NBC News đưa tin, phát biểu trước các nhà ngoại giao Nga hôm 19/7, Tổng thống Putin nói rằng, quan hệ Nga-Mỹ “trong một chừng mực nào đó còn tồi tệ hơn thời gian Chiến tranh Lạnh” nhưng cuộc gặp thượng đỉnh của ông với Tổng thống Trump hôm 16/7 đã cho phép hai bên bắt đầu "con đường hướng tới những thay đổi tích cực".
"Chúng ta sẽ chờ xem mọi việc diễn biến ra sao", nhà lãnh đạo Nga nói và cho rằng một số thế lực ở Mỹ đang tìm cách ngăn cản cải thiện quan hệ Nga-Mỹ, đặc biệt là sự hợp tác trong cuộc chiến ở Syria hay vấn đề kiểm soát vũ khí.
Trong bình luận đầu tiên về hội nghị, ông Putin cho biết, Nga tiếp tục để ngỏ cơ hội trao đổi qua lại với Mỹ.
Bình luận của ông Putin được đưa ra giữa lúc ông Trump đang phải đối mặt với cơn bão chỉ trích từ dư luận Mỹ xung quanh cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ hôm 16/7 tại Phần Lan.
Các nghị sĩ Mỹ đã chỉ trích hội nghị này khi Tổng thống Trump từ chối công nhận kết luận của cộng đồng tình báo Mỹ cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Để xoa dịu tình hình ông Trump phải liên tục đưa ra những lời đính chính cho phát ngôn mà sau đó ông thừa nhận là “lỡ lời” của mình.
Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov hôm qua cho biết, ông hy vọng rằng "những thỏa thuận bằng miệng giữa ông Trump và ông Putin sẽ được thực thi".
Ông Trump mời ông Putin thăm Mỹ
Bốn ngày sau khi có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên với nhà lãnh đạo Nga tại Thủ đô Helsinki của Phần Lan, ông Trump đã chỉ thị cho Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton mời Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm Washington vào mùa Thu này.
"Tổng thống Trump đã yêu cầu Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton mời Tổng thống Putin tới Washington vào mùa Thu này và các cuộc thảo luận về vấn đề này đã được triển khai”, người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders nêu rõ trên mạng xã hội Twitter.
Trước đó cùng ngày, chia sẻ trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Trump khẳng định cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga là "một thành công to lớn”.
Người đứng đầu Nhà Trắng cho biết, ông kỳ vọng vào cuộc gặp thứ hai với nhà lãnh đạo Putin để hai bên có thể bắt đầu thực hiện một số điều trong những nội dung đã được thảo luận từ cuộc gặp đầu tiên, trong đó có việc ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố, vấn đề an ninh đối với Israel, vấn đề phổ biến hạt nhân, các vụ tấn công mạng, các vấn đề thương mại, xung đột tại miền Đông Ukraine, hòa bình Trung Đông, Triều Tiên...
Trong bối cảnh quan hệ Nga-Phương Tây còn nhiều căng thẳng và bất đồng lời mời ông Putin đến Washington của ông Trump sẽ được xem là một chiến thắng đối với ông Putin, người đến Mỹ chính thức lần cuối hồi tháng 7/2007, theo lời mời của cựu Tổng thống George W. Bush. Trong suốt hai nhiệm kỳ khi ông Obama đương nhiệm, ông Putin chưa từng được mời tới Washington.
Thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ Chuck Schumer ngay lập tức chỉ trích kế hoạch mời Tổng thống Nga. “Cho đến khi chúng tôi biết điều gì xảy ra trong hai tiếng họp riêng ở Helsinki, Tổng thống không nên có thêm bất cứ tương tác một-một nào với ông Putin. Dù là ở Mỹ, ở Nga hay ở bất cứ đâu”, ông Chuck Schumer cho biết trong một tuyên bố.