Hai chị em nhà Papin xuất thân trong một gia đình nghèo khó, cha mẹ bất hòa ở Le Mans. Sinh năm 1905, Christine là người con thứ hai. Dù không phải là một cô gái quá nhanh nhạy nhưng tính cách Christine được cho là mạnh mẽ và cởi mở hơn người em gái Léa. Ngược lại, Léa - sinh năm 1911 và là con út trong gia đình - được mô tả là người nhút nhát, sống nội tâm, ít nói nhưng ngoan ngoãn.
Năm 1926, Christine và Léa Papin may mắn cùng được nhận vào làm người hầu tại gia đình Lancelin, một luật sư về hưu, người sống cùng vợ là Léonie và con gái Geneviève. Christine làm đầu bếp, trong khi Léa dọn dẹp nhà cửa. Hầu hết mọi người đều nhận xét chị em nhà Papin đều là những cô gái ngoan, dạng người giúp việc kiểu mẫu, cuối tuần cả hai đều đi nhà thờ và họ nổi tiếng là những người lao động siêng năng với cách cư xử đúng mực.
Đến năm 1933, chị em nhà Papin đã trải qua 6 năm làm việc cho gia đình Lancelin. Khi đó, Christine 27 tuổi và Léa 21 tuổi. Vào ngày 2/2 năm đó, bà Lancelin và con gái trở về vào khoảng 17h30 và thấy căn nhà tối om. Đây là lần thứ hai trong tuần, chiếc bàn ủi bị trục trặc khiến cầu chì điện bị nổ khi Christine đang ủi đồ. Thật kỳ lạ, chiếc bàn ủi vừa được thợ sửa trả lại vào ngày hôm đó và nói rằng nó không hỏng hóc gì. Khi Christine thông báo cho bà Lancelin rằng bàn ủi lại hỏng, bà đã rất tức giận và một cuộc tranh cãi đã nổ ra.
Trong quá khứ, chủ nhân và người hầu cũng thường có những điều không hài lòng về nhau. Bà Lancelin vốn là người kỹ tính, luôn yêu cầu công việc phải hoàn thành ở mức độ hoàn hảo. Bà thậm chí còn đeo găng tay trắng để kiểm tra bụi, thường xuyên nhận xét về món ăn của Christine và bắt Léa quay lại dọn dẹp khi bỏ lỡ một chỗ nào đó. Dù vậy, chưa bao giờ căng thẳng nổ ra quá mức. Nhưng lần này thì khác.
Người chị Christine bỗng dưng trở nên cáu kỉnh không kiểm soát. Christine lao vào cô con gái Geneviève và dùng ngón tay xé toạc đôi mắt. Người em Léa cũng nhanh chóng lao vào cuộc chiến và tóm lấy bà Lancelin. Christine ra lệnh cho người em đánh bà chủ, sau đó Christine chạy xuống nhà bếp để lấy một con dao và cái búa rồi quay lại đánh đập dã man cả hai mẹ con trong suốt 30 phút đồng hồ trước khi kết liễu họ.
Ông Lancelin và con rể về nhà khoảng 1 tiếng sau đó, nhưng cánh cửa chốt ở bên trong khiến họ không thể vào nhà. Căn nhà hoàn toàn tối, ngoại trừ một ánh sáng yếu ớt phát ra từ tầng trên. Mọi thứ có vẻ rất đáng ngờ, vì vậy họ đã gọi cho cảnh sát.
Sau khi vào nhà, cảnh sát leo lên cầu thang và phát hiện một cảnh tượng kinh hoàng. Chị em nhà Papin đã tra tấn hai mẹ con bà chủ theo cách không thể tưởng tượng nổi. Hầu hết các vết thương đều ở mặt và đầu của nạn nhân.
Cảnh sát đã lùng sục khắp ngôi nhà với suy nghĩ hai chị em nhà Papin cũng có thể là nạn nhân. Nhưng khi lên tầng của người giúp việc, họ trông thấy các cô gái đang nằm trên giường cùng với áo choàng trên người. Bên cạnh giường, trên một chiếc ghế đặt chiếc búa dính máu. Cảnh sát hỏi họ chuyện gì đã xảy ra và hai chị em ngay lập tức thú nhận tội ác.
