Văn hóa 996 ở Trung Quốc mang đến những động lực lớn cho nền kinh tế, nhưng giờ giấc làm việc khắc nghiệt như vậy cũng gây tranh cãi vì sức khỏe.
Ngày 29/12 vừa qua, một nữ nhân viên tên Zhang, sinh năm 1998, ở Trung Quốc, đã qua đời ở tuổi 22. Nguyên nhân cái chết được cho là làm việc liên tục nhiều giờ liền vào ban đêm, dẫn đến quá sức và chết trên đường về nhà cùng đồng nghiệp lúc 1h30.
Bi kịch của cô gái trẻ một lần nữa trở thành đề tài tranh cãi trên mạng xã hội về văn hóa làm việc 996 - thuật ngữ mô tả lịch làm việc của giới trẻ hiện đại - từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày mỗi tuần. Từ trước đến nay, nhiều người vẫn ủng hộ cách làm việc như vậy, nhưng cũng không ít người lên án, đặc biệt sau cái chết của Zhang.
Về phía các công ty ủng hộ 996, họ cho rằng trong thời đại cạnh tranh này, tuổi trẻ cần phải nỗ lực vươn lên để có một cuộc sống vật chất tốt hơn, địa vị xã hội cao hơn. Nếu không muốn bị bỏ lại phía sau, chẳng còn cách nào hơn tự mình cố gắng. Thế nhưng, quan điểm trên đã nhận làn sóng chỉ trích mạnh từ cộng đồng mạng Trung Quốc, cho rằng đó chỉ là lời biện hộ cho hành động bóc lột sức lao động.
Dẫu rằng, với thời đại “miếng bánh thì bé mà thực khách lại đông” như hiện nay, thế hệ người trẻ phải nỗ lực rất nhiều nhưng cũng không đến mức phải chạy theo văn hóa 996 như một cách khẳng định mình. Chúng ta vất cả cả đời cũng chỉ để cho cuộc đời mình đỡ vất vả. Sau cùng, tiền bạc cũng không mang lại được sức khỏe và mạng sống. Chính vì vậy, quan điểm được nhiều người đồng tình nhất đó là nên lựa chọn môi trường làm việc tùy theo điều kiện, nguyện vọng, sức khỏe của bản thân.
Cái chết của Zhang trở thành lời cảnh tỉnh cho văn hóa làm việc "bán mạng" của người trẻ Trung Quốc. Nhân viên có thể muốn nỗ lực nhưng các công ty cũng cần có các tiêu chuẩn về môi trường 996 thế nào là vừa đủ để tránh những bi kịch như vậy tái diễn.
Hòa cùng sự phát triển nóng của khu vực, Việt Nam cũng trở thành quốc gia tăng trưởng nhanh, mạnh về nhiều lĩnh vực, đặc biệt là công nghệ, dịch vụ. Đây cũng là ngành thu hút nguồn lao động trẻ, nhiệt huyết. Họ cũng đang đi cùng với xu thế làm việc chăm chỉ, không gò bó giờ giấc của thế giới.
Vào thời điểm cuối năm, dạo qua các quán café mở 24/24 ở TP. HCM, không hiếm thấy hình ảnh nhiều bạn trẻ ngồi làm việc xuyên đêm. Họ là những người vẫn còn khối lượng công việc lớn cần giải quyết trước dịp Tết, cũng như học sinh, sinh viên tập trung cho kỳ thi.
Áp lực trước khối lượng công việc phải hoàn thành trước thềm năm mới khiến nhiều người trẻ phải làm xuyên đêm. Thậm chí có người còn thừa nhận dành hầu hết thời gian để ở đây, nhưng cũng có một số bạn trẻ quen phong cách “ngày chơi, đêm làm” chứ không thực sự bận rộn.
Họ thường biện minh rằng, đặc thù công việc của những người làm nghề sáng tạo cần một không gian yên tĩnh để tập trung. Cùng với đó, do quen làm việc đêm nên giờ đã thích nghi với múi giờ “nước ngoài”.
Thời gian đầu còn trẻ, khỏe thì thấy không có vấn đề gì, nhưng càng về sau sức khỏe càng suy giảm vì thức đêm nhiều, đồng hồ sinh học bị đảo lộn. Theo các chuyên gia, nếu không ngủ ít nhất 6 tiếng vào ban đêm, quá trình chuyển hóa chất của cơ thể sẽ bị xáo trộn. Thức khuya nhiều sẽ phá hủy các tế bào máu trắng, thành phần cung cấp khả năng miễn dịch cho cơ thể. Thức quá khuya vào ban đêm cũng tăng nguy cơ mắc bệnh tim, tổn thương não bộ.
Yêu cầu về thời gian cũng như khối lượng công việc là một chuyện, nhưng nhiều bạn trẻ lại đang cố tình làm việc theo phong cách “ngủ ngày cày đêm” cho thời thượng, bằng bạn bằng bè, lại là câu chuyện tự hại mình mà không được ích lợi gì.
Văn hóa 996 tạo nên động lực cho nền kinh tế ban đêm năng động của Trung Quốc, cũng như trở thành cơ hội cho mỗi cá nhân thể hiện năng lực, đóng góp và nhiệt huyết với công ty. Chúng ta bán sức khỏe nhưng nếu nhìn ở một góc độ tích cực hơn, đó là sự đóng góp chung và mang lại lợi ích khác bù đắp cho bản thân như thăng tiến, kiếm thêm thu nhập.
Còn việc thức đêm làm việc hời hợt để chạy theo phong trào thì chỉ hại mình mà cũng không đóng góp gì cho công việc chung. Đấy mới là kiểu bán mạng gây hại và cần chỉ trích.