Từ vụ tai nạn thảm khốc ở Hải Dương: Nếu tôi là Bộ trưởng Giao thông…

Tôi biết rằng các vị Bộ trưởng đều quá bận rộn và áp lực vì gánh trên vai trọng trách tư lệnh ngành, nhưng thưa Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, con số 8.000 người chết vì tai nạn giao thông (TNGT) hàng năm thật quá đau xót, nó cho thấy những biện pháp ông đang làm là chưa có nhiều tác dụng.

img
“Tử thần” quanh ta

“Về đi con, Hoàng ơi về với bố mẹ đi con!” – tiếng kêu khóc thảm thiết của đấng sinh thành, những vành tang trắng người già tiễn đưa người trẻ làm xóm nhỏ Thanh Liên (xã Cộng Hòa, huyện Kim Thành, Hải Dương) chìm trong không khí u uẩn, tang tóc. Ngày 24/7/2019, xóm nhỏ này có tới 5 đám tang. Họ ra đi cùng nhau trong một vụ TNGT trước đó một ngày.

Nhưng đó chưa phải là tất cả những gì vừa xảy ra ở đây.

Theo báo cáo nhanh của Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia, chỉ trong buổi sáng 23/7, trên QL5 thuộc địa bàn huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương xảy ra 3 vụ TNGT liên tiếp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 7 người và bị thương 2 người.

Ba vụ TNGT đều chứa cụm từ “lối mở dải phân cách”, như vậy nguyên nhân lần này không phải do rượu bia, ma túy hay một “hung thần xa lộ” nào đó, ngược lại, đây là những cái chết đã được báo trước.

Có mặt tại “điểm đen giao thông” này sau vụ tai nạn, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cũng thừa nhận, khu vực huyện Kim Thành thường xuyên xảy ra những vụ TNGT nghiêm trọng. Ông Thể chỉ đạo các biện pháp khắc phục điểm yếu của đoạn đường này như: Xử lý ổ gà, bố trí thiết bị phản quang tại các điểm trọng yếu, bổ sung gờ giảm tốc, tổ chức các đoạn đường gom để phân làn xe thô sơ và xe cơ giới, xem xét làm cầu vượt, cầu mềm cho người đi bộ…

Chỉ đạo “nóng” của Tư lệnh ngành Giao thông tuy không còn nóng đối với những người vừa nằm xuống, nhưng dẫu sao cũng đáng được ghi nhận vì nhiều người sẽ thoát được lưỡi hái của tử thần trong tương lai.

Nếu tôi là Bộ trưởng Giao thông…

Xin được mượn lời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa nói chiều 22/7 tại Hội nghị sơ kết công tác đảm bảo trật tự An toàn giao thông (ATGT) 6 tháng đầu năm để nhấn mạnh mức độ báo động của TNGT hiện nay.

Thủ tướng nói: “Các cuộc chiến tranh gần đây chưa bao giờ chết 8.000 người nhưng ở mình một năm TNGT chết mấy ngàn người. Chúng ta thấy mức độ thiệt hại của người dân lớn đến đâu”.

Thưa Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể!

Là một người dân, tôi thiết nghĩ, tại một đất nước đã có hòa bình lập lại hơn 40 năm, thu nhập và mức sống của người dân ngày càng được cải thiện, mức đầu tư công cho ngành GTVT chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu đầu tư chung, thì con số 8.000 người chết vì TNGT hàng năm là một con số không bình thường (!!)

Chúng ta biết, trong tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương hơn 400.000 tỷ đồng chi cho 18 Bộ trong năm 2019, Bộ GTVT chiếm hơn 58.500 tỷ đồng (chiếm khoảng gần 1/8 tổng mức chi ngân sách cho các Bộ) – số liệu từ Dự toán chi ngân sách TW theo lĩnh vực - Nghị quyết số 73/2018/QH14 ngày 14/11/2018 của Quốc hội.