Cảnh sát bắt và giam giữ hai chị em. Christine trở nên đau khổ và tỏ ra tuyệt vọng khi phải xa cách người em của mình. Christine thờ ơ với tất cả và không muốn bất cứ điều gì ngoại trừ Léa. Tòa án đã chỉ định 3 bác sĩ tiến hành đánh giá tâm lý cho hai chị em để xác định xem họ có vấn đề gì về tâm thần hay không.
Đánh giá cho thấy hai chị em không có rối loạn tâm thần bệnh lý. Các bác sĩ cho biết các cô gái hoàn toàn khỏe mạnh và chỉ ra rằng tình cảm thân thiết sâu sắc giữa họ đã thúc đẩy cả hai hành động cùng nhau và đều phải chịu trách nhiệm như nhau về vụ giết người.
Tại phiên tòa, hội thẩm chỉ mất 40 phút để nghị án. Cả Christine và Léa Papin đều bị phán xét có tội. Léa nhận bản án 10 năm tù. Christine phải đối mặt với máy chém, tuy nhiên sau đó được giảm xuống tù chung thân.
Vụ giết người tàn bạo của chị em nhà Papin đã làm bùng nổ sự phẫn nộ khắp thành phố Le Mans và gây chấn động toàn nước Pháp. Chưa bao giờ nơi đây xảy ra một vụ giết người tàn bạo đến thế. Nhiều người bắt đầu thắc mắc tại sao hai cô gái vốn tử tế và được chủ nhân đối xử không tệ lại có thể mang lòng căm thù sâu sắc đến mức phạm một tội ác khó tin như vậy. Bản thân vụ giết người đã ghê tởm, nhưng việc hành hạ thi thể nạn nhân lại là điều khó có thể chấp nhận hơn.
Các nhà trị liệu tâm lý, triết gia, nhà văn và những người khác bắt đầu say mê với những giả thuyết về động cơ của chị em nhà Papin. Một số trí thức thông cảm với các cô gái khi coi tội ác là sự phản ánh của sự phân chia giai cấp áp bức, điều kiện làm việc tồi tệ và thành kiến.
Những người khác thì cho rằng, hai cô gái đã có một công việc tử tế với một gia đình tử tế, ăn cùng bữa ăn với chủ nhân và có mức lương hàng tháng hậu hĩnh nên không có động cơ hợp lý nào cho tội ác như vậy.
Tại phiên tòa, một bác sĩ nêu quan điểm rằng chị em Papin hoàn toàn không bình thường. Ông cho rằng mối quan hệ giữa Christine và Léa là một sự hợp nhất hoàn toàn về nhân cách và người em Léa đã đánh mất bản sắc của mình cho nhân cách thống trị của Christine. Về bản chất, không có “Christine” và không có “Léa”. Kẻ giết người thực sự là nhân cách chung của cả hai - nhân dạng thứ ba.
Hai chị em dường như mắc chứng bệnh được gọi là rối loạn hoang tưởng chia sẻ. Tình trạng này có xu hướng xảy ra trong các nhóm nhỏ hoặc các cặp đôi cảm thấy cô lập với thế giới. Bên cạnh đó, có một lý giả thuyết giật gân khác. Có khả năng bà Lancelin đã phát hiện ra hai chị em có mối quan hệ loạn luân hoặc nhìn thấy thứ gì đó khủng khiếp nên mới phải chịu số phận đau đớn như vậy.
Về sau này, Christine đã không vượt qua được sự cùng cực nơi nhà tù. Cô bộc lộ những cơn điên loạn và không chịu ăn uống. Sau khi được chuyển đến trại tâm thần, Christine tiếp tục bỏ đói bản thân cho đến khi chết vào tháng 5/1937. Còn về phần người em, Léa Papin ra tù sau 8 năm cải tạo tốt và có một cuộc sống thầm lặng cho đến khi qua đời năm 2001.
M.K