Năm 2019, nước Mỹ ghi nhận có 1.249 ca mắc bệnh sởi sau gần 30 năm công bố đã xóa được dịch bệnh. Tại châu Âu ghi nhận gần 8.600 ca mắc sởi, 33 ca tử vong trong vòng 1 năm qua, bao gồm nhiều trẻ mắc bệnh ở Pháp, Ý, Đức, Romanie do cha mẹ từ chối tiêm chủng. Nguyên nhân được cho là phong trào chống vắc-xin (anti vaccine) lan rộng trên toàn thế giới, chủ yếu vì những thông tin sai lệch cho rằng vắc-xin MMR phòng sởi, quai bị và rubella gây nguy cơ tự kỷ ở trẻ em.
Điều này nguy hại đến nỗi năm 2019, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phải bổ sung trào lưu chống vắc-xin vào danh sách các mối đe dọa sức khỏe toàn cầu, bên cạnh biến đổi khí hậu, HIV, Ebola và tình trạng kháng thuốc.
Vậy nhưng hiện nay, mặc dù “ông lớn” Facebook khẳng định đã tích cực ngăn chặn, song thực tế chỉ cần gõ Google hay Facebook với từ khóa “anti-vaccine” là hàng loạt trang (kể cả FB) kêu gọi chống tiêm vắc-xin sẽ xuất hiện. Đây được coi là những tin tức giả (fake news) gây ảnh hưởng rất xấu đến cộng đồng.
Nạn fake news cũng đang hoành hành gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào tháng 11 tới đây và cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 trên toàn cầu.
Cụ thể là, trước hy vọng mong manh về việc tái đắc cử (do dịch bệnh ở Mỹ chưa biết đến khi nào mới chấm dứt, tăng trưởng kinh tế suy giảm, tỉ lệ thất nghiệp tăng cao, làn sóng biểu tình phản đối mạnh mẽ), Tổng thống Mỹ Donald Trump trong hàng loạt chiến dịch vận động tranh cử bằng cách “dân tuý hoá bộ phận cử tri trung thành”, đã sử dụng công cụ mạng xã hội để phát đi những thông điệp mang đậm tính chất cá nhân.
Tuy nhiên, trong khi mạng xã hội Twitter liên tục gắn cảnh báo đề nghị người dùng kiểm chứng thông tin bên cạnh các phát biểu của Tổng thống thì ngược lại, CEO Facebook – ông Mark Zuckerberg – lại phớt lờ việc cảnh báo, tuyên bố không can thiệp và khẳng định mạng xã hội không nên làm trọng tài phân biệt đúng sai đối với các nội dung về chính trị.
Và, rủi ro mất uy tín lớn nhất Facebook và các mạng xã hội khác đang hứng chịu chính là đại dịch Covid-19. Bởi vì, tin giả liên quan đến bầu cử tổng thống có thể chỉ làm sai lệch số phiếu cử tri, nhưng tin giả về Covid-19 có thể thể cướp đi tính mạng của con người trong chớp mắt. Một ví dụ điển hình như ở Iran, những lời đồn trên mạng về việc uống methanol để chống virus corona đã khiến hơn 300 người ở nước này mất mạng.
Phần lớn người dùng trên toàn cầu cho rằng, trách nhiệm lớn nhất đối với nạn tin giả thuộc về các tập đoàn công nghệ như Facebook hay Twitter, Google… song dường như những biện pháp xử lý của họ vẫn còn quá hình thức.
Hiện nay đang xuất hiện chiến dịch “#StopHateForProfit” kêu gọi các doanh nghiệp tẩy chay Facebook bằng cách rút quảng cáo trên mạng xã hội này, với mong muốn Facebook xây dựng một nền tảng an toàn hơn, quyết liệt ngăn chặn tin giả hơn, thay vì tiếp tục kiếm tiền từ những nội dung gây phẫn nộ. Cho đến giờ đã có hơn 100 nhãn hàng trên thế giới tuyên bố tẩy chay quảng cáo trên FB, trong đó có những thương hiệu nổi tiếng như: Unilever, Coca-Cola, Starbucks, Ben & Jerry’s, The North Face, REI, Patagonia, Eddie Bauer...
“Facebook đạt doanh thu 69,7 tỷ USD từ quảng cáo trong năm 2019, đứng thứ hai thế giới chỉ sau Google. Theo tờ Wall Street Journal, nếu như hơn 750 thương hiệu lớn nhỏ tẩy chay Facebook cũng sẽ chỉ khiến mạng xã hội này mất khoảng 5% doanh thu. Đó là lý do tại sao Zuckerberg ngạo mạn nói với các nhân viên rằng "các thương hiệu sẽ sớm quay trở lại".
Chịu ảnh hưởng của fake news, sau khi trào lưu chống vắc-xin lan rộng, năm 2018 Việt Nam đã có khoảng 87.000 trẻ dưới 1 tuổi chưa được tiêm chủng, không chỉ các cháu ở vùng sâu, vùng xa mà còn có cả những cháu ở thành phố lớn.
Trong đại dịch Covid-19, số người bị xử phạt vì đăng tải thông tin sai lệch trên mạng xã hội còn nhiều hơn số người nhiễm Covid-19 tại Việt Nam. Theo ước tính, cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính hơn 800 trường hợp tung tin giả, trong đó có 87 trường hợp tại Hà Nội.
Chia sẻ với PV Người Đưa Tin pháp luật về vấn nạn tin giả và trách nhiệm của mạng xã hội, luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc công ty Luật Minh Bạch (đoàn Luật sư TP Hà Nội) - cho biết: “Hôm 15/4, Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, CNTT và giao dịch điện tử đã chính thức có hiệu lực. Theo đó, người lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị xử lý với mức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng. Nếu nặng hơn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tại luật An ninh mạng 2018 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2019), Điều 26 quy định: “Các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng chủ quyền, lợi ích và an ninh quốc gia Việt Nam và lợi ích của người sử dụng, có giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện và máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; bảo mật thông tin người dùng và thông tin tài khoản của người dùng; xử lý nghiêm các hành vi sai phạm theo quy định của pháp luật”.
Ngoài ra, tại khoản 3 Điều 26 còn đặt ra yêu cầu: “Doanh nghiệp ngoài nước quy định tại khoản này phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam”.
“Tuy nhiên trên thực tế, Facebook tuy kinh doanh thu lợi nhuận tại Việt Nam nhưng lại không đặt máy chủ và không có văn phòng đại diện tại đây, do đó chúng ta đang bị thất thoát nguồn thuế cũng như chưa có cơ chế xử lý nạn tin giả do Facebook đăng tải gây ảnh hưởng xấu đến Việt Nam” - luật sư Trần Tuấn Anh cho hay.
Chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Trí Hiếu
Dưới góc độ tiêu dùng, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, một người có quốc tịch Mỹ, chia sẻ với PV Người Đưa Tin pháp luật rằng bản thân ông vô cùng phản đối những động thái yếu ớt của Facebook đối với nạn tin giả xung quanh cuộc bầu cử ở Mỹ cũng như những ảnh hưởng khác đối với cộng đồng. Ông Hiếu nhận định, là doanh nghiệp cung cấp nền tảng công nghệ mạng xã hội cho người dùng trên thế giới, Facebook phải chịu trách nhiệm đối với những tin giả, tin độc hại trên trang của mình, nhất là khi nền tảng này hoàn toàn có những công cụ để ngăn chặn, cảnh báo.
“Vấn đề này ở Việt Nam thì chỉ có hai biện pháp, hoặc là kiên quyết yêu cầu Facebook phải mở văn phòng đại diện và đặt máy chủ tại Việt Nam, hoặc là từ chối Facebook tại Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc đang áp dụng. Tuy nhiên việc thực hiện là khó bởi vì mạng xã hội này đang chiếm ưu thế trên toàn cầu, trong khi trong nước chưa có mạng xã hội với những ưu điểm tương đương” – ông Hiếu nói, đồng thời cho rằng cách thức duy nhất hiệu quả hiện nay là kêu gọi doanh nghiệp và người dân tẩy chay để cùng với thế giới, tạo nên áp lực buộc mạng xã hội này phải thay đổi.
Bà Nguyễn Thị Thành Thực – Chủ tịch công ty Bagico Bắc Giang – một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu nông sản thực phẩm ra nước ngoài, tham gia các sàn giao dịch nông sản online cho biết, bà vô cùng “dị ứng” đối với các tin giả trên mạng dù vì mục đích kinh doanh hay là chỉ câu view, câu like. “Mạng xã hội mà không có khả năng kiểm soát, ngăn chặn hoặc vì lợi nhuận mà tiếp tay cho tin tức giả thì những doanh nghiệp kinh doanh có đạo đức không nên tham gia hợp tác hoặc quảng cáo trên đó” – bà Thực nói.
Bà Nguyễn Thị Thành Thực - Chủ tịch công ty Bagico Bắc Giang
Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam khác khi được hỏi cũng đã chia sẻ quan điểm giống Chủ tịch Bagico Bắc Giang và sẵn sàng dừng quảng cáo nếu Facebook tiếp tục phớt lờ đề nghị chính đáng của người dùng.
Việt Nam là quốc gia đang phát triển mạnh về công nghệ thông tin. Theo báo cáo của Social Media Stats, vào tháng 5/2019, Việt Nam có 57,43% cư dân sử dụng Facebook, 13% người dùng Twitter, 12,81% sử dụng Youtube. Số người sử dụng Internet, các mạng xã hội ngày càng lớn sẽ tỷ lệ thuận với các vấn đề tiêu cực phức tạp phát sinh và phổ biến nhất trong số đó, là vấn nạn tin giả. Bởi vậy, hãy tỉnh táo trước mọi tin tức trên mạng và hãy thể hiện trách nhiệm với cộng đồng khi cần đấu tranh chống lại vấn nạn này.Bộ Thông tin & Truyền thông đã chủ động làm việc, đấu tranh quyết liệt với Facebook và Google, buộc 2 nền tảng này phải tích cực hợp tác gỡ bỏ nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam và có giải pháp ngăn chặn phát tán tin giả, thông tin xấu độc, tài khoản giả mạo. Từ đầu năm 2020 đến 15/5/2020, Bộ đã yêu cầu gỡ 36 bài viết, 23 tài khoản trên Facebook và 14 video trên Google có nội dung thông tin sai sự thật về dịch bệnh Covid-19. Riêng về xử lý tin giả, Bộ đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông trong nước ngăn chặn website không rõ nguồn gốc đưa tin giả mạo, xử lý nghiêm các đối tượng phát tán thông tin giả trên mạng....
