img

Vợ chồng thu gom rác thấy nhẹ lòng khi trả lại vàng, tiền cho khổ chủ

Ngọc Lài

Với thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng từ công việc thu gom rác, vợ chồng anh Nguyễn Văn Tuấn chật vật trang trải mọi bề cho gia đình nhỏ. Mới đây, trong lúc làm việc, vợ anh Tuấn nhặt được một túi nilon có tiền vàng nhưng cả hai đã trả lại cho khổ chủ. Việc làm của vợ chồng anh Tuấn khiến nhiều người cảm phục và khen ngợi.

Tủi phận nghề thu gom rác

Video: Tâm sự của vợ chồng làm nghề thu gom rác nhặt được vàng, tiền trả lại khổ chủ.

Quê ở TP.Cần Thơ, gia đình không có đất đai canh tác, anh Nguyễn Văn Tuấn (32 tuổi, tạm trú huyện Hóc Môn, TP.HCM) sớm ly hương, tìm kế mưu sinh. Tại miền đất mới, anh Tuấn gặp gỡ chị Lê Ngọc Giàu (30 tuổi, cùng tạm trú huyện Hóc Môn, TP.HCM) rồi kết duyên vợ chồng sau vài năm tìm hiểu. Làm công nhân theo các công trình xây dựng rày đây mai đó, không ổn định nên anh Tuấn quyết định chuyển sang làm nghề thu gom rác.

Ban đầu, anh Tuấn làm thuê thì được chủ nuôi. Về sau, anh tự lãnh xe làm riêng nên mỗi tháng thu nhập được khoảng 10 triệu đồng. Ngoài khoản thu nhập này, anh còn nhặt phế liệu để lo chi phí xăng dầu, ăn uống, đôi lúc bà con thương tình bồi dưỡng cho chút ít. Từ ngày anh Tuấn lãnh xe đi thu gom rác, chị Giàu cũng không làm công nhân nữa mà theo chồng phụ việc. Nhờ có vợ chung lưng đấu cật, anh Tuấn không phải mướn thêm người.

img

Anh Nguyễn Văn Tuấn kể lại chuyện nhặt được tiền, vàng trả lại khổ chủ.

Anh Tuấn tâm sự: “Khi bàn giao, chủ đường rác chỉ biết tôi, nếu làm nổi thì tôi làm một mình, còn không nổi phải mướn thêm người. Nếu tôi mướn người làm, phải chia huê lợi, với tổng thu nhập có 10 triệu đồng mà mướn thêm người thì làm sao mà sống. Vậy nên, vợ tôi đồng ý theo phụ thu gom rác. Nghề này làm một mình không nổi đâu, thùng rác nặng lắm. Nhiều chỗ buôn bán hàng quán, trường học nhiều thùng lớn cần người bê, vác phụ. Thời gian đầu còn làm nổi, ngày qua ngày sức khỏe yếu dần làm không nổi. Xe rác nào cũng phải có một người ở trên xe chịu trách nhiệm xé bọc rác ra, nén chặt rác mới chứa được nhiều”.

Với 10 triệu đồng, vợ chồng anh Tuấn phải loay hoay tính toán để trang trải đủ chi phí nhà trọ, tiền học cho con trai, ăn uống… Ngặt nỗi, gia đình trọ ở đâu thì phải đậu chiếc xe thu gom rác ở đó. Nhiều nhà trọ đông người, chủ nhà không cho gia đình anh Tuấn thuê. Thế nên, khi tìm được chỗ ở vừa rộng rãi có chỗ đậu xe, vừa có phòng cho vợ chồng con cái chui ra chui vào, dù phải nhìn mặt chủ nhà để sống, vợ chồng anh Tuấn cũng cố mà cam chịu.

img
Anh Tuấn nói: “Muốn có sức khỏe làm nghề này phải ăn nhiều hơn người ta. Công việc nặng nhọc, nhiều khi mới ăn sáng xong thì 2 - 3 giờ sau phải ăn nữa, chứ không ăn đói không chịu nổi. Ăn cũng phải chất lượng, chứ ăn xôi, bánh mì cũng không đủ sức mà làm. Lúc làm, nhiều cô bác thương cho trà đá uống, không có thì vợ chồng phải tốn thêm tiền nước”.

Nhìn vợ, anh Tuấn nói tiếp: “Tôi làm nghề này thì cũng chọn vợ phù hợp, chịu thương chịu khó. Cô ấy biết nghề của mình, nếu chấp nhận thì phải làm nghề cùng chồng”. Chị Giàu đợi chồng nói xong cũng góp lời: “Phụ nữ làm nghề thu om rác tất nhiên cũng có buồn và tủi thân. Tôi cũng tự nhủ lấy chồng thì phải theo chồng, chồng làm sao mình làm vậy, thôi ráng làm chứ sao”.

Xé bịch rác thấy vàng tưởng đồ giả

Mỗi ngày làm việc của vợ chồng anh Tuấn bắt đầu khi con trai nhỏ đã được đưa đến trường. “Nhiều lúc thấy con mê ngủ, vợ chồng tôi không nỡ đánh thức. Thường thì, khoảng 7h20 con vào trường, chúng tôi cũng đi làm. Ngày nắng thì vô hẻm gom rác, trời mát mát thì ra mặt tiền thu gom. Nhiều lúc đang nắng chang chang, trời mưa xối xả cũng phải dầm mưa gom rác cho kịp chuyến. Ngày 27/7, tôi nhặt được vàng, hôm đó nắng dữ lắm”.

img

Xé bọc rác, thấy vàng, chị Giàu tưởng đồ giả nên chẳng mấy quan tâm.

“Ngày đầu tuần, lượng rác cũng nhiều hơn mọi ngày. Đến trưa, xe tôi đến thu gom rác trong hẻm của chị Nguyễn Thị Kim Ngọc (SN 1982, ngụ xã Tân Hiệp, Hóc Môn). Lúc này, đồng hồ báo 1h trưa, nếu làm không kịp thì ngày hôm đó chúng tôi sẽ không kịp gom thêm một chuyến nữa, khoảng 6h chiều các trạm đã ngưng nhập rác. Vì vậy, tôi xác định chỉ đổ rác lên, chứ không còn thời gian xé bọc rác nhặt phế liệu. Hên sao, đúng bọc rác nhà chị Ngọc, bà xã của tôi lại xé ra, nếu không chúng tôi đã chở đi đổ”, anh Tuấn kể.

Chị Giàu nói: “Lúc xé ra, tôi tưởng đồ giả nên tiện tay quăng vào túi xách treo trên xe. Tôi tiếp tục làm công chuyện này kia và quên bẵng số vàng đó”. Trong lúc đó, anh Tuấn lo thu gom rác bên dưới nên không biết việc vợ phát hiện số nữ trang của chị Ngọc. Chị Giàu lại nghĩ vàng giả nên không nói với chồng. Hai vợ chồng làm miệt mài đến chiều thì về nhà đưa con đi khám bệnh. Số tiền vàng của chị Ngọc vẫn treo trên túi xách ngoài xe rác. Đến tối, anh Tuấn đang ngồi ghế đá hóng mát, chị Giàu ôm con ngủ trong phòng thì anh Đào Đặng Vân Phi (Giám đốc HTX TM-DV-NN Vân Dương) tìm đến.

img

“Anh Phi đi cùng chị Ngọc đến hỏi tôi có nhìn thấy bọc rác chứa tiền vàng khi thu gom rác không. Tôi nói không biết. Bà xã nghe ngoài này nói chuyện nên mới hỏi tôi có chuyện gì mà anh Phi đến. Tôi kể việc chị Ngọc làm lạc mất tiền vàng thì vợ tôi mới nói có lượm được và treo ngoài xe. Sau đó, tôi điện báo cho anh Phi, rồi cùng mang số tiền vàng nhặt được đưa lên công an địa phương. Nhận lại được số vàng tưởng đã mất đi, chị Ngọc mừng lắm, còn hậu tạ cho gia đình tôi 2 triệu đồng nhưng tôi không nhận. Chị ấy mới nhét vào tay của con trai tôi rồi đứng dậy đi về thiệt nhanh, thằng nhỏ cũng không nhận, làm rớt tiền xuống đất bay tùm lum. Vợ tôi mới nhặt lại”, anh Tuấn nhớ lại.

Chia sẻ thật lòng, anh Tuấn cho biết: “Chúng tôi suy nghĩ cái đó không phải của mình. Nếu số lượng ít người ta không quan tâm thì thôi, chứ nhiều quá người ta phải hỏi thăm. Tính chất công việc của tôi thì có lượm xâu chìa khóa cũng giữ đó, qua bữa sau người ta có hỏi thì đưa ra. Giấy tờ quan trọng người ta có quăng bỏ, tôi cũng nhặt để đó, nếu lỡ người ta hỏi mình đưa lại cho. Hơn 10 năm thu gom rác, tôi chưa bao giờ nhặt được món đồ quý giá như lần này”.

img

Vợ chồng anh Tuấn không quản khó nhọc bám trụ với nghề thu gom rác.

“Nói thật với lương tâm, tôi trả xong thấy nhẹ nhàng trong người. Nếu số vàng đó lẫn lộn trong rác rồi đổ bỏ đi thì tôi cũng áy náy lương tâm, thậm chí phải bỏ công việc. Nhiều khi chúng tôi không nhặt được mà người ta cứ nói mình nhặt thì biết làm sao. Chuyện cũng dễ hiểu, ai cũng biết mình lấy rác thì phải xé bọc ra để nhặt phế liệu. Tình ngay lý gian. Mình trả được cũng mừng, tạo tiếng thơm cho mình, cho con cái về sau. Cha mẹ làm gì thì con hưởng nấy”, anh Tuấn bộc bạch.

img

Khen thưởng cho nhân viên không tham của rơi

Anh Đào Đặng Vân Phi (Giám đốc HTX TM-DV-NN Vân Dương) cho biết: “Chúng tôi có phối hợp với UBND xã Tân Hiệp tiến hành khen thưởng động viên cho vợ chồng Tuấn để mấy anh em khác thấy gương điển hình mà noi theo. Nghề này rất khó khăn, mệt mỏi nhưng Tuấn làm việc rất tốt, tôi rất an tâm. Mùa dịch, tôi luôn nhắc nhở nhân viên giữ gìn sức khỏe, sẵn sàng hỗ trợ khẩu trang, bao tay, nước rửa tay… cho mấy anh em”.

N.L

img