Trận đấu với Thái Lan, dù thắng hay thua, hãy cụng ly chúc mừng và đi ngủ một giấc tự hào với nụ cười nở trên môi đến tận sáng hôm sau.
Ở một cuộc tranh tài thể thao, bạn mong chờ nhất điều gì?
Chắc hẳn là một chiến thắng giòn giã. Đặc biệt là khi đội bóng yêu thích của bạn có thể đánh bại được đối thủ vốn được coi là “không đội trời chung” trong nhiều năm qua.
Đó có lẽ là tâm trạng chung của nhiều người hâm mộ đội tuyển Việt Nam trước trận đấu với Thái Lan ở vòng loại World Cup 2022.
Ai cũng khao khát điều đó. Khao khát đến cháy bỏng, điên cuồng và đôi khi, cực đoan đến mức ảo tưởng.
Chúng ta đã mong chờ sự lật đổ “ngai vàng” của bóng đá Thái Lan trong khu vực từ lâu. Càng đáng kỳ vọng hơn khi bóng đá Việt Nam trong vài năm qua đã sản sinh ra thế hệ cầu thủ xuất sắc, đạt được những thành thích chưa từng có.
Nhưng, chúng ta thường dễ lạc trong hào quang chiến thắng mà để mặc lý trí nơi ven đường.
Chúng ta thường lên sẵn kế hoạch ăn mừng chiến thắng như thế nào, nhưng lại không chuẩn bị cho một kịch bản thất bại thì “sẽ như thế nào”?
Cuộc đối đầu với Thái Lan cũng vậy. Dường như người hâm mộ đang quá tự tin vào những gì sắp tới, để rồi tự đưa mình vào sự ảo tưởng quá lớn và đau đớn khi phải đón nhận tin không vui.
Một loạt các chiến thắng và sự tiến bộ thời gian qua đang khiến cho một bộ phận không nhỏ người hâm mộ đưa đội tuyển Việt Nam lên mây. Và khi lên đến mây, họ muốn các cầu thủ phải biết bay.
Họ tạo nên một thứ áp lực vô hình mà đôi khi còn lớn hơn 25 nghìn khán giả ngồi trên sân vận động Thammasat của đội bạn.
Chúng ta đã bao giờ rộng lượng với các cầu thủ khi thất bại hay chưa? Hay cứ bắt các cầu thủ luôn phải xuất sắc một cách tuyệt đối?
Tôi còn nhớ ở những trận đấu quan trọng trước đó, có những “nhóm người hâm mộ” nghiêm trọng hóa vấn đề đến mức coi đội tuyển là thứ gì đó đại diện cho lòng tự tôn dân tộc. Và khi thua cuộc, họ cay cú coi những cầu thủ là những kẻ phản bội niềm tin.
Họ luôn chuẩn bị sẵn kế hoạch để ăn mừng chiến thắng như thể đó là một lẽ tất nhiên. Một bàn rượu được đặt tại quán quen. Một chút cá cược cho cuộc xem bóng thêm thú vị. Một kế hoạch “đi bão” thâu đêm để sáng mai có ngáp ngắn ngáp dài nơi bàn làm việc cũng không phải là vấn đề quá quan trọng.
Nhưng họ chưa bao giờ chuẩn bị sẵn một kế hoạch “thua cuộc”.
Khi những bước chạy của các cầu thủ gục ngã nơi ngưỡng cửa khung thành. Những giọt mồ hôi tụ lại không thể trở thành “cơn lũ” cuốn trái bóng đi vào lưới. Khi tiếng còi của trọng tài “ngắt” ngang sự quyết tâm chưa bao giờ nghiệt ngã đến như thế.
Thua. Những “nhóm người hâm mộ” đó thẫn thờ. Họ cảm thấy khó hiểu như thể “con lô” đêm qua nằm mơ chắc chắn hôm nay phải ăn trọn “vài nháy” chứ không thể trượt được.
Họ chưa bao giờ nghĩ đến điều đó. Trong đầu họ, phải là thắng. 100% phải là thắng. Không thể có kết cục như vậy. Và rồi, họ đã phản ứng một cách không kiềm chế, vô tổ chức, hỗn loạn, như những kẻ không bao giờ biêt làm việc “theo kế hoạch”.
Chén rượu mất đi sự cay nồng. Cuộc vui kết thúc. Chẳng có màn nẹt pô nào xé nát đêm khuya. Họ phụng phịu ra về và đi ngủ trong sự cay cú một cách đầy vô duyên. Sáng hôm sau là những lời càu nhàu, mạt sát, mỉa mai.
Tại sao họ lại có quyền bày tỏ thái độ như vậy?
Những con người đó không phải là người hâm mộ. Họ là những ông chủ của các cầu thủ. Họ coi các cầu thủ là sự mua vui, mà nói thô hơn là coi các cầu thủ như những kẻ làm thuê. Làm tốt thì khen, thất bại thì chê.
Họ giống như các bậc phụ huynh coi trọng thành tích đến mức “bóp nghẹt” tương lai của con cái, khi coi 10 điểm mới là hoàn hảo, trong khi điểm 9 chỉ tượng trưng cho kẻ thua cuộc.
Với tôi, trận đấu với Thái Lan, dù thắng hay thua, hãy cụng ly chúc mừng và đi ngủ một giấc tự hào với nụ cười nở trên môi đến tận sáng hôm sau.
Chúng ta đã thua Thái Lan đến 17 lần, hoà 4 trận và chỉ thắng được 4 trận trong 25 lần đối đầu gần nhất. Con số đã nói lên sự khác biệt và để bắt kịp người hàng xóm khộng phải cứ cố gắng nhảy cóc là đến.
Thái Lan không chỉ có tài năng mà họ thực sự đã nỗ lực trong nhiều năm. Ở cuộc đời này, không ưu ái cho những kẻ không biết phấn đấu mà đòi đứng lên bục vinh quang.
Nếu chúng ta thắng được trận đấu, đó là một bước tiến đáng khích lệ nhưng không quá quan trọng.
Nó giống như một bài kiểm tra giữa kỳ mà kết quả cuối cùng còn phụ thuộc vào rất nhiều bài kiểm tra khác. Còn nếu thua. Không sao. Một điểm số tốt trong những bài kiểm tra sau sẽ kéo lại thành tích.
Chúng ta đang phấn đấu từ từ, giống như một học sinh trung bình muốn vượt lên ranh giới trung bình khá. Người ta vẫn thường nói rằng, biện pháp giáo dục tốt nhất là sự khuyến khích, động viên chứ không phải roi vọt.
Nếu bản thân mỗi người hâm mộ đều như những giáo viên khoan dung, biết tạo động lực phù hợp và kỳ vọng khiêm tốn, biết đâu - với sự cố gắng đó - cậu học sinh Việt Nam sẽ sớm trở thành số một.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.