Một loài hoa đời thường đã “nhón bước” thanh tao bước vào thi ca nhưng lại bị trở ra đời thường theo cách vô cùng đông đảo và “hung hãn”. Ô hay! Yêu thương là vô giá, nhưng yêu thái quá thì lại là… vô duyên(!!)
Sáng 18/7, trong cái nắng oi ả như muốn “bức tử” hết những dịu dàng trầm mặc của Hà Nội phố, nhiều người ngỡ ngàng chứng kiến trên phố Trích Sài (phường Bưởi, quận Tây Hồ), hơn 100 gốc hoa Sữa bị cưa cành, cắt ngọn để chuẩn bị bứng đi nơi khác.
Hỏi ra mới biết, cái loài hoa được coi là linh hồn của Hà Nội, chỉ vì nhiệt tình thái quá, dâng hiến đến quên mình nên đã bị người dân nơi đây cực lực phản đối, đòi “nghỉ chơi”. Và chính quyền địa phương cực chẳng đã cũng phải làm cái việc chặt hạ “linh hồn Hà Nội” hòng cứu lấy giấc ngủ bình yên cho nhân dân.
Có điều, một chi tiết khiến nhiều người chú ý đó là, ông Phạm Xuân Đức, Bí thư phường Bưởi cho hay, phường đã kiến nghị và được quận Tây Hồ cũng như thành phố Hà Nội phê chuẩn kế hoạch chuyển bớt khoảng 100 cây hoa Sữa lên trồng tại khu vực bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) để … hạn chế mùi rác thải.
Nghĩ mà thương loài hoa thanh tao đã từng gây thương nhớ và làm thổn thức bao trái tim người Hà Nội, nhất là những người Việt xa xứ. Vì đâu nên nỗi??
…..
Còn nhớ, năm 1978, khi bộ phim “Hà Nội mùa chim làm tổ” của đạo diễn Đức Hoàn được trình chiếu, ca khúc trong phim khi ấy đã khiến rất nhiều khán giả xúc động. Đến giờ, sau hơn 40 năm, mỗi âm điệu và ca từ mượt mà “Em vẫn từng đợi anh/Trên những chặng đường quen/Tiếng hát ai xao động/Thoáng mùi hoa êm đềm…” hay “Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm/Có lẽ nào anh lại quên em?” vẫn khiến cho không ít người thổn thức.
Những năm sau đó, hoa Sữa được biết đến nhiều hơn và đi vào thi ca cũng nhiều hơn. Điều đặc biệt là xuất hiện ở đâu thì loài hoa này cũng để lại ấn tượng về sự mong manh, mơ hồ, thi vị như chính tiết trời Hà Nội vào thu – mùa sinh trưởng hàng năm của nó.
Nhà thơ Nguyễn Phan Hách có những câu thơ dịu dàng, vương vấn: “Tuổi mười lăm em lớn từng ngày/ Một buổi sáng bỗng thành thiếu nữ/ Hôm ấy mùa thu anh vẫn nhớ/ Hoa sữa thơm ngây ngất bên hồ…”
Nhạc sĩ Trương Quý Hải, Hoàng Hiệp thì viết nhạc về hoa Sữa êm đềm thế này: “Hoa sữa thôi rơi, em bên tôi một chiều tan lớp”, “Nhớ phố Quang Trung, đường Nguyễn Du những đêm hoa sữa thơm nồng”…
Đấy, chính từ chỗ yêu quá, thổn thức quá mà không biết thế nào những năm 2007 - 2008, Hà Nội bỗng chứng kiến nhiều cuộc “đổ bộ” của hoa Sữa. Người ta trồng nó khắp nơi, đầu phố đến cuối phố cứ vài mét một cây.
Nếu trước kia hoa Sữa là đặc trưng của phố Quang Trung, đường Nguyễn Du thì nay dọc các con phố mới của Hà Nội như: Duy Tân, Tôn Thất Thuyết, Mễ Trì, Lê Đức Thọ, Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh… loài cây này được trồng đại trà, dày đặc.
Hậu quả là đôi lứa yêu nhau không thể dừng hôn tạm biệt bên gốc hoa vào những đêm đông Hà Nội mà phải nín thở đi qua nhanh. Thứ mùi nhức nhối cũng khiến cụ già khó chìm vào giấc ngủ. Quán trà đá cuối phố trước đây bán được vài chục ấm thì nay dăm ấm không xong vì người ta không thể ngồi uống trà Sen trong tình cảnh bị cưỡng bức ngửi thêm mùi hoa Sữa…
Phong trào anti hoa Sữa rầm rộ trên báo chí và mạng xã hội. Người ta chế lời bài hát “Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm” thành “Hoa sữa vẫn nồng nặc cả phố phát điên”. Thậm chí có người còn hài hước đùa rằng phải trói nhạc sĩ Hồng Đăng vào gốc hoa Sữa, còn người nhạc sĩ già lên báo phân trần rằng bản thân ông không ngờ rằng bài hát lại “thoát thai” từ bộ phim để ra đời và để lại sức ảnh hưởng lớn đến vậy.
Thế là, những nơi nào mà trước đây có phong trào trồng hoa Sữa dày đặc thì sau đó cũng lần lượt phải chặt bỏ bớt, không chỉ Hà Nội mà cả ở các tỉnh thành khác như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Lạng Sơn, Quảng Nam…
Thậm chí, năm 2011, cùng lúc xảy ra hai “vụ kiện hoa Sữa” hi hữu ở TP.Trà Vinh và Đà Nẵng. Chính quyền 2 thành phố đó đã phải thụ lý vụ kiện và chặt hạ đi hàng nghìn gốc cây.
…..
Lại nói về chuyện dùng hoa Sữa để khử mùi, thì đây là vấn đề không mới. Hoa sữa có tên khoa học là Alstonia scholaris L. R. Br. thuộc chi Hoa Sữa, họ Trúc đào (Apocynaceae). Trên thế giới, nó cũng có nhiều tên gọi khác nhau như cây bảng đen, cây pho mát trắng, thậm chí: cây của ác quỷ (Devil's tree).
Tại Việt Nam và đặc biệt là Hà Nội, hoa Sữa được trồng nhiều nhất vào thời kỳ Pháp thuộc, trên những tuyến phố quanh khu biệt thự gần hồ Hale (hồ Thiền Quang). Theo một số người già còn sống ở khu vực này thì mục đích người Pháp trồng loài cây này dọc đường để ngăn mùi hôi từ nhà vệ sinh thô sơ không lan vào nhà.
Không biết Hà Nội có phải đang học tập kinh nghiệp của người Pháp hay không. Nhưng có một thực tế phải nhìn nhận là, bãi rác Nam Sơn chính thức đi vào hoạt động từ năm 1999 theo công suất thiết kế ban đầu để xử lý khoảng 1.000 tấn rác/ngày đêm, tuy nhiên, hiện nó đang phải tiếp nhận khoảng 4.000 tấn rác (thậm chí những đợt cao điểm lên tới 6.000 tấn/ngày đêm) khiến lượng rác tồn đọng khá lớn. Chính vì vậy, mấy năm qua đã xảy ra nhiều lần đình công khi người dân chặn không cho xe chở rác từ thành phố vào chôn lấp.
Vậy, liệu có phải là vô tâm với người dân Nam Sơn quá hay không khi mà quanh năm họ đã phải ngửi mùi rác thải nay lại phải ngửi thêm mùi hoa Sữa? Và bao nhiêu cây hoa Sữa thì khử được mùi của 4.000 – 6.000 tấn rác thải hàng ngày?
…..
Cần thẳng thắn nhìn vào điểm yếu của chúng ta là: Quy hoạch cây xanh thiếu đồng bộ, thiếu tính toán và giải pháp xử lý chất thải đang bộc lộ hạn chế (trong khi các nước trên thế giới sử dụng công nghệ đốt rác, tầng hơi và nhiều công nghệ hiện đại khác thì Việt Nam vẫn chỉ chôn lấp thô sơ).
Hoa sữa không có lỗi, kể cả có lúc nó khiến nhiều người thốt lên: “Chết! Thơm thế này thì chết...”. Chính nó, cùng với nhiều thành tố văn hóa khác đã làm nên biểu tượng Hà Nội thanh lịch, sang trọng.
Sự yêu mến hoa Sữa thái quá gây ra những hệ luỵ vừa buồn lại vừa … buồn cười (!!) Đã đến lúc nên để hoa Sữa được về nhà của nó – ngôi nhà thi ca nơi mà nó gợi nhớ đến Hà Nội trầm buồn thanh lịch cuối Thu đầu Đông, nơi tình yêu đôi lứa được thăng hoa thêm nhờ một làn hương hoa, chứ không phải xuất hiện ở nơi mùi rác rưởi bủa vây khiến người người bịt mũi…
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả