Dạo quanh một số hội nhóm kín “Hội làm cha mẹ”, “Hội nuôi con bằng sữa mẹ”… PV không khó bắt gặp hình ảnh các mẹ vào nhóm than thở việc con bị ốm, sốt, viêm da… Nickname Chang Nguyễn đăng tải một dòng trạng thái: “Các mẹ ơi cho em hỏi chút. Con nhà em bị như thế này là làm sao vậy?”, kèm theo đó là hình ảnh con nhỏ 8 tháng ở mặt và tay nổi mẩn đỏ”.
Ngay sau đó, rất nhiều mẹ trổ tài như một bác sĩ biết tuốt, thậm chí khuyên mẹ này nên ra hiệu thuốc để mua thuốc hoặc mua tinh dầu về bôi. “Chỗ chị có cây trứng cá không? Hái lá nấu tắm cho con, bé mình cũng bị viêm da như vậy, đi bệnh viện không khỏi, ngày càng nhiều hơn, có người chỉ mình tắm lá trứng cá, vậy mà khỏi đấy bạn nên thử xem sao”, nickname Ánh Hồng mách.
Không chỉ có mẹ Trang Nguyễn hỏi, mà trên các hội nhóm kín này rất nhiều mẹ cũng tỏ rõ sự lo lắng khi con có dấu hiệu nổi mẩn da nên đã hỏi thăm kinh nghiệm của các phụ huynh.
Nhiều phụ huynh tìm hiểu và xin ý kiến trị bệnh từ mạng xã hội.
Chia sẻ với PV, chị Nguyễn Nhung (Hà Nội) có con nhỏ 11 tháng tuổi cho biết: “Mấy nay thời tiết nắng nóng quá, thấy bé con nhà tôi nổi mẩn đỏ li ti ở cánh tay và mặt. Cứ tưởng con chỉ bị nhẹ nên tôi đã lên mạng tham khảo các mẹ cũng có con nhỏ bị tương tự. Sau đó, tôi được một mẹ mách mua tinh dầu để bôi cho con, rồi một mẹ mách dùng lá để tắm cho con bớt đỏ. Tin lời, tôi cũng làm theo nhưng những nốt đỏ li ti không hết mà còn nhiều hơn”.
Ba ngày làm theo “bác sĩ google”, chị Nhung thấy con quấy khóc nhiều hơn, cho đến khi chồng và mẹ chồng yêu cầu đưa con đi viện và khám chị mới vỡ lẽ: “Đưa con đi khám, bác sĩ nói con bị viêm da cơ địa nhưng do không được thăm khám nên khiến da của con bị biến chứng rát tấy lên. Tôi hối hận và thương con vô cùng vì đã nghe theo lời mách ở trên mạng”.
Theo quan sát của PV, ngoài việc mách các cha mẹ chữa trị cho con thì nhiều người cũng tranh thủ cơ hội kinh doanh, buôn bán các sản phẩm trị các nốt nổi mẩn đỏ và khẳng định khỏi sau khi sử dụng.
Trước những câu chuyện nêu trên, ThS.BS Nguyễn Thùy Linh - Phó Trưởng khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em (bệnh viện Da liễu Trung ương) - cho biết, mùa hèlà thời gian dễ mắc các bệnh về da. Nguyên nhân là do thời tiết nắng nóng, độ ẩm và tác động môi trường kích thích da, gây nên những phản ứng không có lợi khiến da bị viêm, ngứa. Ở trẻ em, vì sức đề kháng kém, hệ miễn dịch còn non yếu nên vào mùa nắng nóng dễ có nguy cơ cao mắc một số bệnh da liễu.
“Thời gian qua, bệnh viện chúng tôi tiếp nhận rất nhiều bệnh nhi bị các vấn đề về ngoài da như: Viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc, nhiễm nấm, nhọt, rôm… Ngoài các ca bệnh nhẹ, có các ca bệnh nặng của trẻ để lại biến chứng do cha mẹ không đưa đi khám ngay mà tự ý sử dụng thuốc hoặc dùng những bài thuốc dân gian, tinh dầu, lá cây để tắm… Việc tự ý dùng thuốc, mua lá tắm là không khoa học”, bác sĩ Linh nói.
Bác sĩ Thuỳ Linh.
Việc tự ý dùng thuốc hoặc lá cây để tắm cho trẻ sẽ gây nên những biến chứng nghiêm trọng, bác sĩ Linh nêu: “Trẻ có thể bị biến chứng toàn thân, bị nhiễm trùng, nhiễm khuẩn… gây ra những biến chứng nguy hiểm khác như viêm cầu thận. Nhiều phụ huynh có con bị viêm da cơ địa thay vì đưa trẻ tới bệnh viện khám tự ý ra cửa hàng mua thuốc về dùng như vậy rất nguy hiểm”.
Từ những phân tích nêu trên, bác sĩ Linh cho rằng không chỉ mùa đông mà mùa hè cha mẹ cũng cần chăm sóc da cho trẻ. Nhất là thời tiết mùa hè nắng nóng, nhiệt độ cao trẻ ở trong điều hoà nhiều. “Thời gian qua, thời tiết nắng nóng nên khoa của chúng tôi tiếp nhận nhiều bệnh nhi viêm da cơ địa, da lúc nào cũng khô và mất nước, dễ kích ứng. Với những trẻ bị viêm da cơ địa cần phải được chăm sóc da giống như mùa đông, phải thường xuyên dùng kem dưỡng ẩm. Lưu ý tuyệt đối không đắp các loại lá thuốc lên da của trẻ dễ gây ra bỏng rát tại chỗ gây khó khăn trong việc điều trị”, bác sĩ Linh cho hay.
Bác sĩ Linh khuyến cáo: “Những trường hợp bị viêm da thì việc chăm sóc da cho trẻ cần được quan tâm và chú ý đặc biệt ở trường học cũng như ở nhà, nên giữ vệ sinh trên da. Khi trẻ bị viêm da cơ địa, nổi mẩn ngứa thì cha mẹ nên chú ý vệ sinh sạch sẽ, tắm rửa cho con. Tắm bằng các sản phẩm sữa tắm dành riêng cho trẻ, lau mồ hôi và tránh để trẻ vận động nhiều. Nếu trẻ ra nhiều mồ hôi thì nên thay quần áo thường xuyên để trẻ không mặc quần áo ẩm ướt, có thể sử dụng thêm phấn rôm”.
“Nếu thấy trẻ có biểu hiện mẩn đỏ, khô da nhiều mặc dù đã dùng kem dưỡng ẩm thì cha mẹ không được chủ quan. Đồng thời, phải đưa trẻ đến khám tại các cơ sở chuyên khoa da liễu để được các bác sĩ kiểm tra, thăm khám, điều trị. Có như vậy, trẻ mới sở hữu làn da khỏe mạnh, không bị tái đi tái lại và phải sử dụng thuốc nhiều lần” - ThS.BS Nguyễn Thùy Linh - Phó Trưởng khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em (bệnh viện Da liễu Trung ương).
T.L