Ukraine quyết dồn Nga vào thế phải chọn “rút lui hoặc bị tiêu diệt”?

Thứ 5, 28/07/2022 | 15:17
0
Nga đang tập trung quân số tối đa trên hướng Kherson, chuyển từ thế tấn công sang phòng thủ ở miền Nam, khiến Ukraine không thể giải phóng tất cả lãnh thổ của mình.

Ở miền Đông Ukraine, tình báo quân đội Anh hôm 27/7 cho biết, các tay súng từ tổ chức quân sự tư nhân Wagner Group của Nga có thể đã thành công trong việc thực hiện các bước tiến chiến thuật ở khu vực Donbass, xung quanh một nhà máy điện và ngô làng Novoluhanske gần đó.

Một số lực lượng Ukraine có thể đã phải rút lui khỏi khu vực, tình báo Anh cho biết.

Ở miền Nam, Ukraine đã tuyên bố công khai ý định phản công để giành lại thành phố Kherson, nơi đã bị rơi vào tay quân Nga trong những ngày đầu của cuộc xung đột.

Nga đang tập trung "quân số tối đa" trên hướng Kherson, ông Oleksiy Danilov, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, cho biết trên Twitter hôm 27/7 nhưng không đưa thêm chi tiết.

Hôm 26/7, Ukraine đã một lần nữa nã pháo vào cầu Antonivskiy bắc qua sông Dnipro ở Kherson, khiến nó không thể tiếp tục được sử dụng cho lưu thông, nhằm làm gián đoạn tuyến tiếp tế chính của Nga trong khu vực.

Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết trên Twitter rằng các cuộc không kích vào các cây cầu huyết mạch bắc qua sông Dnipro đã tạo ra một "tình thế tiến thoái lưỡng nan" đối với Nga: "Rút lui hoặc bị tiêu diệt bởi quân đội Ukraine".

Thế giới - Ukraine quyết dồn Nga vào thế phải chọn “rút lui hoặc bị tiêu diệt”?

Binh sĩ Ukraine khai hỏa pháo tự hành về phía các lực lượng Nga tại chiến tuyến ở khu vực Kharkiv, miền Đông Ukraine, ngày 27/7/2022. Ảnh: Al Jazeera

Các nhà phân tích quân sự phương Tây cho rằng việc Ukraine thành công vô hiệu hóa cây cầu này sẽ khiến các lực lượng Nga gặp khó khăn hơn nhiều trong việc vận hành các tuyến tiếp tế thông suốt và bảo vệ vùng đất mà họ đang kiểm soát.

Cuộc phản công của Ukraine, được hỗ trợ bởi pháo tầm xa do phương Tây cung cấp, đã giúp các lực lượng của họ tiến gần hơn đến thành phố Kherson, nơi có dân số dưới 300.000 người trước khi xung đột nổ ra vào ngày 24/2.

Nga chuyển từ thế tấn công sang phòng thủ ở miền Nam Ukraine

Các lực lượng Nga đã tiếp quản nhà máy nhiệt điện than lớn thứ hai của Ukraine ở miền Đông và đang tiến hành một đợt tái triển khai quân lớn tới 3 khu vực ở miền Nam đất nước, ông Oleksiy Arestovych, Cố vấn Tổng thống Ukraine, cho biết hôm 27/7, trong bối cảnh quân đội của Kiev đang tìm cách giành lại Kherson.

Trước đó, các lực lượng thân Nga hôm 27/7 tuyên bố đã chiếm được "nguyên vẹn" nhà máy nhiệt điện than Vuhlehirsk từ thời Liên Xô ở Donetsk, miền Đông Ukraine. Đây được coi là bước tiến đáng kể đầu tiên của Moscow trong hơn 3 tuần qua.

Ông Arestovych xác nhận việc nhà máy này rơi vào tay các lực lượng của Moscow, nhưng cho rằng đây chỉ là một "lợi thế chiến thuật nhỏ" đối với Nga.

Việc Nga tái triển khai xuống các khu vực ở miền Nam đất nước dường như là một bước chuyển từ thế tấn công sang thế phòng thủ chiến lược, Cố vấn Tổng thống Ukraine cho biết thêm, với việc các quân nhân được cử đến các vùng Melitopol, Zaporizhzhia và Kherson.

"(Điều này) sẽ đặt chúng tôi vào tình thế không thể giải phóng tất cả lãnh thổ của mình mà phải kêu gọi các cuộc đàm phán", ông Arestovych cho biết.

