img

Hà Nội có nên làm thêm 2 dự án đường sắt nội đô?

Nguyễn Lâm

Chưa xác định được ngày về đích của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, thế nhưng TP. Hà Nội mới đây lại có quyết định tiếp tục thực hiện 2 tuyến đường sắt đô thị khác với tổng vốn khoảng 106.000 tỉ đồng đã khiến không ít người tỏ ra băn khoăn, lo ngại về tương lai của các dự án đường sắt này.

Sáng 22/4, tại Hội nghị lần thứ 23, Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội đã thông qua chủ trương triển khai tiếp 2 tuyến đường sắt đô thị, là tuyến số 3 (đoạn từ ga Hà Nội đến quận Hoàng Mai) và tuyến số 5 (Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc) với tổng số vốn khoảng 106.000 tỉ đồng.

Quyết định trên của TP. Hà Nội đã ngay lập tức thu hút được sự quan tâm của dư luận, trong đó nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại về tương lai của 2 dự án này, bởi những bài học của DA đường sắt Cát Linh - Hà Đông hay Nhổn - ga Hà Nội đội vốn, chậm tiến độ… vẫn còn đó.

Trao đổi với phóng viên Người Đưa Tin Pháp Luật về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng phương án xây dựng các tuyến đường sắt nội đô của TP. Hà Nội sẽ là giải pháp tốt nhất cho bài toán giao thông đô thị ở nước ta hiện nay.

img

TS. Đinh Thế Hiển nhận định: “Metro được xem như giải pháp số 1 cho giao thông nội đô tại những đại đô thị có mật độ dân cư cao như TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh và Metro chỉ phát huy tác dụng khi được cấu thành 1 hệ thống hoàn chỉnh".

Thế nhưng, theo ông Hiển, từ thực tế dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã cho thấy sự yếu kém trong công tác quản lý khi đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông từ một phương án hiệu quả trở thành một dự án lỗ rất nặng, thậm chí là bài toán thu không đủ chi khi đi vào hoạt động.

"Chính vì thế, Hà Nội đang ở thế tiến thoái lưỡng nan trong việc tiếp tục thực hiện dự án đường sắt đô thị. Nếu Hà Nội không tiếp thục thực hiện các dự án đường sắt nội đô thì công trình đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẽ trở nên vô giá trị. Còn nếu tiếp tục thực hiện mà không giải quyết được những vấn đề tồn đọng như hiện nay thì rất dễ nối tiếp sai lầm của dự án trước gây thiệt hại nặng nề cho ngân sách nước nhà”, ông bày tỏ.

Lưu ý về 2 dự án đường sắt đô thị sắp tới của Hà Nội, TS. Đinh Thế Hiển khẳng định, chỉ cần tìm được Ban quản lý dự án đủ năng lực và có thực quyền thì chắc chắn các dự án này sẽ thành công.

Cùng trao đổi về vấn đề này, TS. Nguyễn Xuân Thủy, người có hơn 40 năm nghiên cứu về giao thông đô thị cũng cho rằng về tổng thể, việc TP. Hà Nội muốn xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị là đúng nhưng cần phải lưu ý những bài học như dự án xe buýt nhanh (BRT), tuyến Nhổn - ga Hà Nội và đặc biệt là dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

img

Theo đó, vấn đề quan trọng để một dự án khả thi là việc chọn nhà thầu có đủ năng lực, rút kinh nghiệm ở dự án Cát Linh - Hà Đông. Ngoài ra, để một dự án đường sắt có thể thành công thì vấn đề quy hoạch, lựa chọn công nghệ, phù hợp nguồn tài chính, điều hành quản lý hết sức quan trọng và cần được lưu tâm, tránh tình trạng đội vốn, kéo dài thời gian, làm giảm chất lượng công trình.

Cũng theo ông Thuỷ, một vấn đề đáng lưu ý là các dự án đường sắt nội đô ở nước ta được xây dựng quá đồ sộ với chiều dài tuyến quá lớn dẫn đến thời gian hoàn thiện bị kéo dài. Do đó, chúng ta chỉ nên xây dựng những tuyến đường sắt có chiều dài tối đa là 5km, thành phố phát triển tới đâu thì mở rộng dự án tới đó để người dân sớm được thụ hưởng được những thành quả của giao thông.

Trước đó, theo các tờ trình của Ban Cán sự Đảng UBND thành phố do Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng trình bày, đoạn tuyến đường sắt đô thị số 3, từ ga Hà Nội đến Hoàng Mai, có vai trò đặc biệt trong việc hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị giai đoạn đầu tại khu trung tâm Thành phố.

Tổng chiều dài đoạn tuyến chính là 8,786 km, trong đó chiều dài đi ngầm là 8,13 km. Toàn tuyến có 7 ga ngầm và các ga nổi. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 40.577 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ODA và vay ưu đãi khoảng 34.297 tỷ đồng; vốn đối ứng trong nước khoảng 6.280 tỷ đồng (từ nguồn ngân sách thành phố Hà Nội để chi cho giải phóng mặt bằng, tái định cư, quản lý dự án, thuế và các chi phí khác của dự án). Dự kiến dự án được khởi công từ năm 2022 và hoàn thành vào cuối năm 2028.

Còn đối với Dự án tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội “Tuyến số 5 Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc”, dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến 65.404 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn đầu tư công. Chiều dài toàn tuyến là 38,43 km (6,5km đi ngầm, 2km đi cao và 29,93 km đi trên mặt đất) bao gồm 21 ga (trong đó có 6 ga ngầm). Dự án phấn đấu được hoàn thành vào năm 2025.