img

Võ sư Đặng Tam Thuận: Đừng gọi “Đường Nhuệ” là võ sư, không xứng đáng!

Mai Thu

Võ sư Đặng Tam Thuận chia sẻ: “Võ sư hiểu đơn giản là tên gọi của một người thầy dạy võ. Nhưng không phải để lôi ra hù dọa thiên hạ làm những việc trái với luân thường đạo lý và hoen ố đến thanh danh của người thầy mang chữ đạo nghĩa. Vì thế, đừng nên gọi “Đường Nhuệ” là võ sư, thật sự không xứng đáng”.

Đến giờ, dư luận vẫn đang xôn xao câu chuyện vợ chồng “đại gia” Nguyễn Xuân Đường (SN 1971, còn gọi là Đường “Nhuệ”) tại Thái Bình bị bắt vì tội Cố ý gây thương tích.

Nguyễn Xuân Đường được không ít người biết đến với biệt danh võ sư Đường “Nhuệ” thường tham gia một số thể loại phim “giang hồ mạng" phát trên Youtube. Không những thế dưới trướng của đối tượng này được cho là luôn có hàng chục đối tượng dữ dằn, trên người toàn xăm trổ, sẵn sàng tuân lệnh đại ca xử những kẻ nào chống đối.

img

Nguyễn Xuân Đường có những hành vi vi phạm pháp luật, ức hiếp người yếu hơn mình nhưng vẫn được mang danh là “võ sư” khiến võ sư Đặng Tam Thuận (Chủ tịch sáng lập Trung tâm đào đạo võ thuật tài năng trẻ Việt Nam), người dành tâm huyết hơn 30 năm trong cuộc đời hoạt động võ thuật bức xúc: “Mấy ngày nay tôi cũng đọc và tìm hiểu khá kỹ về nhân vật này và thấy chúng ta cần lên án mạnh, gay gắt. Võ sư hiểu đơn giản chính là người thầy dạy võ, là người dạy cho người khác đạo làm người, thức tỉnh lương tri của những người sai trái, hướng họ đến đạo nghĩa, hướng đến điều tốt đẹp, bảo vệ người yếu hơn mình, tránh xa những tật xấu”.

Theo Võ sư Đặng Tam Thuận, võ sư phải trở thành những người trượng nghĩa, hy sinh bản thân để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ những người yếu đuối, giúp đỡ họ có cuộc sống bình yên, sức khỏe tốt. Trách nhiệm của người thầy dạy võ là làm những việc như vậy chứ không cần vấn đề gì đó sâu xa hơn.

“Tôi thật sự cũng muốn biết, ai là người phong cấp võ sư cho “Đường Nhuệ”, học ở môn phái nào? Điều này không ai biết cả, chưa có đơn vị nào xác nhận cấp bằng võ sư cho “Đường Nhuệ”. Người này có thể tham gia vài bộ phim đánh đấm nên tự nhận mình là võ sư. Nhưng nếu nói về đạo của người làm võ thì không bao giờ có chuyện đe dọa, dọa nạt người khác, điều đó không còn là của người học võ nữa. Nếu gọi Đường Nhuệ là võ sư thì rất mang tiếng những người học võ thật sự”, Võ sư Đặng Tam Thuận nêu quan điểm.

img

Võ sư Đặng Tam Thuận cho hay, bản thân anh là người học và dạy võ khắp mọi miền Tổ quốc nhưng không hề dùng võ bắt nạt ai để kiếm tiền. Người học võ không thể làm những chuyện trái luân thường đạo lý như vậy. Với những người như “Đường Nhuệ” không bao giờ được xếp vào hàng võ sư, một huấn luyện viên người này cũng chưa đủ tư cách.

Nếu một người võ sư chân chính, có sức khỏe, có tiền thì càng không làm ức hiếp, đe dọa, đánh đập người yếu hơn mình. Khi họ không có tiền thì giúp họ có công việc làm ăn, họ không có sức khỏe thì dạy võ để họ khỏe mạnh. Đừng dùng sức mạnh để làm việc phạm pháp.

“Sống trong xã hội phải tôn trọng luật pháp, tôn trọng chính bản thân mình chứ không thể sống lộng hành, có những hành vi vi phạm pháp luật. Đừng nghĩ, có võ, có đàn em để bắt nạt người khác. Với tôi, dù học võ hay người bình thường, tôi chỉ quan tâm sống có tình có nghĩa với mọi người.

Còn chuyện làm ăn hay bất cứ điều gì cũng cần cạnh tranh công bằng, nên dùng trí tuệ và năng lực mới được người khác tôn trọng. Chúng ta hơn nhau ở trình độ chứ không phải cơ bắp, nắm đấm...”, võ sư Đặng Tam Thuận bày tỏ.

M.T

img