Tiền bạc là vật ngoài thân, nhưng nhiều người coi nó là vật bất ly thân để rồi không màng sống chết, gia đình tan nát, anh em ruột thịt trở mặt với nhau như kẻ thù.
Vụ anh trai truy sát cả gia đình em gái khiến 3 người thương vong ở Thái Nguyên vừa qua là một minh chứng rõ ràng cho một canh bạc hẩm hiu. Số tiền 3 tỷ đồng sau quãng thời gian dài đằng đẵng đòi không được, khiến bao dồn nén, chất chứa bị người anh trút hết vào những hành động bạo lực, man rợ.
Chưa kể, có những cuộc đòi nợ, người bỏ mạng lại chính là chủ nợ. Như câu chuyện hồi đầu năm 2019, chỉ vì bị đòi nợ 300.000 đồng, Trần Quốc Huy (18 tuổi, An Giang) đã dùng dao đâm chết chú ruột.
Ba năm trước, một đôi bạn thân tại Long An cũng đã tương tàn chỉ vì đòi nợ 100.000 đồng, Huỳnh Ngọc Tỷ cầm dao chặt mía chém liên tục vào cổ Hồ Minh Cảnh (chủ nợ), khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.
Từ xưa đến nay, việc cho vay tiền chưa bao giờ là ý hay, đặc biệt, cho người thân và bạn bè vay tiền luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro ngoài ý muốn. Tiền bạc là thứ “vũ khí” khá nhạy cảm và dễ gây chia rẽ, đặc biệt là trong các mối quan hệ thân quen.
Ngạn ngữ Đan Mạch có câu: “Ở đâu vàng bạc chiếm tâm hồn thì tin tưởng, hy vọng và yêu thương bị tống ra khỏi cửa”. Không chỉ là một quyết định tài chính, việc cho người thân vay tiền còn mang tính mạo hiểm tình cảm. Một lần cho người thân vay tiền sẽ biến mối quan hệ của bạn từ anh em họ hàng thành người vay - chủ nợ, rồi khi món nợ “thành tinh” (đòi hoài không được), có thể sẽ biến thành thù hận.
Đỉnh điểm của những chủ nợ không đủ bản lĩnh kiểm soát bản thân, có thể sẽ bị hung tính lấn lướt, có những suy nghĩ, hành động bạo lực đối với người vay.
Xuất phát từ mong muốn giúp đỡ bạn bè, người thân, việc cho vay tiền bỗng chốc hóa mối quan hệ thân thiết thành kẻ thù, rồi tàn sát nhau, thương vong cả hai bên đều không tránh khỏi. Người bỏ mạng, người vướng vào vòng lao lý.
Trong nhiều câu chuyện, có lẽ người vay tiền không hề để tâm rằng, người cho vay mà không cần thế chấp hay lãi suất, không đơn thuần chỉ đưa tiền, mà còn giao cả lòng tin, sự tín nhiệm cho người vay, là đánh cược trong một canh bạc đỏ đen. Vì thế, người cho vay cũng không thể dại dột mạo hiểm mà đánh một canh bạc “trắng”, đặt tài sản của mình mà không có một căn cứ, một điều lệ bảo đảm nào, để tránh sa vào những bi kịch đáng tiếc.
“Tiền bạc có thể giết tâm hồn nhiều hơn là gươm giáo giết thể xác”. Khi tiền bạc “thôi miên” lý trí của con người, biến con người thành nô lệ và dẫn đến những hy sinh thể xác vì bạo lực, quả là một nỗi bất hạnh vô cùng lớn! Hãy tỉnh táo trước mọi quyết định!
Tỉnh táo ngay từ lúc quyết định cho bạn bè, người thân vay tiền, có thể suy nghĩ đến việc viết phiếu ghi nợ, đi gặp luật sư, hay cân nhắc công chứng giấy ghi nợ, vì điều đó sẽ giúp người cho vay có tư cách pháp lý vững vàng nếu chẳng may người vay không muốn trả nợ. Điều này cũng sẽ giúp người vay có trách nhiệm hơn và từ bỏ suy nghĩ: “Cứ vay tiền của người thân quen rồi không trả được cũng chẳng sao…”. Joshua Steimle, CEO của công ty tiếp thị số MWI cho rằng: “Người vay nên coi việc vay tiền từ người quen cũng như vay ngân hàng!”.
Tuy nhiên, cách tốt nhất để không đánh mất những mối quan hệ tốt đẹp, thân thiết, là dừng suy nghĩ cho người thân hay bạn bè vay tiền!
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!