Viên đạn bọc đường trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ
Thông tin nguyên Cục trưởng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - C50 (bộ Công an) bị bắt tạm giam vì “bảo kê” đường dây đánh bạc nghìn tỷ khiến dư luận giật mình. Nghịch lý thay, người từng đứng đầu cơ quan phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao lại là đối tượng bị điều tra trong đường dây tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Thông tin về vụ đánh bạc nghìn tỷ được dư luận quan tâm từ cuối năm 2017 nhưng khi công an tỉnh Phú Thọ khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với bị can Nguyễn Thanh Hóa - nguyên Cục trưởng C50 bộ Công an - nhiều người bất ngờ. Nguyên là một tướng công an nhưng ông Hóa lại bị khởi tố về tội tổ chức đánh bạc với quy mô 18.000.000.000.000 đồng - con số nhiều người nhìn còn không quen mắt vì quá lớn - l8 nghìn tỷ đồng.
Manh mối của đường dây xuất phát từ sự việc xảy ra từ ngày 25/5/2017. Thời điểm đó, cơ quan Công an tỉnh Phú Thọ nhận được đơn trình báo từ bà Võ Minh Ph. (trú ở TP. Việt Trì, Phú Thọ) về việc ngày 16/5/2017, bà bị một đối tượng sử dụng facebook lừa đảo, chiếm đoạt 110 thẻ cào điện thoại trị giá 55 triệu đồng.
Từ nguồn tin này, Công an tỉnh Phú Thọ đã lập chuyên án đấu tranh, bắt giữ Lê Văn Huy (SN 1997, ở tỉnh Quảng Trị). Tại cơ quan công an, Huy khai nhận sau khi lừa đảo trót lọt, Huy đổi thành tiền ảo tại một đại lý ở TP. Đà Nẵng để đánh bài trực tuyến qua hình thức game bài Rikvip. Và từ đó, đường dây đánh bạc nghìn tỷ dần hé lộ.
Manh mối từ thẻ cào điện thoại
Đường dây hoạt động dưới hình thức game online nhưng thực chất là đánh bạc trá hình qua mạng internet với máy chủ đặt tại nước ngoài. Số lượng tiền giao dịch mỗi ngày thông qua các tài khoản rất lớn, số ngoại tệ chuyển ra nước ngoài theo thống kê ban đầu lên đến hàng triệu USD.
Vụ án đã được Công an Phú Thọ khởi tố, thụ lý điều tra từ năm 2017. Đến nay cơ quan điều tra đã khởi tố hơn 70 đối tượng, tạm giam 30 đối tượng và vẫn đang tiếp tục điều tra mở rộng.
Hai yếu nhân trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ là Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương. Dương sinh năm 1975. Năm 36 tuổi, Dương là Chủ tịch HĐQT của một công ty chuyên về an ninh công nghệ cao.
Đóng vai trò quan trọng trong đường dây là Công ty TNHH Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC), một doanh nghiệp do chính Nguyễn Văn Dương đồng sáng lập và đứng tên Chủ tịch. Dưới vỏ bọc là một công ty về công nghệ nhưng kỳ thực CNC lại hoạt động tổ chức đánh bạc qua mạng bằng hình thức game bài.
Bên cạnh đó, Dương còn là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư UDIC (UDIC Invest), thành viên của Tổng công ty Đầu tư Phát triển hạ tầng đô thị (UDIC).
Ngoài vụ “tay không bắt giặc” tại dự án BOT cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn thì UDIC Invest dưới thời Nguyễn Văn Dương còn có những vụ làm ăn đầy tai tiếng khác trong lĩnh vực đầu tư xây dựng. Theo đó, khoản nợ chỉ hơn 10 tỷ đồng song UDIC Invest không thực hiện thanh toán đúng thời hạn cam kết. Tháng 8/2015, các nhà thầu phụ từng tham gia thi công công trình này thậm chí đã đến tháo dỡ các trang thiết bị phục vụ thi công mà trước đó cho UDIC Invest thuê nhưng không thanh toán đủ tiền. Không dừng lại ở đó, đến đầu tháng 11/2015, một vụ náo loạn đã xảy ra tại công trình này khi các nhà thầu phụ kéo đến yêu cầu nhà thầu chính là UDIC phải thanh toán hết phần công nợ. Lời qua tiếng lại, đại diện UDIC buông tiếng chửi bới tục tĩu và thậm chí còn thẳng tay đấm vào mặt phóng viên đến phản ánh vụ việc, doạ dẫm cả công an.
Phan Sào Nam sinh năm 1979 là một “cao thủ” trong lĩnh vực công nghệ cao. Nam từng kêu gọi được 10 triệu đô la về từ một quỹ đầu tư nước ngoài để phát tiển công ty.
Nam từng là lãnh đạo cao nhất tại VTC Online trước khi vướng vòng lao lý liên quan tới các vụ đánh bạc trá hình. VTC Online được biết tới với vai trò là nhà phát hành của hàng loạt game online đình đám, như Đột kích, Audition, Fifa Online... Phan Sào Nam đồng thời cũng là sáng lập viên của VTC Intecom, sáng lập viên VTC Online vào năm 2008, và chính là "cha đẻ" của cuộc thi Miss Teen đình đám một thời. Nam đồng thời còn là chuyên gia ý tưởng của Mạng Việt Nam go.vn…Trước khi trở thành "sếp" của một loạt công ty công nghệ lớn, Phan Sào Nam có thời gian du học tại Hàn Quốc, theo ngành IT Business Management.
Đến năm 2006, Nam được bổ nhiệm làm Phó giám đốc VTC Intecom. Đến năm 2008, Nam đã đảm nhiệm vai trò lãnh đạo cao nhất tại đây. Trong khoảng thời gian này, Nam cũng đã đàm phán với Quỹ đầu tư DWS Việt Nam rót 10 triệu USD chỉ trong một lần cho công ty này vào năm 2012, giúp VTC Online trở thành một trong những công ty công nghệ đa phương tiện lớn.
Ngoài là lãnh đạo cao nhất tại VTC Online, Phan Sào Nam còn là Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV truyền thông đa phương tiện VTC HCM, thành lập từ tháng 9/2011. Tuy nhiên hiện tại VTC HCM đã ngừng hoạt động. Tháng 1/2018, VTC Online đã thay đổi tên người đại diện pháp luật của công ty, là Trần Phương Huy. Trang web của doanh nghiệp này cũng chỉ ghi nhận 3 thành viên Ban điều hành, mà không có thông tin về Phan Sào Nam.
Bước trượt dài của một nguyên tướng
Tuy nhiên, mắt xích quan trọng nhất của đường dây chính là Nguyễn Thanh Hóa.
Trước đó, nhắc tới ông Hóa, nhiều người vẫn nhớ đến một cán bộ mẫn cán tại cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - C46 (bộ Công an). Năm 2008, ông Hóa được bổ nhiệm làm Phó Cục trưởng cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng - C48 (bộ Công an). Đến năm 2010, khi bộ Công an thành lập cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - C50, ông Hóa trở thành Cục trưởng đầu tiên của đơn vị mới.
C50 dưới thời ông Hóa làm Cục trưởng đã triệt phá nhiều băng nhóm tội phạm công nghệ cao với quy mô hàng nghìn tỷ đồng, trong đó có cả các đường dây đánh bạc xuyên quốc gia. Đây đều là những vụ án lớn, gây nhức nhối trong dư luận. Tuy nhiên, cho đến giai đoạn chuẩn bị được nghỉ hưu theo chế độ thì chính ông Hóa lại liên quan đến một vụ án đánh bạc online quy mô lớn.
Người đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nên C50 lại chính là người tự tay vò nát đi những gì mình đã cống hiến. Có thể nói, nhân vật này cả một đời phấn đấu, cuối cùng lại bị gục ngã bởi "viên đạn bọc đường". Một bài học đắt giá cho những ai có ý định vi phạm pháp luật.
Không chỉ ông Hóa, cuối năm 2017, một số cán bộ của C50 đã bị đình chỉ công tác vì liên quan đến những sai phạm của công ty CNC và Nguyễn Văn Dương. Trong đó, ngoài ông Nguyễn Thanh Hóa (lúc đó đang giữ cương vị Cục trưởng C50 với quân hàm Thiếu tướng) thì còn 6 cán bộ khác là thuộc cấp của ông Hóa công tác tại C50.
Những người này bị đình chỉ công tác để kiểm điểm các sai phạm có liên quan và phục vụ việc thanh tra. Sau đó, ông Hóa xin nhập viện chữa bệnh. Thời điểm bị bắt, ông Hóa đang nằm điều trị tại bệnh viện 198 (bộ Công an).
Trước đó, như tin đã đưa, ngày 11/3, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Thanh Hóa, nguyên Cục trưởng C50 (bộ Công an) về tội Tổ chức đánh bạc.
Theo bộ Công an, việc khởi tố đối với ông Hóa là quá trình mở rộng vụ án hình sự “Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc; đánh bạc; mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền”, xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh thành, do cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ thụ lý từ năm 2017.
Cùng ngày 11/3/2018, trước khi ông Hóa bị khởi tố, Chủ tịch nước đã ký Quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân đối với ông này.