img

Vấn nạn tham nhũng vặt, đừng để tình trạng “chặt vòi này, tòi vòi khác”

Dương Thu

Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 đang diễn ra tại Hà Nội, nhiều nội dung quan trọng được bàn thảo, trong đó có vấn đề nhân sự. Làm sao để chọn được người có tài, có đức, làm sao để “sâu mọt” không thể chui sâu, leo cao, làm sao đẩy lùi được tham nhũng - từ tham nhũng lớn đến tham nhũng vặt? PV Người Đưa Tin Pháp luật đã phỏng vấn ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

“Tiêu diệt” tham nhũng vặt - không đơn giản

Vì sao chúng ta chưa có được giải pháp thực sự tối ưu để tiêu diệt được “con bạch tuộc” tham nhũng vặt? Hay vì sự né tránh trách nhiệm và sợ ảnh hưởng lợi ích cá nhân của chính những cán bộ có chức có quyền, thưa bà?

Tôi đồng ý nhận diện hành vi tham nhũng vặt không khó, nhưng đấu tranh để chống lại nó, tiêu diệt nó thì không hề đơn giản. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng cơ bản là do chúng ta thiếu giải pháp tối ưu để giải quyết gốc rễ vấn đề tham nhũng vặt. Trong đó có sự né tránh trách nhiệm và sợ ảnh hưởng lợi ích cá nhân của cán bộ có chức, có quyền. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng đối với những hiện tượng tham nhũng vặt gắn với nhóm lợi ích, tạo thành một hệ thống tham nhũng mà sự chia sẻ lợi ích giữa các cá nhân được phân thành tầng bậc lớn nhỏ, có từng mắt xích nhỏ thực hiện hành vi tham nhũng vặt, nhưng lại có liên hệ với những mắt xích lớn là cán bộ có chức có quyền. Công phá nhóm lợi ích này thì quả là vô cùng khó.

Bên cạnh đó, có hiện tượng tham nhũng vặt mà hành vi tham nhũng được hình thành do sự thỏa thuận ngầm giữa người dân, doanh nghiệp với cá nhân, cơ quan quản lý Nhà nước. Và hành vi này được thiết lập dựa trên quan điểm “đôi bên cùng có lợi”.

Lẽ thường, nói chung về chống tham nhũng thì ai cũng ủng hộ, cũng thấy cần thiết. Nhưng khi cá nhân mình cần giải quyết một vấn đề liên quan tới bộ máy công quyền thì có thể sẵn sàng tiếp tay cho tham nhũng vặt. Hành vi chạy trường, chạy điểm, chạy việc, cậy nhờ làm thủ tục hành chính... với các loại phí “bôi trơn”, “cảm ơn” thuộc nhóm này. Khi cả hai bên đã thỏa thuận thì khó xử lý, bởi “chống ai, ai chống”?

Bà đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của một Hội nghị toàn quốc về chống tham nhũng vặt trong giai đoạn hiện nay như ý kiến của Thủ tướng Chính phủ từng nói với cử tri Hải Phòng khi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 6?

Đương nhiên là tôi ủng hộ và cho rằng việc mở Hội nghị toàn Quốc về chống tham nhũng vặt trong bối cảnh này là vô cùng cần thiết. Thực ra, vấn đề tham nhũng vặt không phải là vấn đề mới; nhưng điều dễ nhận thấy là dường như chưa lúc nào, hành vi tham nhũng vặt lại được nhận diện một cách rõ ràng như bây giờ; và dường như chưa lúc nào, sự tuyên chiến đối với tham nhũng nói chung, chống tham nhũng vặt nói riêng lại đồng thuận đến thế, đồng thanh đến thế. Đặc biệt là thái độ kiên quyết, mạnh mẽ của những người đứng đầu Đảng, Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ.

img

Do vậy, việc mở Hội nghị toàn quốc về chống tham nhũng vặt trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng, vì chúng ta cần biến quyết tâm thành hành động, chuyển ý chí thành giải pháp, cụ thể và hữu hiệu. Có như vậy mới đáp ứng được kỳ vọng và trả lại niềm tin cho nhân dân.

Khi tham nhũng vặt “quen mắt”, cán bộ sách nhiễu, cửa quyền

Mối họa của tham nhũng vặt sẽ nguy hiểm thế nào nếu chúng ta không nhanh chóng có giải pháp đẩy lùi và ngăn chặn, thưa bà?

Có thể mới nhìn qua, nhiều người sẽ nghĩ tham nhũng vặt thường chỉ là những hành vi nhũng nhiễu lặt vặt. Nhưng cứ hình dung, khi không được ngăn chặn, tham nhũng vặt lan ra diện rộng, có thể diễn ra mọi lúc, mọi nơi, dưới nhiều hình thức, với nhiều đối tượng.

Câu chuyện “tham nhũng vặt” đang diễn ra khắp nơi mà chúng ta không để ý nhiều đến mức chúng ta đã thấy “quen mắt”, thậm chí còn ngộ nhận, coi đó là hành vi ứng xử cần có trong giao tiếp xã hội, không làm thì bị coi là thiếu, người không đưa thì áy náy, người không được nhận thì ấm ức...

Lâu dần, xem hành vi hối lộ vặt ấy là đương nhiên và dần hình thành một đội ngũ những công bộc phục vụ dân hách dịch, cửa quyền, sách nhiễu... Đáng sợ hơn, nạn tham nhũng vặt có thể xảy ra ở bất cứ nơi đâu, với bất cứ ai, trong bất kỳ một tình huống nào, thậm chí “tham nhũng vặt” từ manh quần, tấm áo, cân gạo, gói mì của các nhà hảo tâm ủng hộ đồng bào bị lũ lụt.

Mặt khác, ăn vặt quen thì thành ăn lớn, các tham nhũng vặt tích lũy dần dần, thành tham nhũng lớn. Và điều đáng nói hơn, nạn tham nhũng vặt đang làm hình ảnh người Việt xấu đi, đang là rào cản để thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài. Rõ ràng hậu quả của tham nhũng vặt đã và đang tác động hết sức tiêu cực tới phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Theo bà, vai trò giám sát của ĐBQH trong vấn đề chống tham nhũng vặt hiện nay được thể hiện thế nào?

Đại biểu Quốc hội tham gia vào cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng vặt thông qua chức năng, nhiệm vụ đã được luật định, cụ thể là: Tham gia hoạt động lập pháp, tạo hành lang pháp lý đủ mạnh và có tính răn đe (Quốc hội khóa XIV vừa thông qua Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi tại kỳ họp thứ 6); tham gia phê chuẩn và kiểm soát ngân sách, quyết định các chương trình, dự án quan trọng của quốc gia bảo đảm sự minh bạch tài sản và thông tin trong hoạt động của bộ máy Nhà nước.

Đặc biệt là thực hiện quyền giám sát của Quốc hội trong công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam thông qua phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng, tập trung giám sát chặt chẽ thường xuyên hoạt động của các cơ quan có chức năng chuyên trách về phòng, chống tham nhũng dưới nhiều hình thức: Tổ chức đoàn giám sát, chất vấn các thành viên của Chính phủ và các cơ quan tư pháp; tổ chức phiên giải trình đề làm rõ trách nhiệm của các cơ quan Chính phủ trong thực hiện luật pháp, chính sách... Có thể nói, đấu tranh chống tham nhũng nói chung, tham nhũng vặt nói riêng là vấn đề mà các đại biểu Quốc hội luôn ưu tiên trong hoạt động của mình.

“Thói quen” núp bóng quà tặng

Như bà từng phát biểu tại Quốc hội, tội phạm "tham nhũng vặt" như đưa phong bì lót tay, nhờ người chạy trường, chạy việc, chạy điểm, chạy chức, chạy án đã trở thành thói quen. Làm sao để những thực tế đó sẽ không trở thành nét văn hóa xấu xí của người Việt như thời gian qua và cần làm gì khi có một số quan điểm coi “tham nhũng vặt” như một trong những cách giao tiếp và làm ăn chứ không phải là góc độ đạo đức công vụ hay vi phạm pháp luật?

Tham nhũng vặt là một thực trạng đã và đang diễn ra, ngày càng biến tướng dưới nhiều các hình thức khác nhau: Phí lót tay, phí bôi trơn, quà tặng, quà cảm ơn... thậm chí còn được gọi là “Văn hóa phong bì”; và khái niệm “chạy” đã trở thành từ ngữ thông dụng của người Việt, thậm chí cả trẻ em cũng dùng.

Thực tế đáng buồn là nét “văn hoá xấu xí” này đang dần hình thành, ngày càng phổ biến trong xã hội và trở thành thói quen của số đông. Để ngăn chặn tình trạng này, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp:

Trước hết, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp lý với chế tài đủ mạnh.

Thứ hai, phải nhận diện rõ hành vi tham nhũng vặt và hậu quả của nó, tuyên truyền để mọi người hiểu việc tiếp tay cho tham nhũng vặt là thứ “văn hoá xấu xí” đáng xấu hổ, đáng lên án; phải có sự đồng thuận, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị cùng tất cả cộng đồng, xã hội và người dân;

Thứ ba, cần đẩy mạnh chương trình cải cách hành chính toàn diện; công khai, minh bạch về thông tin, thủ tục; tùng bước xóa bỏ cơ chế xin - cho.

Thứ tư, phải xây dựng văn hóa và đạo đức công vụ trong công chức, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu. Chú trọng khâu tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục, quản lý cán bộ công chức của cơ quan Nhà nước. Xử lý nhanh và kiên quyết những cán bộ thoái hóa, biến chất, hách dịch, vòi vĩnh nhằm thực hiện hành vi “tham nhũng vặt” thông qua vị trí công tác của mình. Phải tạo môi trường làm việc lành mạnh với cơ chế quản lý, giám sát, kiểm soát công chức, viên chức gắn với chính sách thoả đáng để người làm việc trong bộ máy nhà Nước không thể tham nhũng, không dám tham nhũng, không cần tham nhũng như nhiều nước đã làm.

Không phải cứ đến bệnh viện, trường học, đi xin việc… là phải đưa phong bì, phong bao

Tiếp xúc cử tri tại quận Lê Chân, Hải Phòng sau kỳ họp thứ 6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng tham nhũng vặt còn là vấn đề nhân dân rất kêu ca, gây phiền lòng người dân. Đây là thói xấu phải lên án, giám sát, có biện pháp kiên quyết để người dân yên tâm.

Cho biết việc sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc chống tham nhũng vặt, Thủ tướng nêu rõ "tham nhũng lớn chúng ta đã nghiêm trị rất nhiều, nhiều cán bộ có liên quan đã bị xử lý nghiêm theo pháp luật nhưng tham nhũng vặt còn là vấn đề nhân dân rất kêu ca. Tiền không phải quá nhiều nhưng gây phiền lòng người dân. Đây là thói xấu phải lên án, giám sát, có biện pháp kiên quyết để người dân yên tâm chứ không phải cứ đến bệnh viện, trường học, đi xin việc, rồi việc này việc khác phải đưa phong bì, phong bao”.

Thủ tướng nhất trí, phải xử lý nghiêm tội phạm tham nhũng với tinh thần là không có vùng cấm trong công tác này. Theo Thủ tướng, trong bất kỳ trường hợp nào cũng phải chọn người có đức, có tài, đi liền với phòng chống tham nhũng, công khai tài sản.

Trân trọng cảm ơn bà!

D.T

img