Thế giới - Ukraine quyết dồn Nga vào thế phải chọn “rút lui hoặc bị tiêu diệt”? (Hình 2).

Một phương tiện quân sự của Nga được nhìn thấy ở Kherson, miền Nam Ukraine. Ảnh: TRT World

Ukraine tăng cường tấn công Nga ở Kherson

Một cây cầu quan trọng dẫn vào thành phố Kherson đã hứng hàng loạt tên lửa từ các lực lượng Ukraine vào đầu ngày 26/7. Động thái trên nằm trong nỗ lực của người Ukraine nhằm cắt đứt các tuyến tiếp tế chính của Nga vào thành phố.

Lời kể của các nhân chứng và các video lưu hành trên mạng xã hội cho thấy có tới 18 vụ nổ trên cầu Antonivskiy bắc qua sông Dnepr, một trong những tuyến đường tiếp tế chính của Nga vào Kherson, với hệ thống phòng không chống tên lửa của Nga dường như không thể ngăn chặn các cuộc tấn công.

Các lực lượng vũ trang Ukraine đã công bố một đoạn clip dài 1 phút trên Telegram cho thấy vụ bắn tên lửa lúc 1h sáng hôm 26/7.

Trong một loạt video khác được đăng lên Telegram, trong đó có thể nghe thấy những tiếng nổ lớn, quân đội Ukraine nói thêm: “Các vụ nổ ở khu vực cầu Antonivskiy”.

Ông Anton Gerashchenko, một cố vấn cấp cao của Tổng thống Zelenskiy, đã trích dẫn các lực lượng vũ trang Ukraine trong một bản cập nhật được đăng vào sáng ngày 26/7: “HIMARS đã giáng thêm một đòn mạnh nữa vào một trong hai cây cầu, được đối phương sử dụng để chuyển quân. Hãy hy vọng rằng lần này cầu Antonivskiy sẽ không chịu được sức công phá của tên lửa HIMARS".

"Chúng tôi không phá hủy cơ sở hạ tầng, chúng tôi đang phá hủy kế hoạch của kẻ địch", bà Natalya Humenyuk, người phát ngôn của Lực lượng Phòng vệ phía Nam Ukraine, cho biết.

Tổng thống Zelenskyy cũng đã cam kết sẽ xây dựng lại cầu Antonivskyi và các giao lộ khác trong khu vực.

Thế giới - Ukraine quyết dồn Nga vào thế phải chọn “rút lui hoặc bị tiêu diệt”? (Hình 3).

Cầu Antonivskiy ở Kherson được nhìn thấy vào ngày 27/7/2022, không thể tiếp tục được sử dụng cho lưu thông do hậu quả của các đợt pháo kích. Ảnh: The Guardian

Ông Kirill Stremousov, phó lãnh đạo chính quyền thân Nga tại tỉnh Kherson, xác nhận với truyền thông Nga vào sáng ngày 26/7 rằng cây cầu đã bị phía Ukraine pháo kích, sử dụng nhiều hệ thống pháo khác nhau, bao gồm hệ thống HIMARS do Mỹ cung cấp, và số lượng tên lửa "vượt quá 10".

Cây cầu vẫn đứng vững, nhưng mặt cầu đã bị thủng nhiều lỗ, ngăn không cho các phương tiện qua lại, ông Stremousov cho biết thêm.

Một số nguồn tin truyền thông Nga cho rằng cây cầu sẽ cần được "sửa chữa trên diện rộng".

Cầu Antonivskiy, dài 1,4 km, đã bị tấn công liên tục trong tuần qua khi Ukraine cố gắng cắt đứt một số tuyến đường mà Nga có thể sử dụng để di chuyển vũ khí hạng nặng đến Kherson và các khu vực lân cận, bao gồm cả con đường qua đập ở Nova Kakhovka gần đó.

Các lực lượng Ukraine ở miền Nam cũng tuyên bố đã hạ gục 66 binh sĩ của đối phương, đồng thời phá hủy 3 xe tăng và 2 bãi tập kết vũ khí trong 24 giờ qua. Trong khi đó, các lực lượng Nga đã tấn công thành phố Mykolaiv với các hệ thống tên lửa phóng loạt, phía Ukraine cho biết thêm.

Các báo cáo chiến trường không thể được xác minh độc lập.

Tổng thống Ukraine đề cử Tổng công tố viên mới

Tổng thống Volodymyr Zelenskyy hôm 27/7 đã đề cử ông Andriy Kostin, một nhà lập pháp từ đảng của mình, làm Tổng công tố viên tiếp theo của Ukraine.

Ông Zelenskyy đã yêu cầu quốc hội chấp thuận việc bổ nhiệm ông Kostin thay thế bà Iryna Venediktova.

Bà Venediktova và người đứng đầu Cơ quan An ninh Nội địa (SBU), Ivan Bakanov, đã bị sa thải vào đầu tháng này với lý do cả 2 đã thất bại trong việc loại bỏ gián điệp Nga trong các cơ quan trực thuộc ở các địa phương do Nga kiểm soát.

Chưa có thông tin về việc khi nào quốc hội Ukraine sẽ bỏ phiếu về việc bổ nhiệm ông Kostin làm Tổng công tố viên mới.

Thế giới - Ukraine quyết dồn Nga vào thế phải chọn “rút lui hoặc bị tiêu diệt”? (Hình 4).

Binh sĩ Ukraine di chuyển bằng xe tăng trên một con đường ở vùng Donetsk, miền Đông đất nước, ngày 20/7/2022, gần chiến tuyến giữa lực lượng Nga và Ukraine. Ảnh: CNBC

Thế giới - Ukraine quyết dồn Nga vào thế phải chọn “rút lui hoặc bị tiêu diệt”? (Hình 5).

Những tân binh tình nguyện cho Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ trong quá trình huấn luyện chiến đấu gần thủ đô Kiev, Ukraine, tháng 6/2022. Ảnh: NYT

Nga cắt giảm khí đốt qua Nord Stream 1 xuống còn 20% công suất

Tập đoàn năng lượng quốc doanh Gazprom của Nga hôm 27/7 đã giảm 1/2 lượng khí đốt tự nhiên chảy qua đường ống chính từ Nga đến châu Âu xuống còn chưa đầy 20% công suất, tương đương hơn 30 triệu m3/ngày.

Đây là lần cắt giảm nguồn cung khí đốt mới nhất của Nga cho châu Âu qua Dòng chảy Phương Bắc 1 (Nord Stream 1). Moscow viện dẫn các vấn đề kỹ thuật là lý do cho việc cắt giảm cung cấp khí đốt, nhưng các nước châu Âu gọi đây là một động thái chính trị nhằm gieo rắc sự bất định và đẩy giá năng lượng lên trong bối cảnh xung đột ở Ukraine vẫn đang tiếp diễn.

Hôm 25/7, gã khổng lồ năng lượng quốc doanh Nga thông báo sẽ cắt giảm dòng chảy khí đốt với lý do sửa chữa thiết bị, càng làm dấy lên lo ngại rằng Nga có thể đóng hoàn toàn van khí đốt tới châu Âu.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cáo buộc Nga cố tình cắt nguồn cung khí đốt để áp đặt "khủng bố giá" đối với châu Âu, và ông kêu gọi thêm các biện pháp trừng phạt đối với Moscow.

“Sử dụng Gazprom, Moscow đang làm tất cả những gì có thể để biến mùa đông tới đây trở nên khắc nghiệt nhất có thể đối với các nước châu Âu. Khủng bố giá phải được đáp trả - Hãy áp đặt các biện pháp trừng phạt”, ông Zelenskyy nói trong một bài phát biểu video hôm 26/7.

Sắp diễn ra điện đàm cấp Ngoại trưởng Mỹ-Nga?

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết ông đã lên kế hoạch về một cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov – cuối đối thoại đầu tiên giữa 2 nhà ngoại giao kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát thành hành động quân sự hồi cuối tháng 2.

Cuộc điện đàm này sẽ không phải là "một cuộc đàm phán về Ukraine", đồng thời khẳng định lại quan điểm của Washington rằng bất kỳ cuộc đàm phán nào về việc chấm dứt giao tranh đều phải diễn ra giữa Kiev và Moscow, ông Blinken cho biết tại một cuộc họp báo hôm 27/7.

Trong khi đó, Nga nói rằng chưa nhận được yêu cầu chính thức nào từ Washington về cuộc điện đàm giữa ông Blinken và ông Lavrov, hãng thông tấn Nga TASS đưa tin.

Mỹ đã đưa ra "một đề nghị đáng kể" đối với Nga về việc trả tự do cho các công dân Mỹ là ngôi sao bóng rổ WNBA Brittney Griner và cựu Thủy quân lục chiến Mỹ Paul Whelan, ông Blinken nói, mà không cung cấp thêm chi tiết.

Thế giới - Ukraine quyết dồn Nga vào thế phải chọn “rút lui hoặc bị tiêu diệt”? (Hình 6).

Một cảng ngũ cốc ở Odessa, miền Nam Ukraine, ngày 23/7/2022. Ảnh: NYT

Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 27/7, Ngoại trưởng Blinken đánh giá rằng cuộc chiến ở Ukraine đã làm suy yếu nước Nga "một cách sâu sắc" bất chấp việc Moscow khăng khăng khẳng định rằng họ đang phát triển thịnh vượng về mặt chính trị và kinh tế.

Sức mạnh ngày càng tăng của NATO, sự lên án toàn cầu đối với cuộc tấn công quân sự của Nga vào Ukraine và các biện pháp trừng phạt áp đảo đều chứng tỏ Điện Kremlin đã sai, ông Blinken nói.

“Điện Kremlin nói rằng các doanh nghiệp toàn cầu vẫn chưa thực sự rút khỏi Nga. Nhưng trên thực tế, hơn 1.000 công ty nước ngoài - đại diện cho tài sản và doanh thu bằng hơn 1/3 GDP của Nga - đã ngừng hoạt động ở Nga”, Ngoại trưởng Mỹ cho biết. “Họ nói rằng Nga đang thay thế hàng nhập khẩu bị mất từ phương Tây bằng hàng nhập khẩu từ châu Á. Nhưng trên thực tế, nhập khẩu vào Nga đã giảm hơn 50% trong năm nay…”

“Mặc dù Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể sẽ tuyên bố rằng cuộc chiến này là một thành công vang dội, thế giới có thể thấy rằng nó đã làm suy yếu nước Nga một cách sâu sắc”, ông Blinken kết luận.

Về thỏa thuận ngũ cốc, Ngoại trưởng Blinken cho biết thế giới đang chờ xem liệu Nga có thực sự thực hiện thỏa thuận nối lại xuất khẩu ngũ cốc với Ukraine hay chỉ ký thỏa thuận nhằm che mắt quốc tế.

Trung tâm điều phối chung (JCC) ở Istanbul, được đưa vào hoạt động hôm 27/7, gồm 20 nhân sự đến từ Ukraine, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc sẽ cùng nhau giám sát các chuyến hàng khởi hành từ 3 cảng của Ukraine và tiến hành kiểm tra các tàu đến để loại trừ khả năng buôn lậu vũ khí.

Minh Đức (Theo Reuters, The Guardian, TRT World, Al Jazeera, DW)

Chiều hướng mới trong xung đột Nga-Ukraine

Thứ 2, 25/07/2022 | 16:05
Khi xung đột Nga-Ukraine bước sang tháng thứ 6, điểm nóng giao tranh có xu hướng dịch chuyển sang miền Nam, với tuyên bố phản công ở Kherson vào tháng 9 của Ukraine.

Nga đang tìm cách chiếm lại thành phố lớn thứ hai của Ukraine?

Thứ 2, 18/07/2022 | 13:53
Khi vũ khí hạng nặng của phương Tây bắt đầu phát huy hiệu quả ở Ukraine, Moscow được cho đang tính toán tiếp cận Kharkiv, nơi quân Nga đã rút lui từ mấy tháng trước.

Ukraine đang “giữ sức chờ phát động”?

Thứ 6, 01/07/2022 | 14:54
Có vẻ người Ukraine lúc này đang nén mình lại như một cái lò xo, chờ thời cơ để phản công, giành lại những gì đã mất từ tay Nga.
Cùng tác giả

Góc nhìn Người Đưa Tin: 10 sự kiện nổi bật thế giới năm 2023

Thứ 2, 25/12/2023 | 07:15
Xung đột Nga-Ukraine, xung đột Israel-Hamas, cạnh tranh Mỹ-Trung, bất ổn ở châu Phi... là những sự kiện “tốn nhiều giấy mực” nhất của truyền thông trong năm qua.

Lãi suất cao ở Mỹ gây bất ổn tài chính tại Đông Á mới nổi

Thứ 2, 27/11/2023 | 10:11
Lập trường thắt chặt tiền tệ của Fed đã khiến thị trường chứng khoán ở khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc và Hàn Quốc, đi xuống.

3 hướng đi mới để phát triển con người khu vực Châu Á-Thái Bình Dương

Thứ 3, 07/11/2023 | 21:08
Theo UNDP, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đang đối mặt với 3 nhóm nguy cơ tồn tại đồng thời, bao gồm các mối đe dọa liên quan đến sự sinh tồn của con người.

Sức hút đầu tư của Pháp – Bài học cho Việt Nam

Chủ nhật, 15/10/2023 | 15:00
Chìa khóa để Pháp đạt được những “dấu son” trên hành trình tái công nghiệp hóa và thu hút đầu tư là cải cách. Đây cũng là bài học giá trị mà Việt Nam có thể học hỏi.

Cải cách giúp ADB biến “hàng tỷ” USD thành “hàng nghìn tỷ”

Thứ 6, 29/09/2023 | 09:31
Để đạt được điều này, huy động nguồn vốn tư nhân sẽ đóng vai trò then chốt.
Cùng chuyên mục

Mỹ lên kế hoạch nhằm rót thêm 50 tỷ USD cho Ukraine trước thềm bầu cử

Thứ 7, 04/05/2024 | 11:05
Đây là nỗ lực mới nhất của Mỹ nhằm bảo vệ sự hỗ trợ của đồng minh dành cho Ukraine khỏi những thay đổi chính trị ở cả đôi bờ Đại Tây Dương.

Thời điểm bước ngoặt của Nga hé lộ, khí tài Mỹ liệu có thể giúp Ukraine?

Thứ 7, 04/05/2024 | 10:00
Ukraine vẫn đối mặt với “thiếu hụt trầm trọng” hầu hết mọi thứ. Điều này khiến lực lượng Kiev gặp khó trong việc phản ứng trước các hoạt động của Nga.

Hải quân Mỹ được trang bị tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia mới nhất

Thứ 7, 04/05/2024 | 06:00
Các tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia nói chung có thể được trang bị tên lửa hành trình Tomahawk, tên lửa chống hạm Harpoon và ngư lôi tùy theo cấu hình và yêu cầu.

Hungary sẽ tăng chi tiêu quốc phòng nếu xung đột Ukraine kéo sang năm sau

Thứ 6, 03/05/2024 | 16:02
Hungary, mặc dù phản đối mạnh mẽ sự hỗ trợ tài chính-quân sự của phương Tây cho Ukraine vì lo ngại xung đột lan khắp Châu âu, cũng đã tăng mạnh chi tiêu quốc phòng.

Tình hình Ukraine: Nga vừa tiến vừa giành thêm lợi ích chiến thuật

Thứ 6, 03/05/2024 | 14:45
Các thông số hiện có cho thấy Nga đang tăng cường tập trung quân một cách bất thường ở vùng Donetsk.
     
Nổi bật trong ngày

Tình hình Ukraine: Nga vừa tiến vừa giành thêm lợi ích chiến thuật

Thứ 6, 03/05/2024 | 14:45
Các thông số hiện có cho thấy Nga đang tăng cường tập trung quân một cách bất thường ở vùng Donetsk.

Mỹ lên kế hoạch nhằm rót thêm 50 tỷ USD cho Ukraine trước thềm bầu cử

Thứ 7, 04/05/2024 | 11:05
Đây là nỗ lực mới nhất của Mỹ nhằm bảo vệ sự hỗ trợ của đồng minh dành cho Ukraine khỏi những thay đổi chính trị ở cả đôi bờ Đại Tây Dương.

Tên lửa LMUR Nga mạnh mẽ cỡ nào khi phá hủy các mục tiêu của Ukraine?

Thứ 6, 03/05/2024 | 09:55
LMUR được trang bị cho trực thăng Mi-28NM, Mi-8MNP-2 và Ka-52M. Tại khu vực diễn ra chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, LMUR hoạt động vô cùng hiệu quả.

Hải quân Mỹ được trang bị tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia mới nhất

Thứ 7, 04/05/2024 | 06:00
Các tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia nói chung có thể được trang bị tên lửa hành trình Tomahawk, tên lửa chống hạm Harpoon và ngư lôi tùy theo cấu hình và yêu cầu.

Mất thị trường khí đốt châu Âu, Gazprom Nga lần đầu báo lỗ đậm

Thứ 6, 03/05/2024 | 11:01
Cổ đông chính của Gazprom – Chính phủ Nga – phải đối mặt với căng thẳng tài chính trong bối cảnh chi tiêu quân sự tăng cao và các lệnh trừng phạt của Mỹ, EU.