Các “thượng đế” hồn nhiên đến siêu thị, bóc bánh hái quả ăn uống nhồm nhoàm không cần tính tiền. Lạ thay, các vị khách không mời coi chuyện đó là thường tình, bất chấp búa rìu dư luận.
Cách đây vài hôm, dư luận lại được phen xôn xao khi đoạn clip ghi lại cảnh một số người dân thản nhiên xé lẻ chùm vải thiều, bóc vỏ ăn trụi cuống rồi xả rác ngay tại quầy trong siêu thị.
Điều đặc biệt là hiện tượng này có lẽ đã lặp lại nhiều lần, khi các nhân viên siêu thị đã cẩn thận đặt biển báo “cấm dùng thử” ngay sạp vải, nhưng các vị “thượng đế” vẫn hồn nhiên như trẻ không biết chữ.
Thật vậy, văn hóa ăn thử có lẽ đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân mỗi lần đi mua đồ ở chợ cóc gần nhà, thấy đồ ngon phải nếm một miếng, thử vài lần rồi ngã giá, nâng lên đặt xuống mới vừa lòng.
Clip ăn vải không phải là hiện tượng cá biệt, nó vốn cũng chỉ là một gạch đầu dòng trong đề bài có đáp án vô cực.
Những hình ảnh chướng tai gai mắt vẫn thường xuyên lặp lại làm đau đầu các nhân viên siêu thị hàng ngày.
Những cột kẹo, ô mai đầy màu sắc bán theo kg được nhiều thực khách bóc vỏ thử ngay tại trận, những lọ dầu gội gắn tem mác niêm phong cũng được bật nắp để… thử mùi, thậm chí cả những chiếc băng vệ sinh không nguyên vẹn trên kệ trưng bày.
Ngày bé tôi thường sang nhà hàng xóm ăn chực cơm mà bỏ luôn thức ăn ở nhà vì thấy đồ nhà người ta bao giờ cũng ngon hơn.
Vốn dĩ ở nhà chẳng thiếu thốn gì đâu, nhưng hễ cứ ra siêu thị là tuổi thơ ùa về, câu chuyện “đồ ăn nhà hàng xóm” ngon hơn nhà mình kéo đến, chẳng ai bảo ai, những vị khách không mời cứ vô tư ăn cho thoả mãn, xong xuôi gật gù tán thưởng khen chê.
Nhưng “miếng ăn là miếng tồi tàn”. Một quả vài chẳng đáng mấy đồng, ăn chực gói bim bim trong siêu thị chẳng giúp người ta giàu lên, ấy vậy mà hình ảnh các bác các cô tay nhanh thoăn thoát bóc vỏ, miệng nhồm nhoàm vài miếng đã bỗng chốc trở thành biểu tượng của sự vô ý thức.
Nhiều siêu thị thở ra nước mắt khi đứng nhìn những chồng hàng hoá được “khai quật” tung toé, bao bì một đằng thành phẩm một nẻo, hộp sữa hút cạn, cây kem mút dở, thậm chí có cả những quả táo bằng cách nào đó ngẫu nhiên trở thành biểu tượng của thương hiệu Apple đình đám vì có miếng cắn trộm.
Thật huyên náo, đông đúc chưa từng thấy, chưa bao giờ ký ức về chuyện ăn chực lại nham nhở và xấu xí đến vậy. Hay đó không phải sở thích ăn chực nữa, mà đó là sự ích kỷ và cả tham lam?
Và có lẽ, trong trận chiến này, sự thiệt hại của các cửa hàng, siêu thị đã chiến thắng người tiêu dùng. Bởi một vài “thượng đế” của chúng ta đã bị thất bại trên con đường trở thành người có ích cho xã hội.
Chẳng có chế tài pháp lý nào đủ linh hoạt để đàn áp, chữa trị được căn bệnh ích kỷ này. Không vi phạm pháp luật, tất cả chỉ dừng lại ở mặt đạo đức, chúng ta lấy gì để giải quyết?
Sự lộn xộn bởi ý thức, hay sự quản lý lỏng lẻo của nhân viên? Tôi nghĩ phần nhiều mà gây nên câu chuyện đáng xấu hổ này thuộc về người mua sắm, những “thượng đế” thích đi ăn chực!
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.