Theo lời trình bày của anh Lê Văn Út, SN 1984, ngụ ấp Lung Bạ, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, khoảng tháng 5/2018, anh có mua 5.000 con cá lóc; 50kg cá trê; 2.000 con cá thác lác và 25kg cá rô giống thả vào ao nuôi của gia đình. Vào 22/12/2018, anh sử dụng bình xiệc điện để thu hoạch cá trong ao nuôi thì bị lực lượng Công an xã Khánh Bình Đông và Công an huyện Trần Văn Thời đến mời về trụ sở công an làm việc.
Theo anh Út, quá trình làm việc, anh trình bày việc mình đã được Hộp thư truyền hình phát trên sóng đài Truyền hình Cà Mau ngày 9/12/2018 trả lời là Nghị định số 103 không có quy định điều chỉnh hành vi sử dụng xiệc điện thu hoạch cá trong ao nuôi của gia đình.
Thế nhưng, đến 8/1/2019, Công an xã Khánh Bình Đông vẫn lập biên bản xử lý hành vi vi phạm của anh Út tại khoản 1, Điều 15 Nghị định 103/2013/NĐ-CP ngày 12/9/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong hoạt động thủy sản. Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ là bộ dụng cụ xiệc điện của anh Út đã qua sử dụng.
Anh Lê Văn Út chỉ cho PV diện tích ao nuôi cá của gia đình.
Từ đó đến nay, Công an xã Khánh Bình Đông cũng chưa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với anh Út. Lạ thay, ngày 12/10/2019, đại diện UBND xã và Công an xã xuống nhà anh Út lập biên bản để trao trả tang vật nhưng anh Út không chấp nhận. Lý do là bộ công cụ bị tạm giữ thời gian quá lâu (gần 10 tháng – PV), nếu nhận có thể cũng hư hỏng, không sử dụng được.
Không đồng tình với cách xử lý của chính quyền xã, anh Út làm đơn khiếu nại gửi cơ quan chức năng. Sau đó, Công an huyện Trần Văn Thời có kết quả trả lời rằng: “Sau khi tiến hành xác minh thấy việc anh Lê Văn Út sử dụng xung kích điện trong ao nuôi cá theo Nghị định 103 là không vi phạm”. Cùng với đó, Công an huyện hướng dẫn anh Út nếu có yêu cầu đền bù thiệt hại thì làm đơn khởi kiện đến TAND huyện để được xem xét giải quyết.
Sau đó, anh Út khởi kiện đến TAND huyện Trần Văn Thời yêu cầu Công an xã Khánh Bình Đông phải bồi thường số tiền hơn 80 triệu đồng gồm: Tiền thuê người chăm sóc, trông giữ ao cá; tiền cá giống thả nuôi; tiền thức ăn nuôi cá và tiền xăng bơm nước bắt cá. Ngày 20/4/2020, TAND huyện Trần Văn Thời có quyết định đình chỉ vụ án dân sự tranh chấp bồi thường thiệt hại về tài sản giữa anh Út (nguyên đơn) và Công an xã Khánh Bình Đông (bị đơn).
Ngày 27/4/2020, anh Út có đơn yêu cầu tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại và hủy quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của TAND huyện Trần Văn Thời. Xem xét đơn, tòa phúc thẩm cho rằng, cấp sơ thẩm đình chỉ giải quyết vụ án là có căn cứ nhưng nhận định căn cứ khoản 5, Điều 3 luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là chưa đầy đủ nên phải bổ sung cho đầy đủ để đương sự thực hiện quyền của mình theo trình tự pháp luật.
Cụ thể, anh Út xác định bị thiệt hại nhưng lại không có đơn yêu cầu đến cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ, chưa nhận được các thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại nên chưa đủ điều kiện để khởi kiện ra tòa. Do đó, tòa phúc thẩm quyết định giữ nguyên quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của tòa sơ thẩm.
Liên quan đến vụ việc trên, luật sư Hồ Nguyên Lễ, Giám đốc công ty luật Tín Nghĩa (TP.HCM) cho rằng, công an xã là lực lượng đại diện Nhà nước quản lý hành chính và đảm bảo công tác an ninh trật tự trị an xã hội tại địa phương. Mặc khác, Công an huyện Trần Văn Thời cũng có kết quả trả lời rằng: “Sau khi tiến hành xác minh thấy việc ông Lê Văn Út sử dụng xung kích điện trong ao nuôi cá theo Nghị định 103 là không vi phạm”.
Do đó, hành vi của Công an xã Khánh Bình Đông là trái luật, có dấu hiệu vi phạm áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính trái pháp luật; nên có căn cứ để bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính theo luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017.
Công an xã Khánh Bình Đông lập biên bản vi phạm hành chính về việc anh Út dùng dụng cụ xiệc cá trong ao nuôi của gia đình.
Theo luật sư Lễ, tại Điều 8 của luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 quy định về văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính quy định tại Điều 17 của Luật này bao gồm: Bản án, quyết định của tòa án có thẩm quyền xác định rõ hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ; quyết định giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại chấp nhận một phần hoặc toàn bộ nội dung khiếu nại của người khiếu nại; quyết định xử lý hành vi vi phạm pháp luật của người thi hành công vụ bị tố cáo trên cơ sở kết luận nội dung tố cáo theo quy định của pháp luật về tố cáo;… Do vậy, anh Út cần khiếu nại hoặc khởi kiện và yêu cầu bồi thường về hành vi hành chính của người thi hành công vụ trái luật.
“Trong thời hạn 3 năm kể từ ngày nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, người yêu cầu bồi thường có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết yêu cầu bồi thường trong các trường hợp sau đây: Người yêu cầu bồi thường chưa yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại giải quyết yêu cầu bồi thường; người yêu cầu bồi thường rút yêu cầu bồi thường quy định tại điểm a khoản 1 Điều 51 của Luật này. Như vậy, do anh Út chưa làm đúng quy định về yêu cầu bồi thường theo luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 nên tòa đình chỉ giải quyết vụ án là đúng”, luật sư Lễ nêu quan điểm.
Ở khía cạnh khác có liên quan, trước đó, anh Lê Văn Út cũng gửi đơn yêu cầu đến Thanh tra Công an tỉnh Cà Mau phản ánh về việc Công an xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời lập biên bản vi phạm hành chính nhưng không ra quyết định xử phạt. Về vấn đề này, Thanh tra Công an tỉnh có văn bản hướng dẫn ông Út liên hệ Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Đông để được xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.
V.T