Tuyên Quang: Dân mỏi mòn ngóng đất, chính quyền địa phương "đá bóng" trách nhiệm
Đỗ Tuấn
Sau nhiều năm ổn định tại chỗ ở mới, 30 hộ di dân tại 2 thôn Thuôm Kiệu, Nà Mu (xã Sơn Phú, Na Hang) vẫn mòn mỏi ngóng đất, chưa thể được nhận quyền lợi chính đáng thuộc về mình.
Khó khăn chồng chất
Ngày 9/11/2010, Quyết định số 1493/QĐ-CT của Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang về việc phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, bố trí, sắp xếp ổn định dân cư cho 225 hộ gia đình trong vùng nguy hiểm do sạt lở đất, đặc biệt khó khăn, vùng đệm rừng đặc dụng xã Sơn Phú ra khỏi vùng nguy hiểm, theo Quyết định 193/2006/QĐ-TTg ngày 24/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ. Tổng kinh phí thực hiện dự án là hơn 49 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm hiện tại, các hộ gia đình trong danh sách được di dời đã được động viên, huy động về nơi cư trú mới tại các thôn: Phia Chang, Nà Cọn, Nà Lạ, Thuôm Kiệu, Nà Mu (xã Sơn Phú). Tuy nhiên, các hộ gia đình tại đây vẫn còn cảnh khó khăn trong khi nhân khẩu tăng mà chưa được cấp đất sản xuất để canh tác.
Thế nhưng Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, anh Triệu Văn Sếnh (một trong số 30 hộ di dân) cho biết: “Về khu tái định cư đã hơn 5 năm, nhưng 30 hộ dân nơi đây vẫn chưa nhận được đất hỗ trợ để canh tác (gồm: 5 hécta đất ruộng và 36 hécta đất sản xuất lâm nghiệp). Cuộc sống của các hộ dân tại đây đều rất khó khăn, nghề nghiệp không ổn định, chỉ trông chờ vào cây ngô, cây lúa để sống qua ngày. Vậy mà, đã nhiều năm trôi qua chúng tôi vẫn chưa nhận được mảnh đất nào. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị tới chính quyền địa phương nhưng tiến độ vẫn chỉ “dậm chân tại chỗ”.
“Các hộ di dân tại đây, có 28/30 thuộc hộ nghèo, công việc chủ yếu là làm nương, làm rẫy. Nếu như không có đất, chúng tôi chẳng biết làm công việc gì. Trước đây, tại chỗ ở cũ chúng tôi còn có đất đề trồng cấy, mỗi năm còn có đồng ra đồng vào, có chi phí để trang trải cuộc sống. Kể từ sau khi được Nhà nước quan tâm, được kêu gọi, vận động ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở, tránh khỏi nguy hiểm, ổn định cuộc sống tưởng dễ thở hơn được một chút, ai ngờ, khó khăn chồng chất khó khăn”, anh Sếnh chia sẻ thêm.
Cũng là một trong những hộ di dân, anh Triệu Đình Bảo cho biết: “Thời gian gần đây, UBND xã Sơn Phú gọi bà con lên bốc thăm, giao đất ruộng để canh tác. Nhưng cũng chỉ có một số hộ tới nhận do thời gian giao đất quá lâu, còn lại, chúng tôi chưa nhận vì việc giao đất không đúng theo kế hoạch đề ra, đất ruộng mà lại giao toàn đất đồi dốc thì làm sao có thể cấy lúa được. Đúng theo kế hoạch đất ruồng là phải hỗ trợ khai hoang”.
Theo anh Bảo, về 36 ha đất sản xuất lâm nghiệp, đã có kế hoạch từ lâu, rất nhiều lần UBND tỉnh Tuyên Quang, UBND huyện Na Hang đã có văn bản thúc giục giao đất. Vậy mà, đến bây giờ chúng tôi vẫn chưa nhận được bất cứ thông báo nào về vấn đề này, nhiều lần kiến nghị thì đại diện UBND xã Sơn Phú trả lời “vì không có kinh phí để chi trả tài sản trên đất nên chưa thể giao”.
“Trước đây, khi có kế hoạch giao đất cho chúng tôi, người dân địa phương đã cố tình trồng cây hoa màu trên diện tích đất này với mục đích nhằm giữ đất. Khi đó, chúng tôi có báo chính quyền địa phương, tuy nhiên, phía xã cũng không có động tĩnh gì”, anh Bảo nói.
Trách nhiệm không thuộc về ai
Trong khi người dân đang mòn mỏi chờ đợi, thì quá trình triển khai giao đất lại diễn một cách chậm chạp, không khỏi có những thắc mắc đặt ra rằng: Phải chăng, chính quyền địa phương thiếu năng lực hay sao nhãng trong suốt quá trình triển khai dự án khiến những quyền lợi vẫn chưa tới được người dân?
Trao đổi với PV, ông Triệu Văn Phin – Chủ tịch UBND xã Sơn Phú - cho biết: “Xã đã làm hết trách nhiệm, đất cũng đã được quy hoạch nhưng chủ đầu tư không thực hiện phê duyệt dự án. Bây giờ, khu vực dự kiến giao đất cho các hộ di dân theo luật Lâm nghiệp đã thành rừng tự nhiên nên không thể thực hiện giao đất”. Ông Phín cũng cũng khẳng định đây không phải là lấn chiếm.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Minh Hùng – Đại diện chi cục Hợp tác xã & Phát triển nông thôn (sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết: “Sở đã phối hợp với các đơn vị rà soát, đơn vị giao đất, về việc khai hoang đất ruộng thực hiện theo nguyên tắc: quy hoạch, sau đó huyện phê duyệt và tổ chức bốc thăm giao đất cho 30 hộ. Trên cơ sở đó, khi giao được đất thì sẽ hỗ trợ chi phí khai hoang theo quy định của Nhà nước là 7 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, đến hiện tại chỉ có 14/30 hộ nhận đất ruộng”.
“Về việc giao đất lâm nghiệp, trong kế hoạch có việc hỗ trợ sản xuất, chúng tôi chỉ phải hỗ trợ thiết kế để trồng rừng và giống, vật tư để sản xuất khi các hộ đã được giao đất chứ không có trách nhiệm giao đất lâm nghiệp”.
Kể từ năm 2016, chúng tôi nhiều lần đã có văn bản phối hợp với UBND huyện Na Hang tổ chức triển khai kiểm kê và giao đất theo quy định, tuy nhiên, vẫn chưa triển khai giao đất được.
Đến năm 2019, thời hạn triển khai dự án đã kết thúc nhưng quá trình giao đất vẫn chưa xong, chúng tôi lại phối hợp với chính quyền địa phương và thuê đơn vị tư vấn về đo, phân lô, lập bản đồ xây dựng. Tuy nhiên, khi làm xong vẫn chưa phê duyệt phương án.
Sau đó, chúng tôi lại phối hợp rà soát, lập bản đồ xây dựng, nhưng lần này khi rà soát chỉ còn lại 10 hécta, do biến động liên quan đến luật Lâm nghiệp, UBND huyện Na Hang nói “Bây giờ, diện tích quá ít thì cũng không thể phê duyệt được”. Lại một lần nữa việc phê duyệt giao đất bị hủy bỏ”, ông Hùng chia sẻ.
Sở nói do xã chưa sát sao
Theo ông Nguyễn Minh Hùng: “36 hécta đất dự kiến giao cho các hộ di dân được giao cho xã quản lý, tuy nhiên, các công tác quản lý UBND xã Sơn Phú chưa được sát sao nên dẫn đến việc người dân địa phương lấn chiếm với mục đích giữ đất. Nếu như họ xử lý từ ban đầu, không cho các hộ dân lấn chiếm vào đó nữa thì bây giờ lấy lại để giao đất cho các hộ di dân sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Vừa rồi khi lên làm việc về vấn đề này, nhưng những hộ dân lấn chiếm có cây trồng ở trên diện tích đất hỗ trợ không nhận đền bù tài sản trên đất nên chúng tôi cũng không làm gì được. Về vấn đề này là do việc quản lý đất đai của UBND xã Sơn Phú cũng như UBND huyện Na Hang”.