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long - Trưởng nhóm truyền thông Trăng Đen, người nghiên cứu lâu năm trong lĩnh vực truyền thông mạng xã hội - cho rằng, từ chối quảng cáo là công cụ kinh tế mà doanh nghiệp Việt Nam nên làm để chống lại tin giả trên mạng xã hội, điển hình là Facebook.
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long – Trưởng nhóm truyền thông Trăng Đen
Ông đánh giá như thế nào về nạn tin giả, tin xấu độc xuất hiện trên mạng xã hội đặc biệt là Facebook và Google tại Việt Nam thời gian qua?
Tin giả có nghĩa là tin không thật nhưng mọi người tin và nghe theo, tác động đến nhận thức và hành vi, từ đó phát sinh ra những hành động không đúng đắn gây ảnh hưởng đến một nhóm người hoặc toàn xã hội. Thời gian vừa qua, những tin tức kiểu này xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội song việc giám sát, xử lý còn nhiều hạn chế.
Theo ông, những tin tức kiểu này có nguồn gốc từ đâu?
Có một số nguyên nhân dẫn đến tin giả tràn lan, bùng phát như sau:
Thứ nhất, hầu hết các nền tảng mạng xã hội đều là những dịch vụ xuyên biên giới. Do Facebook và Google không yêu cầu xác thực tính chính danh nên nhiều tài khoản ẩn danh đưa những thông tin thiếu trách nhiệm với cộng đồng.
Thứ hai, rất khó để áp dụng luật pháp ở một đất nước sở tại đối với mạng xã hội. Viện lý do dịch vụ xuyên biên giới, các mạng thường đưa ra lý luận đang áp dụng luật pháp ở nơi khác. Gần 2 năm trở lại đây, Việt Nam đã có những bước tiến khá quan trọng trong việc sử dụng luật địa phương, như luật An ninh mạng, để chống lại những tiêu cực nói chung trên mạng xã hội.
Thứ ba, ngay cả khi có luật pháp rồi thì việc sử dụng luật pháp xử lý mạng xã hội vẫn tương đối khó. Nếu người dùng kiện người dùng thì làm được và đã có nhiều vụ việc thành công như vụ gần đây MC, diễn viên Trấn Thành kiện 3 cô gái tung tin đồn anh sử dụng chất kích thích… Nhưng, người dùng kiện Facebook là rất khó giống như “con kiến kiện củ khoai”, bởi nhiều người không biết phải kiện như thế nào, gửi đơn đến đâu, dùng luật gì…
Thứ tư, người dùng mạng xã hội hiện nay vẫn đang sử dụng một cách tự phát, chưa có kỹ năng nhận diện tin giả, tin xấu cho nên vẫn hồn nhiên like, share khiến cho những tin tức này bị phát tán nhiều hơn, gián tiếp gây nên hậu hoạ cho xã hội.
Vậy thưa ông, chúng ta phải làm gì để buộc Facebook, Google giải quyết tình trạng tin giả tin xấu này?
Về mặt quản lý Nhà nước, tôi kiến nghị bên cạnh các cơ quan quản lý chính thức thì cần có một đơn vị chuyên trách để hỗ trợ người dùng giống như hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tại sao không có một “hội Bảo vệ người dùng trên mạng xã hội”, để người dùng khi phát hiện tin giả thì có một nơi báo cáo, sau đó hội sẽ tập hợp lại và khiếu kiện tập thể gây sức ép, như vậy tác động sẽ mạnh mẽ hơn.
Ngoài ra, cần truyền thông rộng rãi đến người dùng mạng xã hội, để họ biết được có một cơ chế và cách thức cảnh báo tin xấu độc, ví dụ như công cụ “báo cáo” trên Facebook. Đồng thời, cần xử lý một số vụ việc để làm gương.
Về phía doanh nghiệp, là người đang gián tiếp giúp đỡ các mạng xã hội tồn tại và phát triển thông qua đóng góp doanh thu bằng quảng cáo, doanh nghiệp cần có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ môi trường mạng xã hội lành mạnh cho tất cả mọi người. Công cụ của doanh nghiệp là các hợp đồng quảng cáo. Vì vậy hãy quyết liệt từ chối quảng cáo nếu như mạng xã hội không đáp ứng được yêu cầu về quản lý thông tin giả, tin xấu độc hại.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
M.M - H.B(thực hiện)