img

Voi rừng chết do thức ăn khan hiếm và hồi chuông cảnh báo về công tác bảo tồn

Anh Ngọc

Dù vẫn còn khá nhiều đàn voi tự nhiên nhưng phần lớn các đàn voi ở Nghệ An lại là đàn voi đơn lẻ, không còn khả năng phát triển. Thời tiết rét và thức ăn khan hiếm là nguyên nhân khiến cho đàn voi bị suy giảm.

Voi mẹ chết trong rừng sâu

img

Xác của voi rừng do người dân phát hiện.

Ngày 18/2, sau khi nhận được tin báo của người dân về việc phát hiện xác của một con voi rừng, ông Phạm Đức Thành, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nghệ An đã dẫn đầu đoàn công tác của ngành đến hiện trường ở xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An để tiến hành điều tra nguyên nhân.

Đoàn gồm cả đại diện UBND huyện Quỳ Châu, Công an huyện, Viện kiểm sát nhân dân huyện, Chi cục Thú y và Chi cục Kiểm lâm. Theo nhận định ban đầu, có thể con voi chết là một trong hai con voi còn sót lại ở huyện Quỳ Châu, đã sinh sống ở những cánh rừng già hàng chục năm qua.

Cách đây không lâu, cơ quan chuyên môn đã gửi tấm ảnh chụp con voi này tới các chuyên gia voi ở châu Phi để nhằm xác định tuổi voi. Tuy nhiên, do bức ảnh được người dân chụp quá mờ nên các chuyên gia không thể xác định được. Còn theo các bậc già làng, con voi già đã trên 60 tuổi, con voi con khoảng 30 tuổi.

img

Hai mẹ con voi tại cánh rừng ở Quỳ Châu.

Trước đây, đàn voi khá đông đúc, tuy nhiên khoảng vài chục năm trở lại đây, chỉ còn lại 2 mẹ con voi rừng này. Do đàn này không có voi đực nên không còn khả năng phát triển. Từ nhiều năm trước, cơ quan chức năng đã từng tính đến phương án sáp nhập chúng với các đàn khác nhưng không khả thi.

Từ cuối năm 2022 đến nay, 2 con voi này liên tục xuất hiện ở các khu đất trồng keo, sắn, mía của người dân ở xã Châu Phong để kiếm thức ăn. Mặc dù đã có những giải pháp để hạn chế voi rừng xuất hiện gần khu vực sản xuất, canh tác của người dân, nhưng tần suất xuất hiện gần khu dân cư của đàn voi ngày càng gia tăng.

img

Cụ thể, từ ngày 12 đến ngày 23/10/2022, 2 con voi xuất hiện tại khu vực bản Luồng, bản Huôi Phúng, bản Đôm 1, xã Châu Phong, ở khu vực rừng trồng của các hộ gia đình.

UBND huyện đã chỉ đạo phòng chức năng phối hợp với Hạt Kiểm lâm Quỳ Châu, Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳ Châu và chính quyền xã Châu Phong tiến hành đốt lửa, gõ mõ, phát loa… để xua đuổi voi trở lại trong rừng sâu.

Đến ngày 3/12/2022, voi tiếp tục về khu dân cư để tìm kiếm thức ăn, phá hoại cây trồng và hoa màu của bà con nhân dân bản Đôm 1 và bản Luồng. Đến tối cùng ngày, chúng xuất hiện tại rừng keo gần khu dân cư.

Khoảng 2h ngày 8/12/2022, voi rừng lại tiếp tục xuất hiện tại khe Huôi Hú và đến phá chòi và hoa màu của hộ gia đình ông Vi Văn Hiếu ở bản Luồng. Sau khi bị người dân và lực lượng chức năng xua đuổi, chúng lại di chuyển xuống khu vực khe Canh Cức, Phá Bạt tiếp tục phá hoại hoa màu của gia đình ông Lô Văn Xuân, ở bản Đôm 1.

Cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân đã phải tổ chức xua đuổi suốt 2 giờ thì voi mới chịu vào rừng. Tuy nhiên, đến trưa cùng ngày, chúng thậm chí còn di chuyển xuống Tỉnh lộ 544 và thong dong giữa đường, khiến phương tiện giao thông không dám qua lại.

img

Voi về nhà dân để tìm kiếm thức ăn.

Lần gần nhất, đàn voi này xuất hiện ở khu dân cư là tối 10/12/2022. Khi đó, con voi mẹ chỉ đi một mình. Theo ghi nhận của người dân, lần này con voi mẹ trông rất gầy gò và chậm chạp.

Nó thong dong vào lục lọi trong nhà dân tìm thức ăn, bất chấp hàng trăm người dân tìm mọi cách xua đuổi. Nhiều người dân tiến sát con voi nhưng nó vẫn có dấu hiệu sợ sệt. Sau khi ăn no, nó chậm chạp quay trở lại rừng.

Loại trừ nguyên nhân voi chết do bị sát hại

Ông Lê Hải Lý, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu cho biết thêm: “Khu vực phát hiện xác con voi nằm sâu trong rừng tự nhiên, cách khu dân cư chừng 3km. Xác voi nằm trên một triền dốc, xung quanh không có dấu vết gì bất thường. Cây cối không bị gãy đổ, không phát hiện dấu hiệu bị dính bẫy và săn bắn”.

Cũng theo ông Lý, xác con voi này đã phân hủy nặng, chỉ còn lại da và xương cùng một ít phần thịt trên đầu, một phần dạ dày... Qua đó, đoàn công tác nhận định con voi đã chết từ hơn một tháng trước.

“Hiện tại, chúng tôi không đủ cơ sở để kết luận nguyên nhân voi chết. Tuy nhiên, theo nhận định của chúng tôi thì có thể loại trừ khả năng nó bị sát hại. Đoàn công tác nhận định, voi chết là vì quá già yếu, kèm với thời tiết rét và nguồn thức ăn khan hiếm”, ông Lý nói.

Về con voi con, thời gian gần đây cũng không còn được ghi nhận xuất hiện ở gần khu dân cư. Hiện không rõ nó đang ở đâu.

img

Voi mẹ đã chết, voi con hiện không rõ tung tích.

Theo ông Lê Xuân Đình, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Quỳ Châu, đây là những con voi còn sót lại trên địa bàn huyện Quỳ Châu. Trước đây, đàn voi này cũng khá đông đúc, nhưng dần bị sát hại, chỉ còn 2 mẹ con này.

Tuy nhiên, cả hai con voi này đều là voi cái nên không còn khả năng sinh sản và nguy cơ đàn voi này xóa sổ là hiện hữu nếu không được nhập với đàn voi khác.

“Trước đây, người dân thường mang theo muối lên rừng bẻ măng rồi để lại, voi thường tìm đến để ăn, nhưng nay không còn nữa. Ngoài ra, voi con đã 30 tuổi, bắt đầu đến thời gian động dục, nhưng không có voi đực nên chúng thường tìm ra khỏi rừng hơn trước đây”, ông Lê Xuân Đình nói.

Lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Quỳ Châu thông tin, mỗi con voi thường có tuổi thọ khoảng 100 năm. Do không có voi đực, chỉ còn hai con voi cái nên đàn voi trên địa bàn huyện này sẽ bị xóa sổ trong thời gian tới là điều đương nhiên.

Theo thống kê, Nghệ An hiện có 14-16 con voi rừng, là địa phương có số lượng voi rừng đứng thứ 3 cả nước sau tỉnh Đắk Lắk và Đồng Nai. Dù vẫn còn khá nhiều đàn voi tự nhiên, nhưng phần lớn các đàn voi ở Nghệ An lại là đàn voi đơn lẻ, không còn khả năng phát triển. Nhiều con voi sống đơn độc suốt hàng chục năm qua, thường xuyên về khu dân cư tàn phá hoa màu, xung đột với con người.

A.N

img