Mức đầu tư ngân sách cho ngành Giao thông chỉ đứng sau Quốc phòng (157.200 tỷ đồng), Công an (82.300 tỷ đồng), thậm chí cao gấp 3 lần chi cho Nông nghiệp, gấp 5 lần Y tế, gấp 8 lần Giáo dục, gấp gần 20 lần chi cho Tài nguyên Môi trường và Khoa học Công nghệ.

Chúng ta đầu tư nhiều cho đường sá, cầu cống, làm cho giao thông vận hành tốt hơn, tạo ra nhiều của cải vật chất hơn nhưng vẫn có tới 8.000 người chết vì TNGT trong một năm, điều đó cho thấy nhiều biện pháp quản lý GTVT là chưa căn cơ, sát sườn, chưa hợp lý.

Nếu tôi là Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, tôi sẽ triển khai ngay một số giải pháp sau đây:

Thứ nhất, rà soát nâng cấp chất lượng đường bộ, xoá “điểm đen” TNGT, ví dụ như điểm đen ở huyện Kim Thành (Hải Dương) nơi vừa xảy ra TNGT liên tiếp. Theo thống kê hàng năm, TNGT xảy ra chủ yếu ở hệ thống đường bộ do đây vẫn là mạng lưới giao thông chủ yếu, vì thế đường bộ cần được đầu tư nhiều hơn cả.

Thứ hai, quy hoạch lại mạng lưới giao thông huyết mạch quốc gia. Ngoài việc đầu tư nâng cao chất lượng đường bộ như đã nói ở trên, nên chăng tìm giải pháp điều hòa lưu lượng, cụ thể là giảm lưu lượng vận tải đường bộ, chuyển bớt sang đường sắt.

Đặc biệt, nên quy định rõ một số hàng hóa cồng kềnh đang vận hành bằng xe tải, xe container bắt buộc phải chuyển sang vận chuyển bằng đường sắt. Tất nhiên muốn vậy, ngành đường sắt phải được đầu tư phát triển để hiện đại hơn, đáp ứng yêu cầu mới này.

Thứ ba, cần rà soát chấn chỉnh ngay hoạt động đào tạo và cấp giấy phép lái xe để hạn chế TNGT do tay lái yếu của người cầm vô lăng. Thủ tướng vừa lưu ý tình trạng xuất hiện “điểm đen” ngay chính cơ quan đào tạo lái xe và đăng kiểm. “Điểm đen đó còn nguy hiểm hơn “điểm đen” trên đường giao thông”, Thủ tướng nói và dẫn chứng lại việc Cục Đăng kiểm thu hồi giấy phép hoạt động của trung tâm đăng kiểm tại Bắc Giang do hành vi cấp khống cho xe kinh doanh vận tải.

Thứ tư, mạnh mẽ ủng hộ và vận động ban hành Luật phòng chống tác hại của rượu bia, qua đó có chế tài xử lý nghiêm hành vi uống rượu bia trước khi lái xe nhằm hạn chế tình trạng “xe điên” gây nhiều vụ tai nạn thảm khốc thời gian gần đây.

Thứ năm, khẩn trương đề xuất sửa đổi Luật Giao thông đường bộ; sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng tăng mạnh khung xử phạt đối với hành vi vi phạm pháp luật về an toàn giao thông. Theo Thủ tướng Chính phủ, quy định hiện hành chưa đủ sức răn đe. “Nghiện ma túy, nghiện rượu thu vĩnh viễn bằng lái như một số nước. Đây là biện pháp ít tốn kém nhưng hiệu quả cao”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Có như vậy, TNGT mới giảm tải cả chiều rộng lẫn chiều sâu.

Thưa Bộ trưởng Thể!

Mỗi sự sống chấm dứt đều khiến chúng ta đau lòng. Nhưng sẽ tốt hơn nếu đó không phải là những sự ra đi vì TNGT khi con người còn trẻ khỏe. Và có lẽ, chúng ta sẽ bớt đau lòng hơn nếu đó không phải là những cái chết đã được cảnh báo trước, nhưng vẫn không ngăn được, bởi các biện pháp quản lý đành bất lực.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

img