Trước khi “sóng gió” vì xuất hiện một vị chánh văn phòng TAND huyện trốn nã 26 năm, Cao Phong vẫn yên ả sản xuất những vựa cam mới tươi ngon, chín ngọt và chuyển đi khắp các nơi trên cả nước...
Câu chuyện trốn nã vốn chẳng có gì khủng khiếp khi nó xuất hiện như cơm bữa. Năm này qua năm khác, người ta truyền tai nhau về một nữ quái buôn người, một tên trùm ma túy, một nữ gia sư trốn nã mấy chục năm trời. Ngày này qua ngày khác, báo chí truyền thông đưa tin ông chủ Nhật Cường hay một vị chính khách nào đó cũng rơi vòng lao lý và trốn nã...
Tất nhiên, có những kẻ trốn nã thành công, nhưng không ít trong số đó bị lôi ra ánh sáng để trả giá cho hành động của mình.
Câu chuyện chỉ trở nên bi hài khi, có những người trốn nã thành công... ngoài mong đợi như vị Chánh văn phòng TAND huyện Cao Phong - Nguyễn Quang Huy (SN 1973, trú tại TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình).
Nghe đâu, Huy bị truy nã vào năm 1993 sau khi phạm tội "Phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia". Cụ thể hơn, Nguyễn Quang Huy cùng 4 bị cáo khác có hành vi phá hoại một công trình trong hệ thống Thủy điện Hòa Bình, vốn là công trình an ninh quốc gia. Kết quả, 4 đồng phạm đã bị đưa ra xét xử trước pháp luật. Chỉ riêng Huy bỏ trốn khỏi địa phương.
Tưởng chừng mọi việc rơi vào quên lãng, bỗng một ngày đẹp trời trong tháng cuối năm, Huy bị “lộ sáng”. Nguyễn Quang Huy bị bắt giữ khi đang giữ chức vụ Chánh văn phòng TAND huyện Cao Phong.
Gọi là trốn nã, nhưng Huy không sống chui lủi như nhiều tên tội phạm. Thực tế Huy vẫn điềm nhiên sinh sống tại địa phương – nơi mình đã từng gây ra vụ án. Thậm chí, Huy còn được bổ nhiệm giữ chức Chánh văn phòng TAND huyện Cao Phong - một cơ quan nhà nước liên quan đến pháp luật.
Quá trình công tác, Huy được TAND tỉnh Hòa Bình cử đi học lớp nghiệp vụ Thẩm phán. Nhưng rất tiếc, quá trình xác minh lý lịch người thân của Huy để bổ nhiệm, cơ quan chức năng phát hiện Huy có lệnh truy nã cách đây đã 26 năm. Con đường quan lộ của Huy một lần nữa khép lại sau song sắt, bên chiếc còng số 8. Thế mới thấy, có những lời răn của người xưa muôn đời đúng. Rằng “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”.
Dư luận băn khoăn: Tại sao sau quá trình truy nã, Huy lại có thể “tái sinh” thần kỳ ở một vị trí cũng thần kỳ: Chánh văn phòng TAND huyện Cao Phong?
Có lẽ, Huy là một người học cao biết rộng. Dù không “thần thông quảng đại” như Tôn Ngộ Không, nhưng trong số 72 phép biến hóa của Địa Sát, Huy cũng áp dụng thành công vài chiêu thức. Gã dùng phép Trượng Giải, vứt bỏ thân thể để "tiên thăng", chạy trốn khi gặp nguy cấp. Rồi đằng đẵng gần 3 chục năm trời, Huy tàng hình trước thiên hạ bằng phép ẩn hình; dùng phép giả hình để người đời không thể nhòm ngó...
Nhưng rất tiếc, biển học vô biên, có lẽ Huy xem Tây Du Ký nhiều nhưng chưa kịp đọc hoặc chưa kịp ứng dụng hết 36 kế trong Binh pháp Tôn Tử. Huy quên mất “chuồn là thượng sách”.
Trước Huy, Trịnh Hữu Vinh (SN 1989, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) – một cựu công an đã đến cơ quan chức năng tự thú vào tháng 12/2018 khi phát hiện mình bị truy nã về hành vi cướp giật từ hơn 10 năm trước. Thiên hạ cũng xì xào không ít, tại sao một kẻ trộm cướp có thể bước vào ngành? Nhưng rồi mọi chuyện cũng nguội dần sau khi Vinh đầu thú.
Trong khi đó, câu chuyện tương tự vậy lại tiếp tục tái diễn ở Hòa Bình với mức độ nghiêm trọng hơn. Huy – một tên tội phạm còn lắm sân si, chưa thể buông bỏ nhiều thứ ở đời vẫn ung dung làm quan ít nhất 2 năm sau khoảng thời gian dài trốn nã. Chưa dừng lại, Huy còn muốn tiếp tục tiến thân vào con đường quan lộ ở vị trí cao hơn nữa.
Một kẻ đi ngược lại pháp luật làm việc ở TAND huyện Cao Phong, nghe không chỉ nực cười mà còn thật trơ tráo!
Tôi không tin Huy là một tên tội phạm trốn nã êm đềm và may mắn. Dù sao, gã cũng chỉ là “người trần mắt thịt”. Những điều không tưởng, không tồn tại ở cõi trần như vậy không thể nào một tay gã làm. Tôi đồ rằng, để giúp Huy ẩn mình an toàn lâu đến vậy, phải là tấm bình phong đầy chắc chắn. Nhưng thực hư như nào, có lẽ phải đợi kết luận của cơ quan điều tra.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả