Sự trở về mỗi mùa Tết sang của những đứa con luôn là một niềm an ủi với bố mẹ, là một lời khẳng định đầy kiên quyết sau những ngày tháng xa nhà, vật lộn với cuộc sống tự lập, rằng: Con vẫn ở đây, con vẫn ổn!
Tết này lại nhớ Tết xưa (Ảnh minh họa)
Tôi từng tình cờ đọc những dòng này của dì Tư vào mùa Tết năm cũ. Lâu nay vẫn hay nghĩ ngợi, mà thấy nó thực đúng với mình, với những người trẻ đang tập trưởng thành, tập lớn lên:
“Ngày xưa, tôi luôn chờ đợi Tết, vì nó rất đáng chờ đợi. Bây giờ thì tôi cũng vẫn còn chờ Tết, không phải vì áo mới, vì dưa hấu, mà muốn kết lại một chặng đời, để sau Tết mình sẽ sống những ngày mới. Để thấy những lỗi lầm, những dại dột đã thuộc về quá khứ, không thể chỉnh sửa. Thôi, không thèm day dứt…”.
Khoảng chừng một năm về trước, cũng thời điểm này, chị leader dự án Đọc để trưởng thành nhắn tôi, bảo chuẩn bị tinh thần đọc radio Tết nhé. Lúc đấy tôi đau họng, ốm nữa, nhưng vì kịch bản hay quá, mà tôi thì vốn là đứa xưa nay thích ôm đồm, nên là mặc cho những sự bận rộn xung quanh, tôi vẫn vâng, chị cứ yên tâm nhé em sẽ gửi chị bản thu sớm nhất. Chớp mắt một cái, thế mà một năm nữa lại đi qua, với biết bao toan lo, bộn bề của cuộc sống thường nhật.
Và dù muốn hay không, thì Tết đến vẫn đến, với mỗi người. Mỗi người, mỗi tuổi lại có một cảm nhận về tết rất riêng. Người ta hay bảo, tết xưa thì đậm vị, Tết nay thì nhạt. Nhưng có phải thật thế không khi mà vị của tết, là thứ do chính con người nhen nhóm, do chính con người tạo nên?
Đàn cháu tíu tít vây quanh nồi bánh chưng... (Nguồn: Internet)
Năm nhất, để phục vụ cho ngành học của mình, tôi có apply vào một công ty truyền thông, mảng tin tức. Dạo này, gần tết, các anh chị trong công ty bàn luận thật xôn xao, tôi vốn là lính mới, chưa thật quen với guồng công việc nên cứ cắm cúi vào máy tính cả buổi làm. Cho đến khi, một người anh cùng phòng với tôi bảo, lớn lên, chẳng còn chút cảm xúc nào mong Tết nữa. Có phải thế thật không? Tôi tự hỏi chính mình, cả ngàn lần, rằng, tôi, có còn thực sự mong Tết đến?
Tôi thì vẫn mơ về Tết, nhưng có lẽ niềm mơ của tôi, không nằm ở áo mới, đồ ăn ngon, hay lì xì đỏ nữa. Đơn giản vì, tôi đã bước qua cái tuổi ấy rồi. Giờ, niềm mơ của tôi được đặt vào khoảnh khắc, có thể an lành ngồi lại cùng những người thân yêu, có thể gác lại hết âu lo của cuộc đời như những gì mình đã trải suốt một năm qua. Sự xuất hiện của mình ở nơi được gọi là nhà mỗi dịp Tết đến xuân về, tôi thấy nó giá trị lắm. Có thể sẽ chỉ là để lắng nghe dăm ba câu hỏi chuyện học hành, công việc, yêu đương, hay xa hơn là chuyện từ mấy chục năm trước, bố mẹ, ông bà, thời ấy đã từng đón Tết như thế nào. Thế nhưng, bằng cách này hay cách khác, sự trở về mỗi mùa Tết sang của những đứa con luôn là một niềm an ủi với bố mẹ, là một lời khẳng định đầy kiên quyết sau những ngày tháng xa nhà, vật lộn với cuộc sống tự lập, rằng: Con vẫn ở đây, con vẫn ổn!
Năm nay, dịch Covid-19 bùng nổ trở lại, nhiều người bạn của tôi cũng tâm sự, phải hủy vé máy bay về quê, Tết này ở lại Hà Nội một mình. Nhiều người khác cũng hủy vé máy bay nhưng ở trong một trường hợp khác thì bảo, “Tết này không đi du lịch được rồi, nghĩ mà chán!”. Một vài đứa khác, ở trời Tây gọi về thì than thở: “Dịch thế này, sao về được Việt Nam đây?”. Ấy vậy đấy, cái niềm mơ được trở về với một số người hóa ra với một số người khác lại là chuyện đương nhiên, thường tình.
Tết xưa không thể thiếu việc gói bánh chưng... (Nguồn: Internet)
Nhìn ở một góc độ nào đấy, tôi vẫn cho rằng, Tết giống như một cái cớ để trở về, một cái cớ để người ta xích lại gần nhau hơn, ở cùng những người thân yêu ruột thịt nhiều hơn một chút. Cùng nhau quây quần bên nồi bánh chưng, đi qua đêm 30 để đón khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Cùng nhau ăn một bữa tất niên, đi thăm họ hàng nội ngoại. Cái cùng nhau ấy, bước qua tuổi thơ, dễ gì mà có được. Biết đâu mai này rời xa chốn cũ, đến những mảnh trời xa lại thấy nhớ mùi, nhớ vị, của Tết quê hương.
Vị của Tết, đậm, ngọt, nhạt như thế nào, âu cũng là do cách cảm, cách nghĩ, và sâu xa hơn, là sự lựa chọn của mỗi người. Nếu chúng ta chọn niềm vui, chọn hạnh phúc, chọn những phút giây bên đầm ấm gia đình, thì hạnh phúc cũng sẽ chọn chúng ta. Mỗi người có một con đường riêng để đi, có một vị giác riêng để cảm. Tết, cũng chỉ là 3 ngày trong 365 ngày của 1 năm. Có chăng, đó là khoảnh khắc rảnh rỗi đặc biệt hơn để ta ngồi xuống và nhìn lại những gì đã qua. Khoảnh khắc lắng lòng mình như thế, đâu phải điều ta dễ dàng có được.
Thôi thì cũng cầu mong, cho tất cả những người con xa xứ, và những kẻ may mắn hơn có cơ hội được trở về, được nằm trong ấm êm của hạnh phúc gia đình thật nhiều niềm vui để cùng nhau đi thêm một năm nữa, với những thách thức và cơ hội đang đón đợi mỗi người.
Thanh Hà (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) *Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!
* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin Pháp Luật.