Không soi gương không làm chúng ta đẹp lên. Bỏ camera lớp học không làm giáo viên yêu thương học sinh một cách tự nhiên hơn nếu như bản thân giáo viên đó không có lòng bao dung, độ lượng…
Vụ việc cô giáo H - chủ nhiệm lớp 2/11 trường tiểu học Phan Chu Trinh (Q.Tân Phú, TP.HCM) - tát, véo tai, quát tháo học sinh bị “lộ sáng” bởi camera lớp học đang khơi mào cho nhiều cuộc tranh luận trái chiều.
Trong khi đại đa số lên án cô giáo này để phản đối bạo lực học đường thì cũng có một số ý kiến “lội ngược dòng” bênh vực cô giáo, cho rằng cô H là nạn nhân của Hiệu trưởng trường tiểu học Phan Chu Trinh do trước đó từng làm đơn tố cáo một số sai phạm của Hiệu trưởng.
Ý kiến này lập luận rằng trường học nói trên là trường hiện đại kiên cố, có hàng rào và bảo vệ nên phụ huynh không thể tự ý vào lắp camera, chắc chắn lớp cô H đã bị Hiệu trưởng âm thầm cho lắp camera để trù dập.
Một số ý kiến khác thì biện minh cho hành vi đánh mắng học sinh của cô H là do đặc thù nghề giáo không tránh khỏi những lúc áp lực vì gặp phải học sinh khó bảo, vân vân…
Rồi từ chỗ bênh vực giáo viên nọ, nhiều giáo viên khác lên tiếng phản đối chiếc camera, đổ lỗi vì có camera mà họ phải trở thành những “nhà giáo diễn viên”, phải yêu thương học sinh một cách giả tạo dưới sự giám sát của những ánh nhìn.
Là một phụ huynh học sinh lớp 2, tôi cực lực phản đối những sự thông cảm dễ dãi nói trên. Vì những lý do sau đây:
Thứ nhất: Đành rằng mỗi nghề đều có đặc thù với những khó khăn áp lực riêng, nhưng nhìn nhận đặc thù nghề nghiệp để tìm ra giải pháp chứ không có nghĩa là thỏa hiệp với những sai phạm đặc thù đó. Nếu chúng ta chấp nhận việc giáo viên đánh học sinh thì chả lẽ cũng phải thông cảm với ngành Tòa án xử oan sai, ngành Y tế sơ ý làm chết người hay sao?
Thứ hai: Chuyện ai lén cài camera vào lớp cô H và chuyện cô H đánh mắng học sinh là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Cô H đáng được khen ngợi, nể phục vì hành động đấu tranh đẩy lùi tiêu cực (nếu có), nhưng hành động đó không thể bào chữa cho sai phạm của mình trên phương diện là một giáo viên đứng lớp.
Thứ ba: Chiếc camera hoàn toàn không có tội, nên coi nó như chiếc “gương soi” hành vi, thói quen, tương tự như chiếc gương soi dung mạo chúng ta khi ở nhà. Bản thân chúng ta như thế nào thì những chiếc gương phản ánh trung thực thế ấy. Không soi gương không làm chúng ta đẹp lên. Cũng vậy, bỏ camera lớp học không làm giáo viên yêu thương học sinh một cách tự nhiên hơn nếu như bản thân giáo viên đó không có lòng bao dung, độ lượng với học sinh và có tâm với nghề giáo.
Thứ tư: Một vấn đề không mới nhưng chưa khi nào bớt tranh cãi, đó là vấn đề có ủng hộ sử dụng đòn roi trong môi trường giáo dục hay không.
Chúng ta nhớ rằng thầy đồ thời phong kiến – người luôn xuất hiện với phong thái khoan thai nhưng hà khắc - tay cầm roi mây sẵn sàng quất vào tay, vào mông học sinh, thậm chí phạt học sinh quỳ xuống gai vỏ mít đến tứa máu… nhưng vì sao vẫn được học sinh nể sợ, xã hội trọng vọng?
Vì sao thời đó nhiều gia đình còn gửi con đến ở luôn nhà thầy đồ mà không cần bất cứ sự giám sát của chiếc camera nào?
Theo tôi, sự khác nhau được thể hiện trên hai bình diện: Nhân cách của nhà giáo và bản chất của đòn roi.
Thời phong kiến, thầy đồ được coi là người vừa dạy kiến thức vừa truyền thụ văn hóa ứng xử, đạo đức làm người. Bởi thế thầy phải là người vừa giỏi kinh sử vừa có nhân cách mẫu mực như tấm gương trong để học trò soi vào mà sửa mình.
Đòn roi của thầy xuất phát từ triết lý “Yêu cho roi cho vọt”. Đánh, phạt là để học sinh phải chịu áp lực mà khổ học thành tài, mài giũa nhân cách con người từ những hòn đá xù xì thành viên ngọc sáng. “Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý” là vì vậy.
Đòn roi để rèn giũa nhân cách khác với bạo lực học đường bây giờ. Bạo lực học đường là cô giáo “liên hoàn tát” học sinh, mày - tao với học sinh, chửi học sinh là “đồ con lợn”, thậm chí phạt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng..
Bởi thế, đòn roi thời xưa đánh đến đâu nhớ lâu đến đấy, nhưng không phải nhớ vì oán trách mà nhớ nằm lòng những sai phạm của mình để rút kinh nghiệm về sau. Còn ngày nay, bạo lực đến đâu thì học sinh oán trách, hoảng loạn, nhụt chí nỗ lực, xã hội mất niềm tin vào nghề “trồng người” đến đấy.
Có câu “Trong bạo lực, ta quên mất mình là ai”, rất khó để bao biện rằng những giáo viên dùng biện pháp “liên hoàn tát” hay sỉ vả học sinh là những người có hiểu biết, độ lượng, bao dung.
Bất quá, phụ huynh học sinh mới phải dùng đến giải pháp camera để mua lấy sự yên tâm một cách tương đối. Đừng đổ lỗi phụ huynh chúng tôi không tin tưởng giáo viên, biến giáo viên thành diễn viên. Mà hãy tự hỏi vì sao giờ lên lớp, chúng tôi không yên tâm giao con cho nhà trường để có thể nhẹ đầu lo việc mưu sinh và biết bao công việc cần sự quan tâm khác.
Nhà dân chủ Mahatma Gandhi nói rằng: “Không khoan dung cũng là một hình thức bạo lực”. Cuối cùng, tôi cho rằng, sai phạm của giáo viên đến đâu, ngành Giáo dục sẽ chấn chỉnh đến đó, nhưng thái độ khoan dung của phụ huynh cũng sẽ góp phần tạo nên một học đường không cần bạo lực trong tương lai.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả