hiện hữu.
Tôi tin rằng một đứa bé 9 tuổi sẽ không bao giờ tưởng tượng ra cảnh một ngày nào đó nó được “nựng yêu” bởi một người đàn ông “có vai vế”, hoảng loạn chạy ra khỏi chiếc thang máy.
Tôi tin rằng cô bé học sinh đáng thương ở Hải Dương sẽ mãi ám ảnh khi bước chân đến ngôi trường mình bị đánh đập, lột đồ bởi một nhóm bạn hành xử như du côn.
Tôi tin rằng cô bé lớp 5 ở Bắc Giang sẽ mang sự kinh hãi theo suốt cuộc đời với ký ức bị thầy giáo uống rượu say tiến tới “sờ mông sờ đùi”.
Tôi tin rằng ở một nơi nào đó, những cánh tay nhỏ bé đang giơ lên run rẩy tìm kiếm sự chở che.
Và tôi tin rằng ở một xã hội văn minh ưu tú nhất vẫn tồn tại những cá nhân có vấn đề.
Vấn đề lớn nhất ở đây đó chính là quyền lực: Giữa một bên là những kẻ đi săn và một bên là những người yếu ớt.
Khi đối mặt với một người hay một tập thể người “hung hãn”, người yếu thế có xu hướng co cụm, sợ hãi để mặc những sang chấn tâm lý có cơ hội len lỏi. Như một lẽ tất nhiên, càng sợ bao nhiêu thì nguy cơ bị lạm dụng và bạo hành càng lớn bấy nhiêu.
Tôi rất thích câu chuyện "Bầy sói, đàn cừu và bác thợ săn" của Đan Mạch. Ở đó, tôi thấy được quyền thế của những kẻ mạnh và kết cục bi thảm của những kẻ yếu, đành rằng sau đó là một kết thúc đẹp thoả mãn phần lớn những người yêu truyện.
Thế nhưng, có một sự thật đau lòng, ở xã hội hiện tại, kẻ nguy hiểm nhất không phải là những con sói hoang khát máu mà là bác thợ săn luôn câm lặng.
Và những con cừu, chúng vẫn cứ run rẩy đứng nép sau gốc cây dẻ cuối rừng.
Những đứa trẻ của chúng ta đang cô đơn!
Ánh mắt hoang mang, ngơ ngác của chúng lúng túng ngập ngừng không biết ai sẽ là người bảo vệ mình. Thậm chí, chúng không có đủ kĩ năng phòng vệ cũng không biết tìm đúng người để giải quyết những khúc mắc chúng gặp phải.
Đứa bé nào dám đứng lên tố cáo cả chuỗi hành vi đê tiện của những người lớn “bệnh hoạn”, cô cậu học sinh nào dám đứng lên chống trả những vụ bạo hành thể xác và tinh thần?
Bạo lực học đường, xâm hại hay quấy rối tình dục như một vấn nạn chưa có cách hoá giải, không phải chỉ có ở Châu Á mà ngay cả các nước bình đẳng như Mỹ, Anh, Ba Lan, Thụy Điển,... cũng không hiếm gặp những câu chuyện bạo hành đáng tiếc.
Thế nhưng, một khi vấn đề bị phanh phui, người ta có thể xử phạt nặng bất kể đối tượng là ai, sẵn sàng đưa ra luật lệ chặt chẽ, rõ ràng, nếu vi phạm sẽ phải nhận sự trừng phạt thích đáng. Điều tuyệt vời là những đứa trẻ tại nơi đây, chúng được giáo dục khắt khe để nhận biết nguy hiểm, chúng bản lĩnh và vững vàng với kiến thức, kỹ năng sống đáng ngưỡng mộ.
Đấy là cách họ bảo vệ những đứa trẻ của họ.
Tôi chợt nhận ra ở nước mình...
Công lý lên tiếng ra sao khi kẻ “nựng yêu” cháu bé 9 tuổi trong thang máy ở Sài Gòn vẫn ngang nhiên nhởn nhơ tự đắc rằng mình vô tội?
Lẽ phải ở chỗ nào khi nhà trường, thầy cô giáo vào vai “người tàng hình” điềm tĩnh, phủi tay và lắc đầu đến “lạnh người” không biết câu chuyện bạo hành phía sau cổng trường?
Cái tôi cần là một nơi có thể nghiêm túc lắng nghe những đứa trẻ của chúng ta kể chuyện và nhiều người có tâm xem xét lại cơ chế bảo vệ trẻ em của chúng ta còn thiếu sót điều gì.
Với tôi, khi một đứa trẻ hạnh phúc đó là niềm vui lớn, khi một đứa trẻ bất hạnh đó là cái tội của nhiều người.
Tôi hi vọng những đứa trẻ của tôi được sống trong một ngôi làng "dậy sóng" những điều tuyệt vời.
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả