img

Ước mơ đặc biệt của chàng trai lập lán bắt sóng học online trong mùa dịch Covid –19

Di Hân

Được trường cho nghỉ học vì dịch Covid-19 và học online, nhà lại ở cao nguyên đá, việc bắt sóng điện thoại rất khó. Thế nhưng cậu bé hiếu học đã tìm cách lập lán bắt sóng, duy trì việc học, nuôi ước mơ lớn trong đời.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất cao nguyên đá Đồng Văn, cuộc sống khó khăn khiến chàng trai Lầu Mí Xá (SN 1999, xóm Sủng Của- xã Sủng Trái, Đồng Văn, Hà Giang) quyết tâm học đại học bằng được để thoát nghèo khó. Từ sau Tết, dịch bệnh Covid-19 khiến em không thể đi học mà ở quê nhà. Vì nhà ở trên cao nên việc học online với em không dễ dàng. Nhà không thể bắt được sóng, em quyết định lập lán cách nhà 200m để có thể bắt được sóng, không bỏ lỡ bài giảng nào của thầy cô giáo.

Nghị lực của chàng trai nghèo"

img

PV liên lạc với Xá vào buổi gần trưa, nhưng khi đó cậu sinh viên đang say sưa với bài giảng trên điện thoại của cô giáo, em nhẹ nhàng xin phép hẹn khi khác.

Thấy bắt sóng điện thoại, em vui không tả, em quyết định dựng lán gỗ, làm một cái giường rồi che bạt để học. Tối hôm đầu tiên vừa dựng xong rủ bạn sang ngủ cùng thì nước mưa rơi xuống đúng ở chăn và người nên bị ướt hết. Chợ thì bị cấm họp...

Lầu Mí Xá nói...

Như bao đứa trẻ trên vùng cao khác, Lầu Mí Xá – chàng trai dân tộc Mông từ nhỏ đã phải sống tự lập vì gia đình khó khăn. Từ năm 12 tuổi em đã đi học nội trú, nên với việc làm tất cả công việc một mình đối với em đã quá quen thuộc.

Hiện đang là sinh viên năm 3, KH18QLC- chuyên ngành Quản lý công - Học viện Hành chính Quốc gia, dự định sẽ quay lại trường tiếp tục học sau kỳ nghỉ Tết nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, em được nhà trường thông báo nghỉ. Do nhà không có sóng, để nhận được thông báo nghỉ học của nhà trường, em phải đi tìm chỗ có sóng để vào được internet.

Lầu Mí Xá chia sẻ: “Được nghỉ học bản thân cảm thấy vừa vui, vừa buồn. Vui là bởi được ở nhà phụ giúp thêm bố mẹ, buồn là vì em không chuẩn bị được giáo trình và quê em không có sóng điện thoại, không có internet nên việc học online rất khó khăn”.

Nơi duy nhất trong thôn có thể kết nối Internet là điểm trường Sủng Của. Thế nhưng mới đây, chính quyền đã chọn đó là nơi cách ly tập trung cho những người đi làm ăn từ Trung Quốc trở về vì dịch bệnh Covid-19. Xá nghĩ, “có lẽ mình phải bảo lưu học kỳ này”.

Bắt đầu từ 6/4, nhà trường cho sinh viên học online, với chàng trai vùng cao, học online quả là thử thách lớn. Những tưởng khó khăn về điều kiện học tập sẽ làm nản chí chàng sinh viên H'Mông, nhưng bằng nghị lực vốn có, em vẫn cố gắng theo đuổi việc học đến cùng. Vào thứ 6 tuần trước, Xá lấy điện thoại thử đi đoạn đường vào bản, cách nhà 200m vô tình trên màn hình xuất hiện sóng, em nghĩ ra cách dựng một cái lán đóng ở chỗ có sóng để tiện cho việc học online.

img

Xán kể: "Thấy bắt sóng điện thoại, em vui không tả, em quyết định dựng lán gỗ, làm một cái giường rồi che bạt để học. Tối hôm đầu tiên vừa dựng xong rủ bạn sang ngủ cùng thì nước mưa rơi xuống đúng ở chăn và người nên bị ướt hết. Chợ thì bị cấm họp, mãi sáng hôm sau em qua nhà anh rể mang thêm bạt ra che lại, nên giờ em yên tâm hơn, thoải mái học online".

Để dựng được lán gỗ, em đã phải tự mình tìm gỗ, bạt và dựng tấm lán từ 8 giờ sáng đến xế chiều để có chỗ phục vụ cho việc học online. Nhà em cách trung tâm thị trấn Đồng Văn hơn 32km, mọi nguyên vật liệu đều tự tay em tìm, nhờ vả mới dựng lên được lán gỗ để học tập.

img

Thường mỗi ngày sẽ có 2 ca học trong một buổi sáng, Xá sẽ dậy từ 6h sáng ra lán bắt sóng, truy cập Internet để học bài. Xong em sẽ về nhà phụ giúp gia đình.

“Cả xóm 70 hộ, có mỗi mình em học đại học, nên em không rủ ai học cùng được cả, tối em ít ở lại ngủ, học xong em về nhà phụ giúp bố mẹ. Thời tiết trên này mấy hôm nay có mưa và sương giá, tối đến rất lạnh nên em học xong là về nhà ngay. Chỉ trừ hôm nào phải học tối em mới rủ bạn ra ở cùng cho đỡ sợ”, Xán chia sẻ.

Ước mơ được làm cán bộ của chàng trai H’Mông

Nhà của Xá có 3 chị em, anh trai cả mất khi em mới được 8 tuổi, chị gái lớn đã đi lấy chồng. Hiện, Xán là con trai duy nhất ở cùng với bố mẹ. Như những gia đình khác trên cao nguyên đá, bố mẹ em làm nông, trồng ngô chắt chiu từng đồng cho em đi học.

"Ước mơ trở thành cán bộ nhà nước luôn trong đầu em, dù khó khăn thế nào đi chăng nữa em vẫn quyết tâm theo đuổi đến cùng".

Chàng trai H'Mông tâm sự

img

Học hết lớp 12, bố mẹ mong Xá nghỉ học lấy vợ rồi ở nhà phụ giúp gia đình. Nhưng em không muốn như vậy. Em muốn học tiếp để thoát nghèo và thực hiện ước mơ của mình.

Ấp ủ trở thành một cán bộ nhà nước trong tương lai, chàng trai Lầu Mí Xá đã chọn chuyên ngành Quản lý công tại trường Học viện Hành chính Quốc gia để nuôi dưỡng ước mơ.

“Từ nhỏ em đã thích trở thành một cán bộ nhà nước, để sau này phục vụ, cống hiến cho đất nước. Nên em đã quyết tâm thi đỗ vào khoa Quản lý công để theo đuổi ước mơ của mình”, Lầu Mí Xá chia sẻ.

img

Nhưng nói đến đây giọng em bỗng ngưng lại, em tâm sự: “Học là thế nhưng em không quen ai làm trong nhà nước cả, nên xin việc có lẽ hơi khó. Nếu không xin được chắc em lại về làm nông dân thôi”.

Với học lực khá qua mỗi năm, em vẫn luôn cố gắng tìm tòi tài liệu, có khúc mắc thì hỏi thầy cô giáo, thời gian rảnh thì đọc thêm sách vở hoặc tìm trên mạng.

img

Nhưng vì cuộc sống khó khăn, để trang trải học phí và tiền sinh hoạt, khi có thời gian rảnh em chạy thêm grab để kiếm thêm thu nhập không phải xin bố mẹ.

Mỗi khi ở nhà em lại phụ bố mẹ những công việc hằng ngày. Như những ngày này được ở nhà, ngoài thời gian học online em thường phụ giúp mẹ chăm lo nhà cửa: cho gà ăn, cắt cỏ bò, cho lợn ăn,…

Xá chia sẻ, những ngày qua, hình ảnh của em được cô giáo tại trường chia sẻ nhiều, bạn bè, thầy cô biết đến tinh thần học tập của em khiến Xá thấy có thêm động lực.

“Thầy cô ở trường những ngày qua nhắn tin động viên em cố gắng rất nhiều, bạn bè cũng bảo ngưỡng mộ em khiến em bản thân em vui lắm, em mong mình sẽ đạt được ước mơ và truyền cảm hứng cho những bạn có hoàn cảnh khó khăn khác như em”, Xán hồ hởi chia sẻ.

img

Xá cho biết, ước mơ trở thành cán bộ nhà nước luôn trong đầu em, dù khó khăn thế nào đi chăng nữa em vẫn quyết tâm theo đuổi đến cùng dù cho kết quả ra sao thì em vẫn mãn nguyện với tất cả những gì cố gắng.

Chia sẻ về nghị lực vượt khó của chàng sinh viên Lầu Mí Xá, cô Lý Kim Bình (Phó phòng Quản lý Đào tạo và Phát triển nhân lực hành chính - Học viện Hành chính Quốc gia) cho biết, câu chuyện của Lầu Mí Xá được cô và các thầy cô trong trường biết được qua kênh của một sinh viên khác trong trường. Được biết, Lầu Mí Xá học nội trú từ năm 12 tuổi nên tính tự lập của em rất tốt. Em là tấm gương để những bạn sinh viên miền núi, những nơi còn gặp nhiều khó khăn phấn đấu, cố gắng học tập.

img

Từ những hình ảnh đẹp được chia sẻ trên mạng xã hội của Lầu Mí Xá, cô Lê Hương (nguyên giáo viên dạy Ngữ văn tại một trường cấp 3 Thái Nguyên) chia sẻ, biết đến tấm gương của em Xá, bản thân cô rất ngưỡng mộ và vui vì mặc dù hoàn cảnh có khăn, nhưng không có gì ngăn cản khát vọng học tập vươn lên của Xá.

“Những hình ảnh em gửi về cho cô giáo như một minh chứng sự nghiêm túc và quyết tâm mãnh liệt học tập để đạt kết quả trong kỳ thi sắp tới. Câu chuyện và những hình ảnh thật cảm động và đáng ngưỡng mộ, tinh thần tuổi trẻ và ý chí thanh niên của em cũng rất mạnh mẽ và quật cường như người dân nơi biên cương thân yêu ấy”, cô Hương xúc động nói.

“ Cao đo nỗi buồn; Xa nuôi chí lớn; ...Sống trên đá không chê đá gập ghềnh; Sống trong thung không chê thung nghèo đói...” (Y Phương).

cô Lê Hương tặng Xá 1 khổ thơ

img

Cô Hương tin rằng chàng trai của cao nguyên đá sẽ thành công! Như tiếng khèn Mèo mênh mang của chàng trai ấy cũng vượt qua mọi thử thách của cuộc sống để vút bay qua những triền đá...

“Qua đây cũng mong muốn làm sao người dân nơi biên cương Tổ quốc không bị khó khăn khi tiếp cận với công nghệ với Internet để “Miền núi tiến kịp miền xuôi”, cô Lê Hương gửi gắm.

Hình ảnh chàng trai nhỏ bé nhưng đầy nghị lực không quản khó khăn về địa hình, về thời tiết được lan truyền trên mạng xã hội đã tạo ra nguồn động lực, cảm hứng không chỉ cho những hoàn cảnh tương tự như em học tập. Mà còn là nguồn động lực, tinh thần lạc quan đến những thế hệ trẻ hiện nay.

D.H

img